Nếu coi việc để tồn tại những trang mạng nhảm nhí như Haivl.com là sự lỏng lẻo của cơ quan quản lý thì việc rút giấy phép, xử phạt nặng, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan Công an của Bộ TT&TT kỳ này lại thể hiện một thái độ rất nghiêm khắc.
Pháp luật không nghiêm!?
Như chúng tôi đã thông tin, việc Bộ TT&TT rút giấy phép trang mạng xã hội Haivl.com đình đám tại Việt Nam vì vi phạm nghiêm trọng nhiều quy định của pháp luật về thông tin điện tử trên mạng là hoàn toàn đúng đắn, được dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, để tồn tại trang mạng nhảm nhí này, có phải do pháp luật không nghiêm!?
Trước hết phải kể đến hoạt động quản lý của cơ quan cấp phép. Rõ ràng, trong thời gian Haivl.com hoạt động, cơ quan cấp phép chưa có những biện pháp chấn chỉnh, xử phạt kịp thời cũng như theo dõi lên tục để nhắc nhở họ, dẫn đến sai phạm kéo dài. Trong khi đó, cơ quan Công an có ít nhất 3 lần nhắc nhở, chấn chỉnh đối với Haivi.com.
Tuy nhiên, nếu như coi việc để tồn tại những trang mạng nhảm nhí như Haivl.com là sự lỏng lẻo của cơ quan quản lý thì việc rút giấy phép, xử phạt nặng, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan Công an của Bộ Thông tin - Truyền thông kỳ này lại thể hiện một thái độ rất nghiêm khắc. Theo Quyết định số 162/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Công nghệ APPVL Việt Nam thì doanh nghiệp này đã có 4 vi phạm hành chính:
(1) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa thông tin có nội dung thông tin xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh hùng dân tộc trên mạng xã hội www.haivl.com của Công ty cổ phần Công nghệ APPVL Việt Nam;
(2) Không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép mạng xã hội theo quy định, khi thay đổi người chịu trách nhiệm chính trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến www.haivl.com;
(3) Quảng cáo trên mạng xã hội www.haivl.com trò chơi điện tử G1 "Huyết chiến thiên sách" khi chưa có quyết định phê duyệt nội dung kịch bản;
(4) Cung cấp dịch vụ trò chơi G1 (cờ tường, cờ caro, cờ vua) trên mạng xã hội trực tuyến www.haivl.com mà không có quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử.
Trong bối cảnh nhiều trang mạng theo xu hướng “lá cải” hiện nay, trước khi xử lý Haivl.com, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ra tay một cách quyết liệt, xử phạt nhiều trang mạng nhằm làm trong sạch môi trường thông tin điện tử. Ngoài ra, cơ quan chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi văn bản về các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương yêu cầu xử lý hàng loạt website vi phạm với hành vi đăng tải truyện tranh, phim online có nội dung dâm ô, tự biên tập tin bài có nội dung vi phạm pháp luật… Những động thái đó cho thấy cơ quan quản lý đã không buông lỏng, không nương nhẹ trước những biểu hiện nhốn nháo, nhảm nhí đang diễn ra.
Có tính chất "đồi trụy" không?
Trở lại vụ Haivl.com bị chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra, động thái này cho thấy Bộ Thông tin - Truyền thông đã xác định có dấu hiệu hình sự trong hoạt động của trang hài nhảm nhí này.
Tuy nhiên, Cơ quan điều tra sẽ xem xét vụ việc một cách khách quan và toàn diện để quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không? Đến nay Cơ quan điều tra chưa có thông tin chính thức về việc này.
Có người cho rằng, Haivl.com có thể phải xem xét hành vi vi phạm theo hai tội danh, thứ nhất là tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet tại Điều 226 BLHS và tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định tại Điều 253 BLHS. Chúng tôi cho rằng, trong hai tội danh đó, dường như dấu hiệu của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy rõ nét hơn.
