Mặc đã có nhiều những biện pháp thiết thực, chỉ đạo sát sao từ các ngành chức năng về tình trạng khai thác cát trái phép nhưng cát tặc vẫn hoạt động công khai.
Mặc đã có nhiều những biện pháp thiết thực, những sự chỉ đạo sát sao từ các ngành chức năng tại Hà Tĩnh và huyện Đức Thọ về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông La, thế nhưng cho tới thời điểm này cát tặc vẫn hoạt động công khai, liều lĩnh hơn.
Nhói lòng sông la
Từ nhiều năm nay, khi tình hình xây dựng cơ bản ở tỉnh Hà Tĩnh nói chung và huyện Đức Thọ nói riêng đang phát triển rầm rộ, nhu cầu về vật liệu xây dựng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong lúc đó các địa điểm khai thác được nhà nước cho phép thì không đáp ứng đủ. Trước tình hình đó một số đầu lậu cũng như những người dân từ nhiều nơi khác nhau đã nãy sinh ra nhiều cách thức để kiếm lời phi pháp trên dòng sông La vốn hiền hòa, thơ mộng.
Cát sông La lâu nay vẫn được xem là một trong những nơi có nguồn cát đẹp và được nhiều nhà đầu tư cũng như chủ thầu ưa thích. Cát to, sạch đáp ứng được những yêu cầu cơ bản cho các công trình xây dựng hơn nữa địa bàn thuận lợi cho tàu thuyền có đủ điều kiện để cùng nhau “xâu xé” nguồn tài nguyên dồi dào nơi đây. Cứ thế, trong mấy năm lại đây tình trạng khai thác cát trên dòng sông la đã trở thành một trong những “chủ đề nóng” không chỉ đối với chính quyền nơi đây mà báo chí cũng đã tốn khá nhiều giấy mực với chủ đề này. Mặc dù đã có rất nhiều ý kiến, nhiều quy định và cả những biện pháp mạnh được đưa ra nhằm đẩy lùi vấn nạn này. Xem ra vẫn chưa có một chế tài nào đủ sức răn đe đối với các đối tượng xem thường pháp luật này.
Thời điểm này, khi mùa xây dựng đang đi vào thời kỳ đẩy nhanh cho kịp tiến độ thì cũng là lúc các chủ đầu lậu, các tàu thuyền cũng ngày đêm “rút ruột” sông La. Dọc theo con đường nối liền dòng sông La đoạn qua thị trấn Đức Thọ, xã Liên Minh, Trường Sơn ai cũng phải xót xa khi nhìn thấy cảnh hàng chục chiếc thuyền lớn nhỏ đang ngang nhiên “ăn thịt” sông La. Hình ảnh dòng sông đục ngầu, hai ven bờ sông La đang “chết dần chết mòn” khiến ai cũng đặt ra một câu hỏi chính quyền ở đâu?.
Tại khu vực cầu Thọ Tường đoạn chảy qua Thị trấn Đức Thọ, chỉ cần đứng trên cầu phóng tầm mắt dễ dàng nhìn thấy hàng chục chiếc thuyền lớn nhỏ đang hoạt động hết công suất, các điểm tập kết cát mọc lên như nấm ở hai bên bờ sông.
Có rất nhiều văn bản chỉ đạo và tuyên truyền
Bác Nguyễn Văn Nhâm một người dân sống tại khối 7 Thị trấn Đức Thọ cho biết: “không biết tàu thuyền ở đâu về tụ tập tại đây nhưng bọn nó hoạt động cả ngày lẫn đêm, ồn ào lắm nhưng là những người dân thì chúng tôi chỉ biết đứng nhìn thôi chứ làm được gì…”.
Điều đáng lo ngại hơn, việc lòng sông đang bị “bới móc” thì hai bên bờ cũng đang bị “xẻ thịt”, hiện tượng sụt lún đã xuất hiện nghiêm trọng đe dọa trực tiếp tới đời sống của hàng nghìn người dân sống hai bên bờ sông và hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp cũng đứng trước nguy cơ bị nuốt chửng.
