CTCK MB (MBS) cho rằng việc gia nhập TPP có thể là thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN) có mức tăng 10-15% trong khoảng 2 tháng.
Trong báo cáo của MBS cập nhật tình hình đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau kết quả tại vòng đàm phán Utah, tổ chức này đánh giá kết quả đạt được mặc dù là khá tích cực nhưng chưa đủ để khẳng định TPP có thể hoàn thành đàm phán vào cuối năm nay.
Những bước tiến sau vòng đàm phán thứ 19
Một trong những chương quan trọng trong việc đàm phán Hiệp định TPP giữa Việt Nam và 11 đối tác còn lại là vấn đề doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, TPP đòi hỏi các đối tác tham gia phải tạo một môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế, không có ưu đãi đặc biệt hay một đặc quyền nào khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể hơn, TPP đòi hỏi sự minh bạch, công khai thông tin của các doanh nghiệp và tăng cường độ mở của thị trường nội địa.
Theo đó, 5 quốc gia là Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Australia và Mexico đi đến thống nhất đồng ý để 4 quốc gia: Malaysia, Peru, Brunei và Việt Nam có thời gian ân hạn 5 năm để điều chỉnh các chính sách liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước. Điều này có nghĩa, Việt Nam sẽ có 5 năm để điều chỉnh chính sách cho khu vực quốc doanh phù hợp với các nguyên tắc chung sau khi hiệp định TPP được ký kết.
Theo MBS, cộc họp kín cấp trưởng đoàn đàm phán TPP đã kết thúc vào rạng sáng ngày 24/11 (theo giờ Mỹ) tại thành phố Salt Lake, bang Utah, Mỹ. Vòng đàm phán này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì các bên đang hết sức nỗ lực thu hẹp bất đồng trước cuộc họp mang tính quyết định tại Singapore vào tháng 12/2013 giữa Bộ trưởng các nước tham gia TPP.
Thứ truởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, trưởng đoàn đàm phán Việt Nam cho biết một trong những tiến bộ lớn nhất tại vòng đàm phán Utah là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ khi các bên đã đạt được những thỏa thuận bẳng cả 19 vòng đàm phán trước đó. Tuy nhiên, lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng nhất không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước tham gia đàm phán TPP là hàng hóa thì vẫn được đánh giá là còn khá trì trệ và đây sẽ là trọng tâm của cuộc họp các bộ trưởng tại Singapore sắp tới.
Thuy nhiên, theo nhận định của MBS, khả năng hoàn thành hiệp định thương mại TPP trong năm nay là không khả thi khi bất đồng của các bên vẫn còn khá lớn tại một loạt các vấn đề như sở hữu trí tuệ, hàng hóa, doanh nghiệp nhà nước, và bảo hộ nông nghiệp…Chưa có thêm một vấn đề nào được giải quyết dứt điểm trong vòng đàm phán thứ 19 tại Brunei và các cuộc họp kín cấp trưởng đoàn tại Utah (Mỹ).
Tác động như thế nào lên TTCK Việt Nam?
Cho đến thời điểm hiện tại, tác động của các vòng đàm phán TPP đến TTCK khá khiêm tốn. Một số công ty dệt may, xuất khẩu đồ gỗ đã có bước tăng giá đáng kể trong 2 tháng qua song đà tăng đã chững lại khi các nhà đầu tư đánh giá khả năng hoàn thành TPP trong năm nay là rất thấp. Việc gia nhập TPP có thể là cú huých tâm lý mang tính đột phá đối với TTCK VN, tuy nhiên, nó sẽ khó có thể xảy ra vào cuối tháng sau (12/2013).
Về dài hạn, MBS đánh giá khả năng hoàn thành TPP sớm nhất là cuối năm 2014. Nếu hiệp định này được ký kết sẽ đem lại các tác động lên TTCK Việt Nam. Theo đó, tác động sẽ rất tích cực trong ngắn hạn (kỳ vọng khoảng 2 tháng) khi kỳ vọng của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về sự bứt phá của kinh tế Việt Nam khi gia nhập TPP sẽ khiến thị trường tăng điểm mạnh.
Một số các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có tâm lý đầu tư ngắn hạn và rót tiền vào các quỹ mở ETF để đầu tư vào TTCK VN. Số tiền này có thể đạt mức 100 – 200 triệu USD. Tuy nhiên các quỹ đầu tư đóng sẽ thận trọng hơn và sẽ quan sát kết quả chuyển biến kinh tế trước khi rót vốn. Dự kiến tâm lý lạc quan có thể khiến thị trường có mức tăng 10 – 15% trong khoảng 2 tháng.
Các cổ phiếu tăng giá sẽ là các cổ phiếu xuất khẩu thuộc ngành dệt may, da giầy (hiện đang có khá ít) và các cổ phiếu bluechips (dự kiến sức mua nước ngoài tăng cao từ ETF).
Về lâu dài, tác động của TPP phụ thuộc vào việc Việt Nam có cải cách thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế đủ nhanh để tận dụng lợi thế từ TPP hay không. Điều này tương tự tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO nhưng ở mức độ nhỏ hơn. Nếu Việt Nam không tận dụng được các lợi ích từ TPP thì tác động tích cực đến nền kinh tế là thấp và do đó tác động dài hạn lên thị trường chứng khoán là không đáng kể.
Tác động về kinh tế khi gia nhập TPP
Theo đánh giá của MBS, hiệp định TPP sẽ trở thành một trong những khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với hơn 792 triệu dân, đóng góp hơn 38% GDP của thế giới và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. TPP sẽ là một động lực thúc đẩy mới, đưa con thuyền kinh tế Việt Nam "ra biển lớn".
Sau khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ thực hiện những quy tắc chung của khối như sau: cắt giảm hầu hết ác dòng thuế, thực hiện ngay hoặc thực hiện với lộ trình rất ngắn; tăng mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính; tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư; tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ; tăng mức độ bảo vệ thông qua các quy định khắt khe hơn về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật; tăng cường cạnh ranh, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công; các vấn đề lao động, đặc biệt là các vấn đề về quyền lập hội (công đoàn), quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động.
Điểm khác biệt nhất của TPP so với các hiệp định thương mại tự do khác chính là mức độ phủ rộng của nó lên không chỉ là các vấn đề kinh tế thị trường mà cả kinh tế phi thị trường, cụ thể là hoạt động mua sắm công của chính phủ. Như vậy, TPP không chỉ tác động lên nền kinh tế của các nước thành viên mà còn có những ảnh hưởng nhất định tới các chính sách điều hành xã hội của quốc gia.
Theo MBS, cơ hội trước mắt khi Việt Nam gia nhập TPP là môi trường đầu tư thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút được nhiều vốn FDI hơn. Trong đó những nước ngoài TPP như Trung Quốc khả năng sẽ tăng đầu tư tại Việt Nam nhằm hưởng lợi thế thứ cấp từ hiệp định này. Vốn đầu tư vào thị trường tài chính, chứng khoán có thể hưởng lợi bởi dòng vốn đầu tư quốc tế. Đối với TTCK, kỳ vọng khả năng nới room cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút dòng vốn, tạo thanh khoản hỗ trợ thị trường.
Sanh Tín