Góp ý vào Dự thảo lần 2 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

27/12/2013 09:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 26/12, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã chủ trì buổi làm việc với

Ngày 26/12, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã chủ trì buổi làm việc với các thành viên Ban soạn thảo và đại diện các cơ quan chức năng, để tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo lần 2. 

 

Trước đó, ngày 18/12, Ban soạn thảo đã tổ chức buổi họp với các Bộ, ban, ngành liên quan để đóng góp ý kiến vào Dự thảo 1 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và những ý kiến này được Ban soạn thảo tiếp thu, xem xét, bổ sung vào Dự thảo 2 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). 

 

Theo đó, bên cạnh những chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong Luật Tổ chức TAND năm 2002, Dự thảo 2 đã bổ sung một số nội dung mới, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, đó là chức năng “thực hiện quyền tư pháp”; nhiệm vụ “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” (Điều 3). 

 

Về tổ chức hệ thống TAND, để vừa thể hiện bản chất nhân dân của Tòa án nước ta, vừa bảo đảm sự thể hiện thống nhất trong Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), các Tòa án được tổ chức trong một hệ thống thống nhất là hệ thống TAND, gồm các TAND và các TAQS. Trong đó, các TAND được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, cụ thể là: TAND sơ thẩm khu vực; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND cấp cao; TANDTC (Điều 4). Về các nguyên tắc hoạt động của Tòa án, được sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp mới (nguyên tắc xét xử sơ thẩm của TAND có Hội thẩm tham gia, TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số được bổ sung thêm nội dung “trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”; nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật được bổ sung nội dung “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”; quy định bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Bên cạnh đó, trong Dự thảo 2 cũng quy định bổ sung một số nguyên tắc phù hợp với yêu cầu về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tòa án trong tình hình mới; cụ thể là: Nguyên tắc TANDTC giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác; nguyên tắc việc xét xử của Tòa án các cấp phải tham khảo án lệ (Điều 7).  

 

Góp ý vào Dự thảo lần 2 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình kết luận buổi làm việc  

 

Về quản lý các Tòa án, Dự thảo 2 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã kế thừa quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002 về việc TANDTC thống nhất quản lý  TAND các cấp về tổ chức nhưng không quy định việc phải phối hợp với HĐND địa phương nhằm bảo đảm nguyên tắc tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử. Tuy nhiên, để bảo đảm cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động của Tòa án, thường trực Tổ Biên tập đề xuất bổ sung một điều mới trong Dự thảo (Điều 11) quy định mang tính nguyên tắc về hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động của Tòa án, trong đó có HĐND.

 

Về chức năng, nhiệm vụ của TAND các cấp: Đối với TANDTC, theo quy định tại Điều 104 của Hiến pháp mới và cơ cấu, tổ chức TAND 4 cấp thì TANDTC không thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm mà chỉ thực hiện các chức năng giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các Tòa án về tổ chức. Để cụ thể hóa nhiệm vụ “bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật”, trong Dự thảo 2 đã bổ sung nhiệm vụ của TANDTC là xây dựng và ban hành án lệ (điểm c khoản 2 Điều 12) để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm yêu cầu áp dụng thống nhất pháp luật. Mặt khác, trong Dự thảo Luật, bên cạnh các quy định về nhiệm kỳ của Chánh án TANDTC, nhiệm vụ quyền hạn của Chánh án TANDTC đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của Hiến pháp mới và những yêu cầu về nhiệm vụ đặt ra đối với Chánh án TANDTC theo hướng cải cách tư pháp, thường trực Tổ Biên tập bổ sung một điều quy định rõ về địa vị pháp lý của Chánh án TANDTC: Là người đứng đầu cơ quan thực hiện quyền tư pháp, tương tự như quy định Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ. Tại các chương về TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND sơ thẩm khu vực; TAQS đều quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của mỗi cấp Tòa án.

 

Về nhiệm kỳ của Thẩm phán, thường trực Tổ Biên tập đưa ra hai phương án: Phương án thứ nhất: Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm không kỳ hạn; nhiệm kỳ của Thẩm phán TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND sơ thẩm khu vực là 10 năm. Phương án hai: Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm không kỳ hạn; nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND sơ thẩm khu vực là 5 năm; nếu được tái nhiệm thì nhiệm kỳ sau được kéo dài cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác (Điều 62). 

 

Về độ tuổi làm việc của Thẩm phán, xuất phát từ đặc thù công việc của Thẩm phán là một nghề đặc biệt, rất cần những người có kinh nghiệm trong công tác xét xử, Điều 64 Dự thảo Luật quy định: Thẩm phán TANDTC được làm việc đến 67 tuổi; Thẩm phán TAND cấp cao được làm việc đến 65 tuổi; Thẩm phán TAND cấp tỉnh, Thẩm phán TAND sơ thẩm khu vực được làm việc đến 63 tuổi…

Quá trình thảo luận, đa số các đại biểu nhất trí với kết cấu của Dự thảo 2 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu một số vấn đề cần cân nhắc kỹ càng hơn như: Có nên thành lập Tổng cục quản lý Tòa án hay không? Có cần chức danh trợ lý Thẩm phán? Án lệ áp dụng trong xét xử sẽ phải như thế nào? Ngoài ra, các ý kiến đều đề xuất tuổi làm việc của Thẩm phán TANDTC là 70 tuổi; còn Thẩm phán khác thì độ tuổi cũng cần nghiên cứu cho phù hợp với thực tiễn ở nước ta.

 

Kết luận buổi làm việc, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu và đề nghị thường trực Tổ Biên tập, Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét, lựa chọn phương án khả thi để hoàn thiện Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi),  trình các cơ quan có thẩm quyền. 

 

Trần Minh Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý vào Dự thảo lần 2 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)