Điều 253 tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định:
“1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 5.000.000 - 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a/ Vật phạm pháp có số lượng lớn; b/ Phổ biến cho nhiều người; c/ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a/ Có tổ chức; b/ Vật phạm pháp có số lượng rất lớn; c/ Đối với người chưa thành niên; d/ Gây hậu quả nghiêm trọng; đ/ Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a/ Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn; b/ Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 - 30.000.000 đồng”.
Một số hình ảnh nhảm nhí thường thấy trên Haivl.com
Thử phân tích điều luật này chúng ta thấy, cốt lõi vụ việc này là nội dung đăng tải trên Haivl.com có phải là văn hóa phẩm đồi trụy hay không? Cho đến nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có giải thích cụ thể, chỉ ra các biểu hiện thế nào là “đồi trụy” và còn lẫn lộn với “khiêu dâm”.
Trong một công trình nghiên cứu của Viện Khoa học xét xử TANDTC với nội dung: “Cơ sở lý luận và thực tiễn nâng cao chất lượng xét xử tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”, các tác giả đưa ra các biểu hiện cụ thể của đồi trụy. Đó là: Miêu tả hoạt động tình dục giữa người với súc vật dưới mọi hình thức; Miêu tả hoạt động tình dục loạn luân, đồng tính luyến ái; Miêu tả hoạt động lạm dụng tình dục trẻ em, môi giới lừa gạt trẻ em vào hoạt động tình dục, hoạt động tình dục tập thể giữa nhiều đôi nam nữ; Miêu tả các tệ nạn xã hội gắn liền với hoạt động tình dục như tiêm chích ma túy, lạm dụng bia rượu và các chất kích thích khác; Miêu tả hành vi mua bán dâm, mua bán dâm trá hình thông qua hoạt động dịch vụ mat - xa, karaoke, vũ trường, nhà nghỉ; Miêu tả lối sống đồi bại, dâm loạn trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam; Miêu tả bộ phận sinh dục trong hoạt động tình dục.
Ngoài ra các tác giả còn cho rằng trong nội hàm của khái niệm “văn hóa phẩm đồi trụy” còn có cả sự kích động bạo lực trái với đạo đức con người, như miêu tả cảnh đâm chém rùng rợn, miêu tả sự khoái trá, thỏa mãn của kẻ gây tội ác đối với con người, miêu tả việc ăn uống các bộ phận cơ thể người, miêu tả sự khuyến khích bạo lực.
Cũng theo nhóm tác giả chuyên đề trên, trong thực tiễn xét xử tội danh này, các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy bị thu giữ thường là các loại băng hình, đĩa hình phim, video ca nhạc quay các cảnh nam nữ khỏa thân, các cảnh quan hệ tình dục; các loại tranh vẽ, ảnh chụp khỏa thân; các loại sách truyện; các loại đồ chơi, dụng cụ bắt chước bộ phận sinh dục của con người mang tính khiêu dâm, kích dục.
Chúng tôi không theo dõi Haivl.com khi nó đang hoạt động nên không biết nội dung của nó có trùng với các biểu hiện nhận diện tính chất “đồi trụy” mà Viện khoa học xét xử TANDTC đưa ra trên đây hay không? Với những gì còn lại trên mạng internet, qua một số hình ảnh và tranh vẽ, chúng tôi thấy nếu chỉ có như vậy thì Haivl.com có lẽ mới ở mức thô tục, nhảm nhí, chưa đến mức đồi trụy.
Tuy nhiên, chưa biết sai phạm của Haivl.com có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không nhưng các biện pháp chế tài hành chính cứng rắn đối với Haivl.com vừa qua cũng đã cho thấy quyết tâm chấn chỉnh lĩnh vực này của cơ quan chức năng, đồng thời nó là tiếng chuông cảnh báo trước sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức trong xã hội nói chung và thông tin trên mạng nói riêng.