Tọa đàm về “Quyền tư pháp và việc cụ thể hóa quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)”

Trần Quang Huy| 06/05/2014 23:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 6/5, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức tọa đàm về “Quyền tư pháp và việc cụ thể hóa quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)”.

Tham dự buổi tọa đàm có các nhà khoa học trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, lãnh đạo TANDTC, thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) chủ trì buổi tọa đàm.

Quyền tư pháp được thể hiện rõ trong Dự thảo Luật

Theo quy định của Hiến pháp mới thì ở nước ta “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013). Đồng thời, tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Để làm rõ nội hàm TAND thực hiện quyền tư pháp, tại Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu, xác định rõ nội hàm quyền tư pháp; xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp”.

Chính vì vậy, một trong những quan điểm chỉ đạo đặt ra đối với dự án Luật Tổ chức TAND  (sửa đổi) mà TANDTC được giao chủ trì soạn thảo đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và quy định mới của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của TAND. Việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND đã cơ bản xác định đúng, đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, tạo cơ sở pháp lý cho TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Việc xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã bám sát Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”; trong đó, xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm.

Tọa đàm về “Quyền tư pháp và việc cụ thể hóa quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)”

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình kết luận buổi tọa đàm

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta, TANDTC đã nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn hoạt động của các cơ quan nhà nước hiện nay; đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, TANDTC thể hiện nội hàm của quyền tư pháp thông qua các quy định cụ thể về chức năng nhiệm vụ quyền hạn của TAND. Tại khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Ban soạn thảo đã làm rõ nội hàm của quyền tư pháp, trong đó quyền tư pháp trước hết được thể hiện là quyền xét xử. Tuy nhiên, để Tòa án thực hiện nhiệm vụ Hiến định là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử mà còn là quyền kiểm tra, đánh giá và kết luận về tính hợp pháp và có căn cứ của các quyết định, hành vi tố tụng do các cơ quan tư pháp thực hiện trong suốt quá trình tố tụng và thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Cụ thể là Tòa án có quyền kiểm soát các quyết định, hành vi tố tụng; kiểm soát quá trình thi hành án, quyết định của Tòa án; quyết định và giám sát việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ đối với những đối tượng đặc biệt nhằm giải quyết, xử lý các vụ án bảo đảm đúng pháp luật, tránh oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Đây được coi là cơ chế để Tòa án tham gia kiểm soát việc thực hiện các hoạt động tư pháp.

Bên cạnh đó, trước yêu cầu bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi mọi biện pháp ngăn chặn hoặc cưỡng chế của Nhà nước nếu hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải được Tòa án xem xét, áp dụng hoặc kiểm tra để thay đổi, hủy bỏ trong trường hợp việc áp dụng các biện pháp đó là trái pháp luật hoặc không cần thiết. Ngoài ra, để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về việc kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cũng đưa ra những quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong việc tham gia kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo hướng Tòa án phải góp phần bảo đảm để các văn bản pháp luật khi được ban hành phải hợp hiến, hợp pháp. Trong trường hợp các văn bản do các cơ quan nhà nước ban hành nếu trái với Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội thì phải được Tòa án kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền là Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét hủy bỏ theo quy định của Hiến pháp.

Làm rõ hơn, rộng hơn nội hàm của quyền tư pháp

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học cơ bản nhất trí với chức năng, quyền hạn của TAND trong thực hiện quyền tư pháp như quy định tại khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi). Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những điểm còn chưa rõ, chưa toát được hết tinh thần của quyền tư pháp mà Tòa án cần phải thực hiện.

Giáo sư, Tiến sỹ Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, kiêm Giám đốc Học viện khoa học xã hội khẳng định: Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” là một chuyển biến đột phá về nhận thức chính trị, là mốc son của hệ thống Tòa án. Vì vậy lãnh đạo TANDTC, lãnh đạo các TAND và cán bộ Tòa án phải truyền đạt được tư tưởng Tòa án thực hiện quyền tư pháp đến toàn xã hội cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Cần phải hiểu quyền tư pháp không chỉ quy tụ duy nhất là quyền xét xử mà phải mở rộng ra thành nhiều quyền năng tư pháp, trong đó quyền xét xử là quyền cao nhất.

Tọa đàm về “Quyền tư pháp và việc cụ thể hóa quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)”

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Dự thảo cần làm rõ Tòa án thực hiện quyền tư pháp và tham gia quyền tư pháp như thế nào? Giai đoạn điều tra, truy tố thì quyền tư pháp của Tòa án đến đâu? Thực tế quyền lực tư pháp ở nước ta hiện đang phân chia và cắt khúc; thực tế chỉ có Tòa án mới là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Các chủ thể khác như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chỉ là tham gia vào quyền tư pháp. Mối quan hệ giữa Tòa án với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án, các cơ quan dân cử thì quyền tư pháp của Tòa án thể hiện ở đây thế nào? Vì vậy Tòa án phải có quyền tham gia quá trình tố tụng ngay từ khi vụ án bắt đầu từ giai đoạn khởi tố vụ án.

Còn Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) phải đề cao được tính độc lập của Tòa án. Đó là tính độc lập trong quy hoạch, bổ nhiệm Thẩm phán, phải tạo cho Thẩm phán có quyền uy thực sự để hoàn toàn độc lập trong thực thi nhiệm vụ. Mặt khác, trong quá trình xét xử, khi Tòa án trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát, Cơ quan Công an điều tra bổ sung thêm chứng cứ, nếu các cơ quan đó không thu thập, bổ sung thêm được thì Tòa án có quyền tuyên bị cáo vô tội.
Bên cạnh đó, tại buổi tọa đàm, một số ý kiến của các đại biểu cũng làm rõ quyền của Tòa án là độc lập trong xét xử. Mặt khác, án lệ là xu thế phổ biến trên thế giới, Hiến pháp quy định TANDTC có chức năng hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, như vậy án lệ là một yếu tố quan trọng để các Tòa án xét xử thống nhất, do đó TANDTC cần có chức năng phát triển án lệ…

Kết luận buổi tọa đàm, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cảm ơn các ý kiến góp ý sâu sắc, chất lượng của các đại biểu. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung vào Dự thảo luật để tại kỳ họp thứ 7 (dự kiến khai mạc vào 20/5/2014) Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đúng kế hoạch đã đề ra.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm về “Quyền tư pháp và việc cụ thể hóa quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)”