Một ngôi nhà bị cuốn trôi, hàng chục ngôi nhà khác có thể sạt lở xuống lòng sông Hồng bất cứ lúc nào khiến nhiều người nơm nớp lo sợ.
Sau cơn bão số 3 hồi tháng 8, nước sông Hồng dâng cao gây sạt lở một phần ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Bình ở ngõ 975 Bạch Đằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhiều hộ dân xung quanh cũng có hiện tượng nứt lún, đến nay vẫn phải chịu cảnh sống trong nỗi lo nơm nớp mỗi khi có tin mưa bão.
Trước đó, vào các năm 1996, 1997, 2003, 2012 đã xảy ra sạt trượt ở các khu vực như: Khu tập thể 108 phường Bạch Đằng, trụ sở Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm... Năm 2012 ở khu vực bờ sông thuộc quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng tương ứng K67+420 đến K69+950 đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng bờ sông.
Nguyên nhân ban đầu được người dân cho rằng do việc lái dòng của ngành giao thông để hướng luồng lạch chính từ phía bờ tả sang Cảng Hà Nội khiến dòng chảy thúc vào phía bờ hữu chưa được gia cố. Bên cạnh đó, bờ sông Hồng khu vực này dốc đứng nên dễ gây sạt lở khi có mưa lớn cộng với nạn khai thác cát dẫn đến dòng chảy thay đổi.
Trước tình trạng trên, mới đây UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp Hạt quản lý đê số 2, UBND phường Bạch Đằng xuống hiện trường kiểm tra, yêu cầu các hộ nằm sát bờ sông Hồng có nguy cơ sạt lở, cũng như các hộ liền kề di chuyển toàn bộ người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời có biện pháp cảnh giới, cắm biển báo nguy hiểm tại khu vực để đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân.
Hiện UBND quận tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở trong địa bàn và có biện pháp di dời các hộ dân, đảm bảo tính mạng, tài sản, ổn định đời sống nhân dân trong khu vực.
Cận cảnh nhà ven bờ sông Hồng ở phường Bạch Đằng sạt lở:
Cơn bão số 3 mới đây khiến nước sông Hồng dâng cao gây sạt lở một phần ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Bình ở ngõ 975 Bạch Đằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Toàn bộ phần nhà, mái ngói, tường gạch đã bị nước lũ cuốn trôi
Vài viên gạch nát nền còn trơ lại sau vụ sạt lở
Tường gạch, vôi vữa ngổn ngang bên mép nước sông Hồng.
Ở khu đất này, phần dưới nền móng là đất cát rất yếu tiếp tục có thể sạt lở bất cứ lúc nào
Nhiều hộ dân xung quanh có hiện tượng nứt lún, đến nay vẫn phải chịu cảnh sống trong nỗi lo nơm nớp mỗi khi có tin mưa bão
Trước tình trạng trên, UBND Phường Bạch Đằng cũng đã gắn biển cảnh báo nguy hiểm
Hình ảnh ngôi nhà bị chìm xuống sông vào đêm 20 rạng sáng 21/8 khiến ông Bình không thể nào quên. Tuy nhiên may mắn không có thiệt hại về người
Một số người dân cho biết, không ai muốn ở nơi nguy hiểm thế này cả nhưng hoàn cảnh khó khăn phải chấp nhận
Hiện gia đình ông Bình phải thuê nhà ngay gần để sinh sống, đồng thời tiện trông nom nhà cửa. Ông mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý gia cố bờ kè đá, chống sạt lở để đảm bảo an sinh cho người dân.