Bộ luật Hình sự 2015: Sửa đổi, bổ sung phần "Các tội phạm" (kỳ 1)

Đỗ Văn Chỉnh| 18/03/2016 05:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ thực tế đấu tranh chống tội phạm trong nhiều năm qua và định hướng cho nhiều năm tiếp theo, BLHS được Quốc hội thông qua vào ngày 27/11/2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung đối với Phần “Các tội phạm”.

Mục đích để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tại phiên tòa quyết định tội danh, áp dụng hình phạt đối với người phạm tội được thống nhất, thuận lợi.

Đối với các tội Xâm phạm an ninh quốc gia: Điều 91 BLHS năm 1999 (tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân) được chia tách thành hai điều luật và có bổ sung nội dung đối với từng điều luật. Cụ thể là các Điều 120, 121, BLHS năm 2015. Điều 120 quy định: “Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”, Điều 121 quy định “Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Đối với các tội Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của công dân, đã sửa đổi, bổ sung như sau:

Tội “Giết con mới đẻ” (Điều 94 BLHS năm 1999) được sửa đổi, bổ sung về tội danh và quy định rõ con mới đẻ là trong 7 ngày tuổi. Cụ thể là: Điều 124 BLHS năm 2015 quy định “Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” với nội dung là: Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi thì bị phạt… Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn tới hậu quả trẻ chết thì bị phạt…”

Sửa đổi từ ngữ và bổ sung tình tiết phạm tội bằng cách quy định cụ thể rõ ràng để giảm bớt văn bản hướng dẫn. Ví dụ 1: Điều 112 BLHS năm 1999 quy định tội “Hiếp dâm trẻ em” đã sửa đổi tại Điều 142 BLHS năm 2015 với tội danh là: Tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Giữ nguyên mức hình phạt thấp nhất là 7 năm tù và mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tội phạm này được bổ sung một số tình tiết tăng nặng trong khung hình phạt có hình phạt tử hình. Các tình tiết tăng nặng được bổ sung là: Có tổ chức, nhiều người hiếp dâm một người, phạm tội đối với người dưới 10 tuổi.

Ví dụ 2: Điều 114 BLHS năm 1999 quy định tội “Cưỡng dâm trẻ em”, đã sửa đổi, bổ sung tại Điều 144 BLHS năm 2015 với tội danh là: “Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Tội này được giữ nguyên mức hình phạt thấp nhất là 5 năm tù và mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Nội dung sửa đổi khung hình phạt có mức tù chung thân là bãi bỏ hai tình tiết tăng nặng định khung là các tình tiết “Phạm tội nhiều lần” và “Đối với nhiều người”.

Đối với tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, có nhiều tội phạm quy định trong BLHS năm 1999 là một tội phạm đã sửa đổi, bổ sung thành hai tội phạm. Ví dụ: Điều 155 BLHS năm 1999 quy định tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm”. Tội phạm này trong BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung thành 2 tội phạm là Điều 190 quy định: “Tội sản xuất buôn bán hàng cấm” và Điều 191 quy định: “Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”, với nhiều tình tiết được bổ sung trong khung hình phạt.

Ví dụ 2: Điều 157 BLHS năm 1999 quyết định tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”. Tội phạm này trong BLHS năm 2015 được sửa đổi bổ sung thành 2 tội phạm là: Điều 193 quy định “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” và Điều 194 quy định “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” với nhiều tình tiết được bổ sung.

Đối với tội phạm về ma túy, có các sửa đổi bổ sung như sau: Giữ nguyên tội phạm ma túy quy định trong BLHS năm 1999 là các tội phạm quy định tại các Điều 247, 248, 254, 255, 256 và 259 của BLHS năm 2015. Sửa đổi bổ sung tội phạm ma túy quy định trong BLHS năm 1999. Cụ thể là: Điều 194 BLHS năm 1999 được sửa đổi bổ sung và quy định thành 4 tội phạm riêng biệt tại các Điều 249, 250, 251, 252 của BLHS năm 2015 (Điều 249 quy định tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, Điều 250 quy định tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, Điều 251 quy định tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, Điều 252 quy định tội “Chiếm đoạt chất ma túy”. Trong 4 tội phạm này chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với 2 tội phạm quy định tại các Điều 250 và Điều 251). Sửa đổi Điều 200 BLHS năm 1999 với nội dung là quy định thành hai tội phạm riêng biệt tại các Điều 257, Điều 258 của BLHS năm 2015 (Điều 257 quy định tội “Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy”, Điều 258 quy định tội “Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy”). Như vậy là tội phạm về ma túy quy định trong BLHS năm 1999 tại 9 điều luật, còn BLHS năm 2015 quy định tại 13 điều luật.

Theo chúng tôi, tội phạm về ma túy quy định trong BLHS năm 2015 thì vấn đề quan tâm là tại các điều luật quy định tội về ma túy thì đều không quy định về hàm lượng của chất ma túy mà người phạm tội đã mua bán, tàng trữ, vận chuyển…

Vấn đề hàm lượng chất ma túy đã hướng dẫn tại điểm 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT ngày 14/11/2015 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp là “… giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau: a)… b)… c)… và còn hướng dẫn “… nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật”. Theo quy định này thì giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật”. Theo quy định này thì giám định hàm lượng chỉ nhằm mục đích xác định trọng lượng chất ma túy đã thu giữ của người phạm tội. Còn trường hợp Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định được hiểu là Tòa án làm việc trực tiếp với cơ quan giám định mà không phải thông qua cơ quan điều tra và cũng được hiểu là Tòa án yêu cầu trưng cầu giám định hàm lượng chất ma túy thì Tòa án tự chịu chi phí giám định.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật Hình sự 2015: Sửa đổi, bổ sung phần "Các tội phạm" (kỳ 1)