Tọa đàm về “Quyền tư pháp và việc cụ thể hóa quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)”

Quang Vĩnh| 15/05/2014 21:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (15/5), tại TP Hồ Chí Minh, TANDTC tổ chức tọa đàm về “Quyền tư pháp và việc cụ thể hóa quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)”. ...

Buổi tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo TANDTC, thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC, nhiều chuyên gia đầu ngành về pháp luật, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong công tác lập pháp và công tác Tòa án. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) chủ trì buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn đã trình bày “Báo cáo dẫn đề về quyền tư pháp và việc cụ thể hóa quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)”. Theo đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định mục tiêu của cải cách tư pháp ở nước ta là “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”; trong đó, xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Một trong những quan điểm chỉ đạo đặt ra đối với dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) mà TANDTC được giao chủ trì soạn thảo là phải thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và quy định mới của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của TAND. Vì vậy, việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND để xác định đúng, đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, tạo cơ sở pháp lý cho TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là hết sức cần thiết.

Trên cơ sở nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta, nghiên cứu các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, TANDTC đề xuất thể hiện nội hàm của quyền tư pháp thông qua các quy định cụ thể về chức năng nhiệm vụ quyền hạn của TAND; cụ thể là trong hoạt động tư pháp, quyền tư pháp trước hết được thể hiện là quyền xét xử. Để Tòa án thực hiện nhiệm vụ Hiến định là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử mà còn là quyền kiểm tra, đánh giá và kết luận về tính hợp pháp và có căn cứ của các quyết định, hành vi tố tụng do các cơ quan tư pháp thực hiện trong suốt quá trình tố tụng và thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Có như vậy, việc giải quyết, xử lý các vụ án mới đảm bảo đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. Đây được coi là cơ chế để Tòa án tham gia kiểm soát việc thực hiện các hoạt động tư pháp.

Tọa đàm về “Quyền tư pháp và việc cụ thể hóa quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)”

Quang cảnh buổi tọa đàm

Trước yêu cầu bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi mọi biện pháp ngăn chặn hoặc cưỡng chế của Nhà nước nếu hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải được Tòa án xem xét, áp dụng hoặc kiểm tra để thay đổi, hủy bỏ trong trường hợp việc áp dụng các biện pháp đó là trái pháp luật hoặc không cần thiết. Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về việc kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cũng đưa ra những quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong việc tham gia kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo hướng Tòa án phải góp phần bảo đảm để các văn bản pháp luật khi được ban hành phải hợp hiến, hợp pháp. Trong trường hợp các văn bản do các cơ quan nhà nước ban hành nếu trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội thì phải được Tòa án kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền là Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét hủy bỏ theo quy định của Hiến pháp.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đầu ngành về pháp luật đã nêu nhiều ý kiến thảo luận, đồng tình với chức năng, quyền hạn của TAND trong thực hiện quyền tư pháp như quy định tại khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) do TANDTC đề xuất. Chánh án Trương Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)  đã cảm ơn và tiếp thu ý kiến các đại biểu về quyền tư pháp và việc cụ thể hóa quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Quá trình soạn thảo còn gặp nhiều khó khăn, với nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc các đại biểu sẽ giúp Ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung vào Dự thảo luật để trình Quốc hội cho ý kiến theo đúng kế hoạch đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm về “Quyền tư pháp và việc cụ thể hóa quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)”