Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam không thể tranh cãi (kỳ 5)

Thái Văn| 06/06/2014 14:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa là 17 hải lý là hoàn toàn phi pháp.

Kỳ 5: Việt Nam không ngừng đấu tranh 

 

Hoàng Sa nằm giữa một khu vực có tiềm năng cao về hải sản và trữ lượng dầu mỏ nhưng không có dân bản địa sinh sống. Vào năm 1932, chính quyền Pháp ở Đông Dương chiếm giữ quần đảo này và Việt Nam tiếp tục nắm giữ chủ quyền cho đến năm 1974 (trừ hai đảo Phú Lâm và Linh Côn do Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1956). Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép toàn bộ Hoàng Sa trong Hải chiến Hoàng Sa 1974.  Việt Nam không ngừng đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này.

 

Việt Nam thành lập Huyện đảo Hoàng Sa, từ tháng 1 năm 1997, là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km), bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa,đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, cồn Bông Bay, cồn Quan Sát, cồn cát Tây, đá Chim Yến. Huyện đảo Hoàng Sa có diện tích: 305 km², chiếm 24,29% diện tích thành phố Đà Nẵng.

 

Ngày 21/4/2009, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ký quyết định bổ nhiệm Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa nhiệm kỳ 2009-2014 đối với ông Đặng Công Ngữ. Cùng ngày, thành phố Đà Nẵng cũng tổ chức lễ bổ nhiệm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa. Bộ máy cán bộ chuyên trách của chính quyền huyện đảo Hoàng Sa sẽ được thiết lập theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trước mắt, chính quyền huyện đảo Hoàng Sa sẽ hoạt động tại trụ sở của Sở Nội vụ Đà Nẵng. Sáng 5/5/2014, UBND TP Đà Nẵng đã bổ nhiệm ông Võ Công Chánh, nguyên Phó giám đốc Sở Nội vụ, giữ chức Giám đốc Sở này và kiêm nhiệm chức Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa thay ông Đặng Công Ngữ nghỉ hưu, kể từ tháng 5/2014.

 

Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam không thể tranh cãi (kỳ 5)

Sắc chỉ vua Minh Mạng phái một đội thuyền với 24 lính thủy ra đảo Hoàng Sa năm Ất Mùi (1835) để làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Hoàng Sa của Việt Nam do gia tộc họ Đặng xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn lưu giữ

 

Tại TP Hồ Chí Minh, một con đường dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đặt tên là Hoàng Sa.

 

Bên cạnh đó là cuộc đấu tranh về mặt pháp lý trên mặt trận ngoại giao và báo chí, nhiều nghiên cứu mới đã được công bố để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.

 

Vào tháng 7/2012, báo chí Việt Nam đưa ra bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo ở Biển Đông đó là tấm bản đồ của Nhà Thanh xuất bản năm 1904 trong đó điểm cực nam của Trung Hoa chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam mà không hề có Tây Sa hay Nam Sa mà Trung Quốc đang cố gắng chiếm giữ. 

 

Phía Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền bằng cách đưa ra các thông tin về một quần đảo ngoài khơi biển Nam Hải theo nhiều tài liệu xuất hiện từ rất sớm về như Nguyên sử hay Trịnh Hòa hàng hải đồ nhưng vẫn không có bằng chứng về việc xác nhận chủ quyền của họ trên quần đảo này vào thời điểm này. Trong bản đồ thời Trịnh Hòa phía Trung Quốc đưa ra nhằm chứng minh cho chủ quyền của Trung Quốc, họ cho rằng địa danh Vạn Lý Thạch Đường (quần đảo Hoàng Sa ngày nay), điều này đã được nhiều tài liệu của Việt Nam phản bác lại, trong bản đồ này không hề tồn tại cái tên Tây Sa quần đảo.

 

Nhiều bản đồ được công bố, ví dụ Đại Thanh đế quốc toàn đồ xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910 chỉ vẽ đế quốc Đại Thanh đến đảo Hải Nam. Tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư bản đồ" xuất bản năm 1904 dưới thời nhà Thanh được tìm thấy gần đây cũng cho thấy quần đảo Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc, bản đồ này ghi rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. 

 

Trung Quốc địa lý học Giáo khoa thư xuất bản năm 1906 viết: "Điểm mút của Trung Hoa ở Đông Nam là bờ biển Nhai Châu, đảo Quỳnh Châu, vĩ tuyến 18°13' Bắc".

