Không thể để chậm tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng vì vướng khâu giám định tư pháp

Nguyên Bình| 24/12/2015 06:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 3 năm thi hành Luật Giám định tư pháp (GĐTP), chủ trương xã hội hóa GĐTP vẫn “giậm chân tại chỗ”...

Trong khi các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, việc giải quyết các loại án kinh tế, án tham nhũng… gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân từ công tác giám định này.

Kết luận giám định được coi là một nguồn chứng cứ, cùng với các nguồn chứng cứ khác để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Trong nhiều vụ án, kết luận giám định là một nguồn chứng cứ quan trọng, thậm chí nhiều khi là chứng cứ duy nhất nên vai trò của giám định tư pháp là vô cùng quan trọng. Thực tiễn giải quyết các vụ án kinh tế nói chung và án tham nhũng nói riêng trong thời gian qua cho thấy, không có kết luận giám định thì một số vụ án sẽ thành “án mờ”, thậm chí bị triệt tiêu.

Mới đây, tại cuộc họp về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong GĐTP phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn cho biết, trong số 17 vụ án tham nhũng, kinh tế đang thụ lý điều tra, truy tố cần trưng cầu GĐTP thì có đến 10/17 (chiếm 58,8%) vụ là có vướng mắc về giám định. Trong đó phải kể đến tình trạng lòng vòng chậm kết luận giám định nên phải đình chỉ vụ án hoặc do nội dung giám định quá khó nên phải dừng. Một thực tế là trong quá trình giải quyết án tham nhũng, có những vụ do Hội đồng định giá tài sản hoặc cơ quan trưng cầu giám định “ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy” nên dẫn đến chậm tiến độ xử lý.

Ông Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, để giải quyết những vướng mắc trong công tác GĐTP, nhất là để phục vụ cho cuộc chiến chống tham nhũng, cần có chế tài đối với hành vi “né” thực hiện nghĩa vụ giám định và đẩy mạnh xã hội hóa GĐTP như đã làm với lĩnh vực công chứng hiện nay sẽ khắc phục được tình trạng này.

Song trong thực tế, xã hội hóa GĐTP nhìn từ góc độ thành lập Văn phòng GĐTP thì hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo phân tích của bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), việc Luật GĐTP quy định phạm vi xã hội hóa GĐTP hẹp, chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật và bản quyền tác giả còn lại, nhiều lĩnh vực có nhu cầu kể cả từ người giám định lẫn người dân, tổ chức như giám định chữ viết, chữ ký, giấy tờ, kỹ thuật hình sự… lại không được thành lập Văn phòng nên “tính hấp dẫn không cao”.

Không thể để chậm tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng vì vướng khâu giám định tư pháp

Nhiều vụ án tham nhũng đang vướng mắc trong khâu giám định tư pháp 

Bà Yến cũng nêu lên một khó khăn thực tế là, GĐTP vốn là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu và đầu tư nhiều nhưng chính sách ưu đãi cho các văn phòng GĐTP mới thành lập hầu như rất hạn chế, mà đáng lẽ ra với những văn phòng mới thành lập phải được hỗ trợ về đất đai, thuế, thậm chí cả tài chính... mới có sức hút nhân lực cho hoạt động GĐTP ngoài Nhà nước. Nguyên nhân xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ, nhiều cơ quan nhà nước không đồng tình với việc cần hỗ trợ cho hoạt động giám định ngoài Nhà nước, nhưng thực tế, không ít Văn phòng GĐTP hoạt động ngoài Nhà nước nhưng lại phục vụ Nhà nước.

Cũng theo bà Đỗ Hoàng Yến, hiện đang thiếu sự hợp tác của các cơ quan tiến hành tố tụng khi ít trưng cầu GĐTP ngoài Nhà nước (kể cả Văn phòng GĐTP) là do nhận thức rằng “cơ quan nhà nước thực hiện bảo đảm hơn, chắc chắn, yên tâm hơn”. Cùng với đó, kinh phí cũng là một nguyên nhân ngăn cản tiến trình xã hội hóa GĐTP. Bởi vì các cơ quan tiến hành tố tụng không đủ khả năng chi trả trưng cầu giám định ngoài Nhà nước vì ngân sách dành cho giám định tư pháp thường được dự toán chung trong kinh phí điều tra nên gần như không tận dụng nguồn xã hội hóa này để góp phần phát triển hoạt động GĐTP, nhất là khi nhiều lĩnh vực mới phát sinh đang đòi hỏi phải có GĐTP.

Hiện nay, văn bản hướng dẫn thực hiện thành lập văn phòng GĐTP được giao cho từng Bộ, ngành tùy vào lĩnh vực quản lý và các Bộ, ngành đã rất tích cực. Và, giải pháp căn cơ để gỡ “vướng” trong xã hội hóa GĐTP là phải nhận thức đúng về vai trò của GĐTP ngoài Nhà nước, tạo dựng niềm tin của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện trưng cầu GĐTP ngoài Nhà nước. Đồng thời, mở rộng được phạm vi xã hội hóa GĐTP đối với các lĩnh vực thường xuyên, có nhu cầu cao, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các văn phòng GĐTP nhất là trong thời gian đầu mới thành lập.

Trước đó, khi chỉ đạo đôn đốc công tác GĐTP phục vụ giải quyết án tham nhũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung nhân lực, nguồn lực cho công tác GĐTP, không để vì kết luận giám định mà làm chậm tiến độ của các vụ án. Vì vậy, lãnh đạo các ngành, địa phương cần quan tâm đến công tác giám định. Các Bộ, ngành, địa phương phải có chương trình hành động cụ thể đối với triển khai Luật GĐTP để Luật thực sự đi vào cuộc sống; kiểm tra, thanh tra tổ chức hoạt động cũng như trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể để chậm tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng vì vướng khâu giám định tư pháp