Dự án hồ An Dương (quận Ba Đình, TP Hà Nội) được phê duyệt và triển khai xây dựng từ năm 1999, nhưng đến nay đã 15 năm trôi qua, dự án vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội cho phép xây dựng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp...
Doanh nghiệp mỏi mòn chờ khởi công dự án
Khu đất thuộc hồ An Dương có diện tích 8.400m² thuộc quyền quản lý của UBND quận Ba Đình, TP. Hà Nội (nay thuộc quận Tây Hồ). Sau khi khảo sát kiểm tra thực tế, UBND quận Ba Đình đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội cho phép quận Ba Đình san lấp và cải tạo mặt bằng xây dựng nhà ở.
Ngày 4/6/1990, theo Quyết định số 2705/UB/XDCB của UBND TP Hà Nội cấp cho UBND quận Ba Đình được san lấp 8.400m² thuộc khu vực hồ An Dương để xây dựng nhà để bán.
Tại Hợp đồng kinh tế số 124/HĐ ngày 26/1/1992 giữa Ban quản lý các công trình xây dựng quận Ba Đình với Công ty Phát triển đầu tư xây dựng IDC (Công ty IDC) về việc san lấp hồ An Dương xây dựng nhà để bán trong đó nêu rõ: sau khi hoàn tất dự án đưa vào sử dụng, Công ty IDC có trách nhiệm phải chiết khấu 20% lợi nhuận cho UBND quận Ba Đình.
Thực tế để thực hiện được Hợp đồng kinh tế số 124/HĐ, về phía Công ty IDC đã chi ra một khoản kinh phí không hề nhỏ cho việc san lấp kể từ những năm 1989. Năm 1993, Công ty Phát triển đầu tư xây dựng IDC đã chuyển đổi sang loại hình Công ty TNHH Xây dựng IDC để phù hợp với quy định của pháp luật.
Từ việc chuyển đổi này nên phải làm lại Hợp đồng kinh tế số 124/HĐ ngày 26/1/1992 để phù hợp với pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, vì thay đổi hợp đồng nên những khoản chi phí cho việc san lấp trước đó của Công ty TNHH Xây dựng IDC phía UBND quận Ba Đình có trách nhiệm phải hoàn trả. Nhưng vì kinh phí tại thời điểm đó quá lớn nên UBND quận Ba Đình đã chuyển toàn bộ dự án lên UBND TP. Hà Nội xem xét, giải quyết.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ và thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp, UBND TP Hà Nội đã trình toàn bộ hồ sơ Dự án lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho Công ty TNHH Xây dựng IDC tiếp tục thực hiện Dự án.
Một góc dự án An Dương sau 15 năm
Ngày 28/9/1999, tại Quyết định số 914/QĐ-TTg (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho Công ty TNHH Xây dựng IDC sử dụng đất để xây dựng khu nhà ở và văn phòng làm việc tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) tại Điều 1 của Quyết định này đã chỉ rõ: Thu hồi 13.970 m² đất tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội (trong đó bao gồm 8.400 m² đất hiện do UBND quận Tây Hồ quản lý và 5.570 m² đất do UBND phường Yên Phụ và các hộ dân quản lý, sử dụng) giao lại cho Công ty TNHH Xây dựng IDC sử dụng toàn bộ diện tích đất thu hồi trên để xây dựng khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng kinh doanh và văn phòng làm việc.
Trên thực tế Quyết định số 914/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, về phía Công ty TNHH Xây dựng IDC lại phải chịu một tổn thất rất lớn về tài chính, thay cho việc được giao 8.400 m² đất, trong đó, diện tích xây dựng nhà ở để bán là 6.500 m², xây cho UBND phường Yên Phụ một diện tích nhà ở để sử dụng. Theo Quyết định 914/QĐ-TTg thì Công ty được giao 13.970 m², trong đó diện tích xây dựng nhà ở để bán là 6.529 m². Đây là cách làm để tạo nên một khu dân cư quy hoạch hợp lý đảm bảo môi trường cảnh quan của khu dân cư như đường sá, giao thông và các dịch vụ công cộng khác nhằm đảm bảo cho khu vực Dự án hồ An Dương trở thành một khu đô thị kiểu mới của phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Để thực hiện Quyết định 914/QĐ-TTg thì đại diện UBND TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan, lãnh đạo Công ty TNHH Xây dựng IDC nên cùng họp bàn các vấn đề trọng tâm liên quan trong việc thực hiện Hợp đồng số 124/HĐ mà Công ty IDC đã ký với UBND quận Ba Đình ngày 26/1/1992. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm bố trí quỹ đất tái định cư cho 77 hộ gia đình nằm trong Dự án, sau khi hoàn tất Dự án, Công ty có trách nhiệm bàn giao quỹ nhà thu nhập thấp và hạ tầng kỹ thuật cho UBND TP Hà Nội.
Đơn kêu cứu của ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty IDC gửi Báo Công lý
Vậy để thực hiện Quyết định số 914/QĐ-TTg, về phía Công ty TNHH Xây dựng IDC phải đảm bảo năng lực tài chính để mua lại đất tái định cư của TP Hà Nội cho dân, tại thời điểm đó tuy khó khăn nhưng Công ty vẫn huy động được vốn để thực hiện Dự án đúng tiến độ. Nhưng không hiểu vì lý do gì qua hai lần nộp tiền tổng cộng gần 7 tỷ đồng vào thời điểm đó cho việc san lấp và tiền sử dụng đất theo Quyết định số 914/QĐ-TTg nhưng đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện đúng với quy định của pháp luật, gây thiệt hại lớn cho Công ty TNHH Xây dựng IDC (số tiền bỏ ra từ thời điểm đó nếu tính theo lãi suất ngân hàng đến thời điểm này lên tới hàng trăm tỷ đồng).
Trước quyết định của Chính phủ và những vướng mắc của Dự án, đặc biệt là sự khó khăn, thiệt hại hiện tại mà doanh nghiệp đang gánh chịu, cơ quan nào chịu trách nhiệm hoàn trả cho Công ty IDC? Liệu UBND TP Hà Nội có tiếp tục “bỏ ngỏ” dự án trăm tỉ này hay không!? Câu trả lời xin dành cho UBND TP Hà Nội.