Theo anh Nguyễn Văn Nam một người dân có nhà sống ở bên cạnh bờ sông bức xúc nói “vào mùa mua lũ người dân luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, chính quyền lo một thì người dân chúng tôi lo mười anh ạ, vì chúng tôi là những người dân nghèo, nếu có bị xói lỡ thì chúng tôi cũng là người đầu tiên hứng chịu…”.
Quả bóng trách nhiệm
Trước tình trạng đó, lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh, UBND, phòng TNMT huyện Đức Thọ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương nơi có nhiều tụ điểm khai thác cát trái phép để chấn chỉnh tình hình, xem ra những việc làm “thiết thực” đó vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Mới đây nhất trong công văn chỉ đạo số 745/ UNND-TH do chủ tịch UBND huyện Võ Công Hàm ký ngày 7/6/2012 nêu rõ “yêu cầu Trưởng phòng TNMT, Trưởng Công an huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, thường xuyên báo cáo kết quả với lãnh đạo huyện. Những địa phương nào để xẩy ra trường hợp khai thác cát trái phép trong địa bàn mình quản lý, Chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện”.
Như vậy nếu địa phương nào để xẩy ra tình trạng khai thác cát trái phép thì đều chịu trách nhiệm trước Chủ tịch huyện, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm trước người dân?.
Ông Trần Hữu Châu, Bí thư kiêm chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ
Trong lúc đó, các xã, thị trấn thì đang đau đầu vì “quả bóng trách nhiệm” này. Theo ông Trẫn Hữu Châu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ cho biết “vẫn biết là để xảy ra tình trạng đó thì địa phương phải chịu trách nhiệm, nhưng chúng tôi cũng đã làm hết sức mình rồi, báo cáo với Chủ tịch huyện còn dễ nói còn báo cáo trước dân thì chẳng biết nói sao”.
Được biết, địa phương này đã có nhiều biện pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng cát tặc, nhiều biện pháp được đưa ra như tới tận từng hộ gia đình tiến hành lập nhiêu Biên bản giao trách nhiệm cho từng hộ dân, tuyên truyền vận động và cũng đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh như thu hồi đầu hút, xử phạt hành chính. Phối hợp với công an để tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do thiếu sự đồng bộ cũng như thiếu sự phối hợp thường xuyên giữa các đơn vị và địa phương cho nên cát tặc vẫn ngang nhiên lộng hành mà không thể giải quyết dứt điểm được. Ông Châu còn cho biết “ mặc dù đã có sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương nhưng nó chưa trở thành một chuyên đề thường xuyên, cứ mỗi lần có sự phối hợp là sau đó một vài tuần tình trạng này lại lắng xuống nhưng sau đó thì lại tái diễn”.
Thiết nghĩ, nếu đễ một địa phương đơn độc trong cuộc chiến này thì quả thực là một điều khó có thể thành công, đơn giãn vì rằng sông là chảy qua huyện Đức Thọ không chỉ riêng của Thị trấn Đức Thọ mà nó còn là của nhiều địa phương khác như Liên Minh, Trường Sơn, Bùi Xá… Cứ mỗi lần Thị trấn Đức Thọ ra quân truy bắt thì bọn cát tặc lại di chuyển sang ranh giới của địa phương khác, trong lúc đó ranh giới giữa dòng sông thì rất khó phân chia, nếu sang ranh giới của địa phương khác thì chúng tôi “bó tay”. Phương tiện để dùng cho công tác này cũng chẳng có “cứ mỗi lần đi truy bắt chúng tôi đều phải thuê thuyền, chứ đi mượn thì ai giám cho mượn” ông Châu cho biết.
Đã đến lúc các ngành, các cấp cần ngồi lại để tìm ra một tiếng nói chung cho cuộc chiến chống cát tặc ở huyện Đức Thọ. Xin mượn lời của ông Trần Hữu Châu thay cho lời kết : "Tỉnh và huyện cần có những biện pháp cụ thể, quy hoạch chi tiết từng địa điểm khai thác và có một sự hỗ trợ nhất định cho các địa phương, huyện nên chăng cần thành lập một tổ công tác thường xuyên phối hợp với các địa phương. Xem đây là một nhiệm vụ quan trọng và lâu dài để quả bóng trách nhiệm không là của riêng ai”.