Một thanh niên chới với, vẫy vùng trước hàng trăm người đứng nhìn. Tiếng cười nói, tiếng bình luận: “nó đập đá”, “chết cha rồi”... của những người xung quanh… cho đến khi thi thể nam thanh niên được vớt lên bờ.
Vụ việc xảy ra khoảng 8h15’ ngày 21/2, tại hồ Hàm Nghi (Phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Thanh niên “không may mắn” đó là Nguyễn Trường Giang (sinh năm 1992, trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Nam thanh niên chết vì sự vô cảm của những người xung quanh
Nạn nhân sẽ không chết nếu hàng trăm con người kia có những hành động, biết xót thương và nắm lấy đôi bàn tay đang chới với. Đó chính là căn bệnh vô cảm, thờ ơ đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trong đời sống xã hội hiện nay.
Và có vẻ như, càng ở những đô thị thì thói vô cảm càng lớn. Họ, những con người tự cho mình là đẹp, là hoàn chỉnh mà quên mất rằng cuộc sống cần vẻ đẹp của hành vi hơn là những thứ hào nhoáng mà phố thị đem lại cho con người.
“Cứu một người hơn xây 7 tòa tháp” - Anh Giang chắc chắn sẽ không chết nếu như hàng trăm con người kia không kỳ thị, vì cho rằng anh là kẻ “ngáo đá”, là thứ bệnh tật của xã hội cần phải tránh xa. Phải chăng đám người “chứng kiến” người khác chết kia sợ rằng, nếu cứu một kẻ “ngáo đá” là họ cũng liên lụy.
Đáng buồn rằng, việc này cũng không phải là duy nhất. Một vụ tai nạn xảy ra, nạn nhân nằm bất tỉnh trên đường cũng sẽ chỉ nhận được những tiếng xì xào bàn tán, những cái chỉ trỏ, tặc lưỡi. Đám đông sẽ vây quanh, nhưng để thỏa mãn trí tò mò, để có câu chuyện kể trong lúc “trà dư tửu hậu”.
Phải chăng xã hội hiện đại, thế giới phẳng đang sản sinh ra một thế hệ những người trẻ vô cảm đến nhói lòng, họ chai lì cảm xúc trước mọi việc?. Ngày ngày, trên mạng xã hội xuất hiện không ít những clip đánh nhau, chém giết lẫn nhau… đó chính là sản phẩm của những người trẻ chỉ biết đứng nhìn. Với họ, hành động duy nhất lúc đó là quay clip để đẩy lên mạng xã hội để câu view. Họ thờ ơ, thỏa hiệp với tội ác.
Có nhiều người thường xuyên đi lễ chùa, họ cầu xin thần thánh, cầu xin các thế lực tâm linh, rồi ăn chay, niệm Phật với mục đích để “tích đức” cho con cháu. Nhưng “tích đức” thế nào đây khi bản thân họ thờ ơ, vô cảm trước đồng loại, trước nỗi đau và tội ác. Và có vẻ như đi cầu Phật cũng là một phong trào của xã hội hiện đại, chứ không phải xuất phát từ tâm của mỗi người. Trong những con người đứng trên bờ hồ nhìn đồng loại đang chết dần có ai đó đã từng đạp lên nhau để cướp lộc, xì xụp khấn vái trước thần linh để mong cầu may mắn hay không?
Anh Giang sẽ không thể chết, nhiều người gặp nạn khác trên đường sẽ không chết, cướp giật sẽ chẳng thể hoành hành nếu chúng ta bớt vô cảm và biết xót thương đồng loại.
Hành xử “thương người như thể thương thân” có lẽ là quá xa xỉ đối với nhiều người. Căn bệnh vô cảm “không biết, không nghe, không thấy” đã và đang dần dần làm băng hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp trong mỗi con người.