Nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân

Trần Quang Huy| 07/05/2016 09:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên cơ sở ý kiến tham gia của TANDTC, vừa qua Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 13/2016/TT-BCA Quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân.

Thông tư này quy định nguyên tắc, nhiệm vụ, trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác bảo vệ phiên tòa.

Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho phiên tòa

Quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng bảo vệ phiên tòa tuân thủ đúng Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa và hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án. Khi làm nhiệm vụ, lực lượng bảo vệ phiên tòa thực hiện theo kế hoạch, phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giải quyết công việc nhanh chóng, chính xác, đúng thẩm quyền; chấp hành nghiêm mệnh lệnh của người chỉ huy bảo vệ phiên tòa; không được rời vị trí bảo vệ khi chưa có lệnh của người chỉ huy; việc bảo vệ phiên tòa chỉ thực hiện khi có yêu cầu của TAND.

Nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa  của lực lượng Công an nhân dân

Lực lượng Công an bảo vệ phiên tòa áp giải bị cáo vào phòng xét xử

Đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa là Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp các cấp trong Công an nhân dân, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn các phiên tòa. Đơn vị Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp khi nhận được yêu cầu bảo vệ phiên tòa của TAND có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bảo vệ phiên tòa trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự đơn vị mình phê duyệt. Trước khi xây dựng kế hoạch, lực lượng bảo vệ phiên tòa phải khảo sát thực tế, nắm vững tính chất, đặc điểm của vụ án; mức độ tội phạm, số lượng bị cáo, người làm chứng và những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ phiên tòa cần dự kiến số người tham dự phiên tòa; thời gian, địa điểm xét xử, khí hậu, thời tiết; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nơi diễn ra phiên tòa, dư luận xã hội (nhất là các phiên tòa xét xử các vụ án phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, khiếu kiện đông người) và những yếu tố khác có liên quan đến công tác bảo vệ phiên tòa. Đối với việc bảo vệ phiên tòa xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp về an ninh, trật tự thì phải thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ phiên tòa; các phiên tòa xét xử lưu động thì có thể tăng cường lực lượng, trang bị thêm phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo từng khu vực…

Đơn vị Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp được yêu cầu bảo vệ phiên tòa phải đề nghị Tòa án trao đổi những thông tin có liên quan đến vụ án để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ phiên tòa; dự kiến biện pháp cần áp dụng như áp giải bị cáo tại ngoại, dẫn giải người làm chứng, bắt bị cáo tại phiên tòa để bảo đảm thi hành án và các biện pháp cần thiết khác; họp bàn thống nhất với các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác tổ chức bảo vệ phiên tòa.

Công tác bảo vệ phiên tòa và xử lý các tình huống xảy ra

Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa phải có mặt trước giờ khai mạc phiên tòa ít nhất 30 phút; phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và hướng dẫn người được vào phòng xử án, nơi xét xử lưu động để dự phiên tòa theo đúng quy định; không cho người tham gia phiên tòa mang đồ vật cấm vào phòng xử án, nếu phát hiện vật cấm phải thu giữ ngay và báo cáo Chủ tọa phiên tòa. Trường hợp người đến dự phiên tòa vượt quá sức chứa của phòng xử án thì người chỉ huy bảo vệ phiên tòa phải báo cáo Chủ tọa phiên tòa để có biện pháp hạn chế số lượng người vào phòng xử án.

Đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ trong phòng xử án phải thực hiện đúng nhiệm vụ đã được phân công; nhắc nhở người đến dự phiên tòa ngồi đúng vị trí quy định, giám sát chặt chẽ mọi hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người tham dự phiên tòa; nhắc nhở, chấn chỉnh người vi phạm trật tự nội quy phiên tòa; không để xảy ra mất an ninh, trật tự, gây rối, đe dọa, tấn công Hội đồng xét xử, hủy hoại, cướp hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc các bị cáo hành hung lẫn nhau.

Khi kết thúc phiên tòa xét xử, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa chỉ được rời khỏi vị trí bảo vệ sau khi Hội đồng xét xử, người tham dự phiên tòa, bộ phận áp giải, hộ tống đã ra khỏi khu vực xử án ít nhất là 15 phút. Sau đó, người chỉ huy bảo vệ phiên tòa kiểm tra quân số, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ ra lệnh cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa rời vị trí về đơn vị. Công an xã, phường, thị trấn nơi diễn ra phiên tòa xử án tiếp tục duy trì an ninh, trật tự sau khi lực lượng bảo vệ phiên tòa và các lực lượng tham gia phối hợp rời khỏi khu vực xét xử; không để thân nhân, đồng bọn bị cáo tụ tập hò hét, gây rối, đập phá gây mất trật tự…

Trường hợp vụ việc diễn biến phức tạp thì cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa báo cáo và kiến nghị, đề xuất ngay Chủ tọa phiên tòa dừng xét xử và bảo vệ an toàn Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, hồ sơ, tài liệu, vật chứng vụ án; phối hợp với cán bộ, chiến sĩ áp giải để đưa bị cáo về khu vực cách ly.

Khi xảy ra tình huống tụ tập đông người gây rối trật tự tại khu vực xét xử thì cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa phải tuyên truyền, yêu cầu mọi người tự giải tán, chấm dứt việc gây rối trật tự. Trường hợp sau khi tuyên truyền, yêu cầu nhưng những người tụ tập gây rối trật tự không chấp hành thì cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa phải triển khai ngay phương án bảo vệ phiên tòa đã được phê duyệt, tập trung lực lượng ngăn chặn hành vi gây rối, cô lập, bắt giữ người chống đối, chủ mưu, cầm đầu gây rối trật tự khi cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân