Hai bên cùng thắng

Trung Nguyễn| 15/05/2018 07:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo thống kê, Việt Nam hiện có trên 600.000 DN đang hoạt động với 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), 66% trong số đó là DN có quy mô siêu nhỏ.

Theo những nghiên cứu mới đây, đóng góp của khu vực tư nhân ngày càng có xu hướng tăng lên trong khi khối DN Nhà nước giảm dần. So sánh với các quốc gia ASEAN, đều thấy một điểm chung là coi DNNVV là trụ cột, xương sống của nền kinh tế.

Mặc dù được đánh giá là xương sống của nền kinh tế, với đóng góp 48,3% GDP, tạo ra 60% công ăn việc làm cho xã hội, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn còn gặp khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị.

Tại Hội thảo “Tham gia chuỗi giá trị: Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” mới đây, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã có nhưng chưa có những giải pháp cụ thể để các DN lớn thấy cơ hội và DN nhỏ có cơ hội.

Với tầm quan trọng của việc thúc đẩy các DN liên kết theo chuỗi, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 đã dành riêng một điều (Điều 19) về hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tuy nhiên, theo Cục Phát triển DN, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào DN FDI với 71% giá trị xuất khẩu thuộc về khối DN này. Trong nước, đã hình thành một số chuỗi, cụm liên kết ngành nhưng vẫn do các DN nước ngoài dẫn dắt, mức độ tham gia của các DNNVV nội địa chưa sâu rộng và chưa mang lại giá trị gia tăng cao. Một thực tế nữa là sự thiếu vắng của các DN trong ngành công nghiệp phụ trợ. Sự liên kết trong và ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN nhận định, trong những năm qua nhiều chính sách của Đảng, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ xóa bỏ các rào cản, dọn đường để DN phát triển. “Số lượng DN ra đời 1 năm trên 100.000 là con số đáng ghi nhận. Tuy nhiên đằng sau con số đó thì bài toán chất lượng DN vẫn chưa có lời giải”. Bà Thủy cho biết, sau 3 lần tổ chức các buổi kết nối với sự tham gia của 500 DN, chỉ có 2 DN FDI chọn được đối tác là các DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị. Dường như, các DN FDI và DN nội đang đi trên hai con đường song song, chưa tìm thấy điểm chung, chưa thể xây dựng mối quan hệ “hai bên cùng thắng”.

Đại diện Cục Phát triển DN cho rằng do các DN nhỏ năng lực nội tại còn yếu, không đủ tiêu chuẩn trở thành thầu phụ của các công ty nước ngoài. Theo bà Thủy: Chính sách hỗ trợ đã có nhưng chưa có những giải pháp cụ thể để các DN lớn thấy cơ hội và DN nhỏ có cơ hội.

Một số đại biểu tham dự Hội thảo cũng cho rằng, tham gia vào chuỗi giá trị sẽ đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhà đầu tư nước ngoài và thị trường quốc tế. Từ đó, giúp nước ta chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, để tham gia vào chuỗi giá trị, các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật... Đây là những vấn đề được xem là chìa khóa khi tham gia chuỗi giá trị của một số ngành hàng.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần có cách tiếp cận mới, một hệ thống giải pháp có tính chiến lược cùng với sự phối hợp hành động giữa Nhà nước, doanh nghiệp và Hiệp hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai bên cùng thắng