 

Sau sự kiện tháng 1/1974, các học giả Trung Quốc tìm kiếm trong sách cổ, dựa vào các chi tiết liên quan đến biển Đông mà họ gọi là Nam Hải, để làm bằng chứng cho luận thuyết "các đảo Nam Hải xưa nay là lãnh thổ Trung Quốc" do nhân dân Trung Quốc "phát hiện và đặt tên sớm nhất", "khai phá và kinh doanh sớm nhất", do Chính phủ Trung Quốc "quản hạt và hành xử chủ quyền sớm nhất". Đầy đủ nhất có thể kể đến cuốn Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải nước ta do Hàn Chấn Hoa, một giáo sư có tên tuổi ở Trung Quốc và nước ngoài, chủ biên (1995-1998), xuất bản năm 1988. Các ấn phẩm về sau như của Phan Thạch Anh và nhiều học giả Đài Loan cũng chủ yếu dựa theo cuốn sách này. Tuy nhiên, năm 1996, cuốn Chủ quyền trên quần đảo Paracels và Spratlys của bà Monique Chemilier Gendreau, một luật sư, giáo sư có tên tuổi ở Pháp và nước ngoài đã làm cho các học giả Trung Quốc bối rối và họ đã mời bà sang Bắc Kinh nói là để cung cấp thêm tài liệu. Bà đã đến Bắc Kinh và đối mặt với mấy chục học giả Trung Quốc. Bà cho biết học giả Trung Quốc không giải đáp được những vấn đề do bà đặt ra, không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào có sức thuyết phục.

 

Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam không thể tranh cãi (kỳ 5)

Tiến sĩ Nguyễn Nhã với chiếc ghe bầu mô hình mà các đội dân binh được triều đình cử đi quản lý khai thác Hoàng Sa thế kỷ 19. Ảnh: N.A 

 

Ngày 3/9/1993, trong bài đăng trên tạp chí Window (Hồng Kông), tác giả Phan Thạch Anh đưa ra sự kiện quần đảo Nam Sa được sáp nhập vào đảo Nam Hải năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời nhà Đường (789) và thủy quân đời nhà Nguyên đã đi tuần quần đảo Nam Sa năm 1293, nhưng khi tạp chí Thông tin khoa học xã hội số 4/1994 của Việt Nam khẳng định và chỉ rõ tài liệu liên quan đến hai sự kiện này không liên quan gì đến các quần đảo ở Biển Đông, thì trong cuốn sách mới xuất bản về quần đảo Nam Sa năm 1996, tác giả Phan Thạch Anh đã không nhắc đến hai sự kiện này nữa.

 

Gần đây nhất đã phát hiện chứng cứ rất rõ ràng khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, chứng cứ đó chính là sắc chỉ của triều đình nhà Nguyễn liên quan đến việc canh giữ quần đảo Hoàng Sa được gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, gìn giữ suốt 179 năm qua, nay trao lại cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh. Đây là sắc chỉ của vua Minh Mạng (triều Nguyễn), phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15 /4 năm Minh Mạng thứ 15 (tức năm Ất Mùi, 1835). 

 

Một trong những nghiên cứu công phu được công bố về Hoàng Sa là luận án tiến sĩ của ông Nguyễn Nhã, đề tài Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ ngày 18/1/2003 (29 năm sau trận hải chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam Cộng hòa) tại trường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Nhã nói: "Với luận án tiến sĩ này, tôi thách thức các nhà nghiên cứu các nước, kể cả Trung Quốc, có một đề tài xác lập chủ quyền Hoàng Sa mang tính khoa học được như tôi".

 

Một sự kiện ngoại giao đáng chú ý là ngày 28/3/2014, trong tiệc chiêu đãi nhân chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Đức, thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng Chủ tịch Trung Quốc tấm bản đồ Trung Quốc thời nhà Thanh được cho là do họa sĩ người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ năm 1735, in tại Đức. Bản đồ cổ này là bằng chứng cho thấy rằng vào thời cực thịnh của nhà Thanh Trung Quốc (đầu thời Càn Long khoảng 1735-1740), đồng thời tương đương với thời chúa Nguyễn Việt Nam tổ chức khai thác và quản lý Hoàng Sa, thì lãnh thổ Trung Quốc cũng chỉ đến đảo Hải Nam về phía nam mà không bao gồm quần đảo Hoàng Sa (Paracels) lẫn quần đảo Trường Sa. 

 

Có thể nói, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngày 1/5/2014 Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thăm dò tại vùng biển cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa là 17 hải lý và cách đảo Lý Sơn 120 hải lý, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam không thể tranh cãi (kỳ 5)