Vụ thảm án tại tiệm vàng ở Bắc Giang mà thủ phạm là một đối tượng vị thành niên một lần nữa cảnh báo về sự gia tăng của tỷ lệ phạm tội ở lứa tuổi này. Đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau xung quanh việc tăng hình phạt đối với vị thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, song để hạn chế tình trạng này, không chỉ là chuyện sửa luật.
Tội phạm vị thành niên gia tăng
Theo thống kê, trước đây tỷ lệ tội phạm hình sự có độ tuổi trên 30 bị đưa ra xét xử tại các phiên tòa sơ thẩm chiếm tới 70%, nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 60%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại lại là sự gia tăng của tỷ lệ tội phạm ở độ tuổi thanh thiếu niên (nhất là từ 14-30 tuổi). Trong năm 2009, tỷ lệ tội phạm ở tuổi 18-30 chiếm 34,5% (35.435 bị cáo), trong khi đó tỷ lệ này ở độ tuổi trên 30 là 59,3%. Năm 2010, độ tuổi 18-30 có tỷ lệ phạm tội tăng lên mức 40% (34.846 bị cáo) và độ tuổi trên 30 giảm xuống còn 55,2%.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an), thời gian gần đây, số vụ án mạng do trẻ vị thành niên thực hiện đang có chiều hướng gia tăng với hàng nghìn vụ mỗi năm. Tội phạm thường ở độ tuổi từ 16 đến 18 (60%). Còn tại Hà Nội, theo thống kê của Công an thành phố, trong năm 2010, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 222 vụ án gồm 348 đối tượng phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên. Trong 3 tháng đầu năm 2011 trên phạm vi cả nước, các băng nhóm vị thành niên sử dụng vũ khí gây ra 107 vụ xô xát, tăng 51 vụ so với cùng kỳ năm 2010, chiếm 34% so với tổng số vụ phạm pháp xảy ra trên cả nước.
Có nên sửa luật?
Sau vụ án Lê Văn Luyện sát hại nhiều người trong một gia đình ở Bắc Giang khi hung thủ chưa đủ 18 tuổi, nhiều ý kiến cho rằng cần phải sửa luật để có thể áp dụng hình phạt tử hình đối với vị thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có hành vi dã man, tàn độc. Như vậy mới thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật, mới có tác dụng răn đe hiệu quả.
Trên thực tế, khi xảy ra những vụ trọng án, phản ứng thường thấy của dư luận là sự bất bình, căm phẫn đòi áp dụng hình phạt cao nhất cho đối tượng phạm tội. Tuy nhiên, việc sửa BLHS cần phải rất thận trọng, không thể vì một trường hợp mang tính cá biệt mà sửa luật để áp dụng cho tất cả các trường hợp sau đó. Hơn nữa, trình tự sửa đổi luật cũng rất nghiêm ngặt, đòi hỏi phải có nhiều thời gian, công sức, trí tuệ nên không thể xã hội cứ có vấn đề gì chưa phù hợp là Quốc hội lại họp để sửa ngay được. Bên cạnh đó, việc thay đổi quy định sẽ làm cho pháp luật mất tính nhân đạo, yếu tố đảm bảo cho một xã hội văn minh, nhân văn. Luật pháp nước ta quy định người vị thành niên (dưới 18 tuổi) mà phạm tội thì sẽ không phải chịu mức án cao nhất, điều này cũng phù hợp với tất cả các văn bản luật, công ước quốc tế. Các chuyên gia cho rằng, quy định của pháp luật hình sự hiện nay về vị thành niên phạm tội là phù hợp.
Giải quyết từ gốc
Nhiều ý kiến cho rằng, cái “gốc” của tình trạng thanh thiếu niên phạm tội là do giáo dục chưa tốt từ cả ở gia đình, nhà trường và xã hội. Muốn hạn chế tình trạng này, sửa luật chỉ là giải quyết phần “ngọn” mà phải làm từ gốc là tăng cường giáo dục toàn diện, phù hợp để thanh thiếu niên hiểu biết luật pháp, quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội… Từ đó, hướng nhận thức, tình cảm của lứa tuổi này vào những hoạt động có ích cho xã hội, cho gia đình và cho chính sự phát triển của bản thân mỗi thanh thiếu niên.
Theo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), việc tuyên truyền pháp luật hình sự trong toàn dân nói chung và đối với thanh thiếu niên nói riêng là một trong những nội dung được các địa phương chú trọng thực hiện. Tuy nhiên do chưa có sự liên kết giữa các cơ quan bằng cơ chế, chính sách và việc phổ biến pháp luật chưa có trọng điểm, mang nặng tính lý thuyết nên hiệu quả thực hiện vấn đề này chưa cao.
Thạc sỹ Phạm Thanh Bình - Công ty Luật Hồng Hà: Luật pháp nghiêm minh nhưng bao giờ cũng có tính nhân đạo, giúp cho xã hội văn minh hơn và vẫn đảm bảo phòng ngừa tội phạm. Nếu sửa luật thì sẽ trái với nguyên tắc của pháp luật nước ta: không chỉ là trừng trị mà còn có tính giáo dục. Không phải cứ tăng mức hình phạt thì số lượng tội phạm vị thành niên sẽ giảm mà điều quan trọng là phải tăng cường phòng chống tội phạm và các biện pháp răn đe, giáo dục khác. |
Cuối năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật cho đối tượng thanh thiếu niên trong giai đoạn 5 năm tới. Bộ Tư pháp cho biết, việc thực hiện Đề án sẽ tập trung giải quyết những hạn chế của công tác phổ biến pháp luật cho thanh niên trước đây. Việc lựa chọn các hình thức tuyên truyền pháp luật phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của thanh thiếu niên cũng được Đề án coi trọng thực hiện. Ngoài ra, việc xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm về trật tự xã hội để nâng cao tính răn đe của pháp luật cũng được tăng cường.
Bên cạnh việc tăng cường phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên, các cơ quan liên quan cần phải lập kế hoạch và thực hiện hiệu quả những chương trình hỗ trợ thanh thiếu niên về mọi mặt từ bồi dưỡng văn hóa, khuyến khích thanh thiếu niên học tập, lao động, hỗ trợ việc làm…
Trung Linh