Bảo đảm quyền con người trong xét xử vụ án hình sự

Mai Thoa| 02/06/2016 13:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là mục tiêu chính đặt ra đối với Tòa án nói riêng và các cơ quan tố tụng nói chung trong xét xử vụ án hình sự đối với bị can, bị cáo theo tinh thần cải cách tư pháp thời gian qua và sắp tới đây khi các Luật về tố tụng có hiệu lực thi hành.

Tội phạm gia tăng

Theo báo cáo của các cơ quan tố tụng, trong 6 năm trở lại đây tình hình tội phạm diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng; loại tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng, nhiều vụ giết người dã man, tàn bạo, giết nhiều người trong gia đình, truy sát nạn nhân đến cùng gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, tội phạm có tổ chức diễn biến phức tạp, không chỉ hoạt động tội phạm trong lĩnh vực hình sự đơn thuần mà cấu kết, đan xen với tội phạm ma túy, buôn lậu, nhiều băng nhóm tội phạm hình sự đội lốt doanh nghiệp để hoạt động; tội phạm chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng công an diễn ra manh động, liều lĩnh hơn. Tội phạm về kinh tế và tham nhũng xảy ra nhiều trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản với các hành vi chủ yếu là tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái, lừa đảo…

TANDTC đã chỉ đạo Tòa án các cấp xét xử kịp thời các vụ án trọng điểm, tích cực phục vụ các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm nên đã đạt được rất nhiều kết quả khả quan như vụ Dương Chí Dũng; vụ án Vũ Việt Hùng tại Ngân hàng phát triển Việt Nam; Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vụ án Nguyễn Đức Kiên, ngân hàng ACB… Trong 5 năm qua Tòa án các địa phương đã tổ chức xét xử lưu động gần 36.000 vụ án, góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với người dân địa phương.

Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của từng bị cáo, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay; việc xử tù cho các bị cáo hưởng án treo hoặc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đều được các Hội đồng xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo có căn cứ pháp luật.

Bảo đảm quyền con người trong xét xử vụ án hình sự

Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như

Đánh giá một cách tổng thể, khách quan thấy rằng, việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội. Vấn đề tranh tụng tại phiên tòa, được thực hiện ở tất cả các phiên tòa xét xử các loại vụ án, HĐXX ngoài việc xây dựng tốt kế hoạch xét hỏi và tranh luận, đã đảm bảo cho các bên trình bày hết ý kiến của mình về những vấn đề liên quan tới việc giải quyết vụ án; tăng cường tổ chức “phiên tòa rút kinh nghiệm”... Chính vì vậy, chất lượng xét xử, giải quyết các loại án tiếp tục được bảo đảm, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán hàng năm đều giảm so với những năm trước (năm 2011 là 2,14%; năm 2012 là 1,83%; năm 2013 là 1,71%; năm 2014 là 1,61%).

Các Tòa án cũng đã chú trọng trong việc tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm giải quyết tốt các vụ án, nhất là các vụ án lớn trọng điểm được dự luận quan tâm; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp xây dựng quy chế phối hợp trong công tác, định kỳ trao đổi những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đánh giá chứng cứ, nên tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung đã giảm đáng kể. Công tác xét xử cũng được triển khai hiệu quả, nên thời gian qua các địa phương không xảy tình trạng xét xử oan người không có tội…

Tòa án kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn

Theo thống kê của TANDTC, hàng năm có khoảng 4% - 5% số vụ án được các Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung; trong đó phần lớn là thiếu các chứng cứ buộc tội, gây bất lợi cho bị can theo quyết định truy tố của VKS. Con số vụ án sau khi Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung đã được đình chỉ điều tra; hoặc Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội cũng đã khẳng định được nhiệm vụ bảo vệ quyền con người của bị can, bị cáo của Tòa án.

TANDTC, Tòa án quân sự Trung ương cũng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra theo chuyên đề hồ sơ các vụ án hình sự của TAND các cấp, Tòa án cấp quân khu mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (có kết quả xử bị cáo dưới khung hình phạt; xử tù cho hưởng án treo; áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, cảnh cáo và phạt tiền…). Các TAND cấp tỉnh thường xuyên duy trì việc giám đốc kiểm tra việc xét xử đối với TAND cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý. Qua đó, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ; các khó khăn, bất cập được tổng hợp xem xét, tìm biện pháp tháo gỡ; các vướng mắc trong thực tiễn xét xử được tập trung nghiên cứu, tổng kết, từng bước xây dựng, ban hành các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.

Từ năm 2010-2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 3 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về hình sự; chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và ban hành 17 thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về một số tội như tài trợ khủng bố, mua bán người… Ban hành Thông tư liên tịch sửa đổi bổ sung Thông tư số 17/2007 của liên ngành Công an - Kiểm sát - Tòa án -Tư pháp trong Chương về “Tội phạm ma túy” nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, TANDTC cũng đã bành hàng trăm công văn trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ về hình sự và nhiều văn bản chỉ đạo như: Xác định thời gian thử thách của án treo; trao đổi nghiệp vụ về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ; áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các tội phạm về ma túy, mua bán người, mua bán trẻ em; việc phân công Thẩm phán, Thư ký Tòa… Các văn bản này đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các Tòa án, đảm bảo chất lượng xét xử và áp dụng thống nhất pháp luật của các Tòa án, theo tinh thần Hiến pháp 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Những tinh thần này sẽ tiếp tục được thực hiện khi áp dụng BLTTHS 2015 có hiệu lực thi hành từ 1/7 tới đây.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền con người trong xét xử vụ án hình sự