Quy định về phòng xử án: Bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử

Trần Minh Giang| 02/08/2017 16:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 28/7/2017, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC Quy định về phòng xử án.

Mục đích nhằm thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử; bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Phòng xử án được bố trí phù hợp

Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định về việc sắp xếp vị trí của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong quá trình Tòa án xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, phá sản; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và một số quy định khác về phòng xử án. Phòng xử án bao gồm phòng xử án giám đốc thẩm, tái thẩm; phòng xử án sơ thẩm, phúc thẩm. Phòng xử án được bố trí trang nghiêm, bảo đảm an ninh, trật tự phiên tòa, phù hợp với yêu cầu xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử của Tòa án. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, phòng xử án được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Về hình thức, phòng xử án được bố trí Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam trên nền ốp gỗ ở chính giữa, phía sau và ở trên vị trí của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp. Phòng xử án được bố trí hai bục, trừ phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Vị trí của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp ở trên bục cao nhất; bục thứ hai là vị trí của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa, phiên họp. Phòng xử án bảo đảm không gian để tiến hành phiên tòa, phiên họp và hàng rào ngăn cách giữa khu vực của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với khu vực của người tham dự phiên tòa, phiên họp. Phòng xử án bố trí lối đi riêng cho Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp; lối đi của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp cũng được bố trí riêng biệt. Tường trong phòng xử án có nền màu vàng. Trường hợp xét xử lưu động thì bố trí Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam trên phông nền màu xanh ở chính giữa, phía sau và ở trên vị trí của Hội đồng xét xử. Bàn của những người tiến hành tố tụng được phủ khăn có màu giống với màu phông nền.

Về trang thiết bị, phòng xử án có Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam; bục vị trí của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp; bàn, ghế, bục khai báo, hàng rào ngăn cách, bảng nội quy phòng xử án, biển ghi chức danh của những người tiến hành tố tụng, biển ghi tư cách của người tham gia tố tụng, hệ thống chiếu sáng, quạt điện và hệ thống âm thanh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của mỗi Tòa án mà phòng xử án có thể được trang bị thêm thiết bị ghi âm, ghi hình, màn hình ti vi, máy tính, mạng internet, mạng truyền hình trực tuyến và các trang thiết bị khác phục vụ cho công tác xét xử. Bàn, ghế, nền ốp gỗ để bố trí Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam, bục khai báo, hàng rào ngăn cách trong phòng xử án được làm bằng gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp có màu nâu. Kích thước của Quốc huy; bục vị trí của Hội đồng xét xử; bàn, ghế, bục khai báo, hàng rào, bảng nội quy phòng xử án, biển ghi chức danh của những người tiến hành tố tụng, biển ghi tư cách của người tham gia tố tụng được đóng theo quy chuẩn do TANDTC quy định để đảm bảo tính thống nhất và sự uy nghiêm.

Riêng bàn, ghế trong phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình - người chưa thành niên được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng để đảm bảo tính thân thiện, gần gũi. Bảng nội quy phòng xử án có nền màu xanh, chữ màu trắng được treo bên ngoài cửa chính của phòng xử án; biển ghi chức danh những người tiến hành tố tụng có nền màu đỏ, chữ màu vàng; biển ghi tư cách tham gia tố tụng của những người khác có nền màu xanh, chữ màu trắng.

Kinh phí để bố trí các phòng xử án được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Vị trí đại diện Viện kiểm sát và Luật sư bố trí đối diện, ngang bằng nhau

Vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí phù hợp với từng cấp xét xử và từng loại vụ án. Theo đó, phòng xử án giám đốc thẩm, tái thẩm; phòng xử án sơ thẩm, phúc thẩm; phòng xử án hành chính, dân sự, giải quyết việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đều có một điểm chung là vị trí của Hội đồng xét xử được bố trí trên bục cao nhất, phía dưới Quốc huy; vị trí của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa… bố trí ở thấp hơn.

Quy định về phòng xử án: Bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử

Phiên tòa hình sự của TAND TP Đà Nẵng bố trí Hội đồng xét xử ngồi cao nhất; chỗ ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư ngang bằng, đối diện nhau.

Điểm đổi mới đột phá đối với phòng xử án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm là vị trí của Hội đồng xét xử được bố trí trên bục cao nhất, phía dưới Quốc huy. Vị trí của Thư ký phiên tòa được bố trí dưới một cấp, quay lưng vào Hội đồng xét xử. Vị trí của đại diện Viện kiểm sát và vị trí của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Luật sư) được bố trí đối diện với nhau trên cùng một mặt bằng và ở dưới vị trí của Thư ký phiên tòa (trước đây Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát, Thư ký phiên tòa ngồi ở bục cao nhất, trên cùng một mặt bằng).

Việc bố trí đại diện Viện kiểm sát (bên buộc tội) và Luật sư (bên gỡ tội) ngồi ngang nhau trên cùng một mặt bằng đã tạo sự bình đẳng, thế cân bằng giữa hai bên. Vị trí bục khai báo của những người tham gia tố tụng khác, vị trí bục khai báo của bị cáo và vị trí của người phiên dịch, dịch thuật được bố trí ngang hàng và phía dưới vị trí của đại diện Viện kiểm sát và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Người tham gia tố tụng khác cũng có thể đứng tại chỗ để khai báo theo sự điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa…

Đối với phòng xử án hành chính, dân sự, giải quyết việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì vị trí của Hội đồng xét xử vẫn được bố trí trên bục cao nhất, phía dưới Quốc huy; tiếp theo là vị trí của Thư ký phiên tòa, phiên họp được bố trí dưới một cấp, quay lưng vào Hội đồng xét xử. Vị trí của đại diện Viện kiểm sát và vị trí của người phiên dịch, dịch thuật được bố trí đối diện với nhau và ở dưới vị trí của Thư ký phiên tòa, phiên họp. Vị trí của đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và vị trí của những người tham gia tố tụng khác được bố trí ngang hàng và phía dưới vị trí của đại diện Viện kiểm sát và người phiên dịch, dịch thuật. Đối với phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì đại diện cơ quan đề nghị, người bị đề nghị và những người tham gia tố tụng khác được Thẩm phán chủ tọa phiên họp bố trí theo vị trí tương ứng.

Riêng phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình - người chưa thành niên thì vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh. Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Một thay đổi cơ bản nữa về phòng xử án hình sự, hành chính, dân sự, giải quyết việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình - người chưa thành niên là có hàng rào đặt giữa khu vực của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với người tham dự phiên tòa, phiên họp. Vị trí của người tham dự phiên tòa, phiên họp được bố trí ngay sau hàng rào theo sự điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp. Vị trí của Cảnh sát bảo vệ phiên tòa, phiên họp được bố trí ngay sau vị trí của người tham dự phiên tòa, phiên họp. Vị trí của phóng viên, nhà báo được bố trí phía sau cùng của phòng xử án…

Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC Quy định về phòng xử án có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Chánh án TAND, TAQS các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm thi hành Thông tư này. Cục Kế hoạch - Tài chính TANDTC có trách nhiệm giúp Chánh án TANDTC trong việc bảo đảm kinh phí, hướng dẫn sử dụng kinh phí trong việc thực hiện tổ chức phòng xử án; thống nhất các quy chuẩn hình thức và trang thiết bị phòng xử án của các Tòa án, lập Đề án trình Chánh án TANDTC xem xét, quyết định phê duyệt quy chuẩn hình thức và trang thiết bị phòng xử án của các Tòa án.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị, Chánh án TANDTC đề nghị TAND các cấp phản ánh cho lãnh đạo TANDTC thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học để có hướng dẫn kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định về phòng xử án: Bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử