Nỗ lực thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Tòa án nhân dân

Mai Thoa| 15/04/2016 08:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong nhiệm kỳ qua, bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, Tòa án các cấp đã rất nỗ lực trong việc tiếp tục hiện thực hóa Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp (CCTP).

Đó  là đánh giá của nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB) trong kỳ họp vừa qua về công tác TAND và báo cáo của Chánh án TANDTC.

Đề xuất nhiều quy định thể chế hóa cải cách tư pháp

Báo cáo của TANDTC trong nhiệm kỳ qua cho thấy, các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được tập trung nghiên cứu để thể chế hóa với tinh thần trách nhiệm cao. TANDTC đã triển khai xây dựng nhiều Đề án về cải cách tư pháp, làm cơ sở hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của TAND; nhiều đề xuất của Tòa án theo chủ trương cải cách tư pháp đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và các văn bản luật.

Hiến pháp năm 2013 đã quy định “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; bổ sung nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”. Trên tinh thần này, Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã quy định cụ thể: Hệ thống TAND được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, gồm 4 cấp; trong cơ cấu tổ chức của các TAND có Tòa Gia đình và Người chưa thành niên; Thẩm phán TANDTC phải được Quốc hội phê chuẩn trước khi trình Chủ tịch nước bổ nhiệm; TANDTC có thẩm quyền lựa chọn và phát triển án lệ và có chức năng đào tạo đối với cán bộ, công chức Tòa án. Trong quá trình xây dựng các Luật tố tụng tư pháp, TANDTC đã đề xuất nhiều quy định nhằm thể chế hóa tinh thần cải cách tư pháp và quy định của Hiến pháp năm 2013, như quy định việc chuyển hướng không xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội (Bộ luật Hình sự) hay là Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có quy định của pháp luật (Bộ luật Tố tụng dân sự)...

Có thể thấy rằng, trong nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã tập trung thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, tổ chức thực hiện Hiến pháp, luật và các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp đạt hiệu quả; số vụ án TAND các cấp thụ lý và giải quyết tăng cao, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm, việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại TAND các cấp được chú trọng để ngăn chặn oan sai, tiêu cực. Đề cao kỷ luật công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh và kỹ năng của Thẩm phán. Các Tòa án đã xây dựng được phong trào thi đua thực chất để đủ sức giải quyết được số lượng án ngày càng tăng và đảm bảo chất lượng xét xử các loại án.

Nỗ lực thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Tòa án nhân dân

Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ

Từ kết quả trên, các ĐB cho rằng, những nỗ lực lớn trong cải cách tư pháp, nhất là trong quá trình xây dựng Hiến pháp, các luật về Tòa án, tố tụng, đặc biệt kiên quyết đấu tranh thể chế hóa nguyên tắc tranh tụng và áp dụng án lệ và thực hiện Tòa án 4 cấp. Việc thay đổi TANDTC như hiện nay là một cuộc cách mạng có ý nghĩa tích cực và dài hạn cho nền tư pháp, thay vì hàng trăm Thẩm phán TANDTC thì bây giờ chúng ta có 15-17 người. Những tiến bộ trong CCTP có tính hệ thống như vậy sẽ tạo nên hình ảnh nền tư pháp tốt hơn và có tác động tích cực trong thời gian tới đây.

Cải cách tư pháp đã nâng cao niềm tin công lý cho người dân

ĐB Tô Văn Tám nhận định, cải cách tư pháp đã nâng cao niềm tin và công lý của nhân dân và một trong những điểm sáng là tiếp tục thực hiện một cách đúng đắn, trung thực, cầu thị việc bồi thường oan trong tố tụng hình sự theo tinh thần Nghị quyết số 38 của Quốc hội. Báo cáo của TANDTC thể hiện trong nhiệm kỳ qua Tòa án các cấp đã thụ lý 27 trên 27 đơn yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; Viện kiểm sát là 96 đơn, đã giải quyết bồi thường là 85 người, số còn lại đang trong quá trình xem xét giải quyết. Việc giải quyết bồi thường đều được đánh giá là nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Người dân và dư luận đánh giá cao hoạt động này của các cơ quan tư pháp. Còn theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Hiến pháp cũng như Luật Tổ chức TAND đã xác định, việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được đưa lên hàng đầu. Đây là một sự thay đổi lớn so với Hiến pháp cũ và luật pháp cũ. Do đó, Tòa phải xác định đây là một trong những trách nhiệm hàng đầu của mình để bảo đảm cho các bên được tranh tụng bình đẳng.

Trước Quốc hội, Ủy ban Tư pháp cũng đã có báo cáo đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức TAND các cấp được TANDTC xác định là một trong các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử của TAND các cấp. TANDTC đã chú trọng đổi mới về nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm thực chất, gắn với yêu cầu thực tiễn công tác xét xử của TAND. Việc hoàn thiện tổ chức bộ máy xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện và điều kiện làm việc của các Tòa án có bước phát triển  rõ rệt. Thực hiện được kết quả trên là sự nỗ lực lớn lao của cán bộ, Thẩm phán Tòa án và thực tế họ cũng không ít tâm tư.

 Là người công tác lâu năm trong hệ thống Tòa án, ĐB Trịnh Thanh Bình chia sẻ, thực tế, Thẩm phán TAND các cấp chịu rất nhiều áp lực, nhiều lo lắng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Đó là các trường hợp án xử không kịp, án bị hủy, bị sửa, tình trạng Thẩm phán không được tái bổ nhiệm, hay có trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường oan sai… và bị dư luận xã hội nghi ngờ, nhiều ý kiến không tin vào sự liêm chính của hệ thống tư pháp.

Vậy nên, các giải pháp khắc phục mà TANDTC đưa ra là cần thiết và phù hợp. Đó là tập trung bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, làm sao vừa đảm bảo xây dựng được đội ngũ cán bộ Thẩm phán đủ sức để giải quyết các loại án, đảm bảo tính liêm khiết, công tâm; đảm bảo cho những Thẩm phán chính trực yên tâm công tác, không nơm nớp lo sợ cho sự nghiệp bấp bênh của mình và những người liêm chính không phải tủi hổ vì sự nghi ngờ của dư luận. Cùng với đó là việc đầu tư nguồn lực, trí lực cho công tác tổng kết rút kinh nghiệm về công tác xét xử; hướng dẫn nghiệp vụ xét xử, nhất là những loại án mới phát sinh, phức tạp, hoặc là những vụ án có yếu tố nước ngoài vì hiện nay, còn nhiều vấn đề pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu thống nhất nên Tòa án rất khó áp dụng trong thực tế. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Tòa án nhân dân