Hà Nội đẩy mạnh công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp

Thu Vân| 05/03/2016 11:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những ngày này, cùng với nhiều địa phương trên cả nước, Hà Nội đã và đang gấp rút triển khai nhiều mặt liên quan công tác bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới.

Hà Nội đẩy mạnh công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp

Cử tri Hà Nội xem thông tin ứng viên tại kỳ bầu cử ĐBQH khóa 13 và đại biểu HĐND TP. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về cuộc bầu cử

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội mới đây đã ban hành Hướng dẫn số 06-HD/BTGTU, triển khai tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo đó, công tác tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; phân tích, làm rõ bối cảnh, tình hình đất nước trong thời điểm diễn ra cuộc bầu cử.

Bên cạnh việc tuyên truyền nội dung các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; tiếp tục quan điểm chỉ đạo của Đảng về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp ở các kỳ bầu cử trước và tại Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), văn bản hướng dẫn đã nêu bật một số điểm mới liên quan đến giới thiệu, ứng cử của đại biểu; công tác tổ chức, cụ thể như:

Giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng; lãnh đạo bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu; giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính, tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật Bầu cử…

Nêu bật những điểm mới trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND lần này, đó là những điều chỉnh, bổ sung cụ thể về bộ máy thực hiện công tác bầu cử từ trung ương đến địa phương; quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội do trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người tự ứng cử; việc tuyên truyền vận động bầu cử, giải quyết khiếu nại tố cáo... Nội dung của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015; làm rõ những điểm mới được bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tình hình mới...

Tuyên truyền quyền bầu cử và ứng cử của công dân, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong công tác bầu cử; các hoạt động trong quá trình tiếp xúc cử tri; các quy định về trình tự, thể thức bầu cử...

Tổ chức lớp tập huấn về Luật Bầu cử

Hà Nội cũng đã tổ chức tập huấn Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND, các văn bản liên quan cho cán bộ báo cáo viên của thành phố và các quận, huyện, thị xã vào ngày 4/3. Tại buổi tập huấn này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Lê Trọng Vinh đề nghị, các đại biểu tham dự nắm chắc những điểm mới trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử diễn ra ngày 22/5 tới.

Trong đó, quyền bầu cử đối với một số đối tượng đặc biệt Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định theo hướng dân chủ hơn, cụ thể: Mở rộng việc cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc.

Luật cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là phụ nữ…

Nhận hồ sơ ứng cử ĐBQH, HĐND

Ủy ban bầu cử TP Hà Nội đã có văn bản thông báo địa điểm, thời gian tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, địa điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử là trụ sở thường trực Ủy ban bầu cử TP Hà Nội - tầng 10, phòng 1003, tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin - truyền thông, số 1 Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội.

Hồ sơ ứng viên đã chính thức được tiếp nhận trong giờ hành chính từ ngày 17/2 đến 17 giờ ngày 13/3. Riêng thứ bảy 12/3 và chủ nhật 13/3 làm việc cả ngày, trong giờ hành chính, Ủy ban bầu cử sẽ trực để tiếp nhận hồ sơ.

Theo phân bổ của UBTVQH, số lượng ĐBQH khóa 14 của TP Hà Nội là 30, trong đó, đại biểu cư trú và làm việc tại Hà Nội là 16 người, đại biểu TƯ giới thiệu là 14. Tuy nhiên, tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ngày 16/2, nhiều ý kiến cho rằng ứng viên ĐBQH TƯ gửi về Hà Nội quá nhiều làm mất đi cơ hội của các ứng viên sinh sống và làm việc tại Thủ đô.

Hội nghị đã thống nhất đề nghị UBTVQH điều chỉnh số đại biểu TƯ giới thiệu về Hà Nội giảm xuống 10 người, đại biểu cư trú và làm việc ở Hà Nội là 20.

Thành lập 2 đoàn giám sát công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV

Liên quan tới công tác bầu cử, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa có kế hoạch về việc triển khai giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Mục đích của việc giám sát nhằm nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương.

Qua công tác giám sát sẽ phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác bầu cử ở địa phương, những vi phạm pháp luật về bầu cử (nếu có) để có biện pháp hướng dẫn khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của nhân dân.

Việc giám sát tại các địa phương được tiến hành theo 3 đợt: đợt 1 từ 20-3 đến 11-4-2016; đợt 2 từ 12 đến 26-4-2016; đợt 3 từ 28-4 đến 22-5-2016. Kết thúc đợt giám sát, các đoàn giám sát có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả giám sát gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Bổ sung hơn 46 tỷ đồng phục vụ công tác bầu cử

Liên quan đến ngân sách phục vụ cho công tác bầu cử, UBND TP. Hà Nội cũng vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt định mức phân bổ kinh phí và phương án phân bổ kinh phí phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp thành phố nhiệm kỳ 2016-2021.

Cụ thể, UBND thành phố phê duyệt định mức phân bổ kinh phí phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cho các quận, huyện, thị xã, như sau: Định mức phân bổ kinh phí bầu cử theo cử tri là 25.000 đồng/1 cử tri; riêng cử tri ở xã thuộc khu vực miền núi, định mức phân bổ kinh phí bầu cử theo cử tri là 30.000 đồng/1 cử tri.

Thành phố bổ sung hơn 46,89 tỷ đồng cho các quận, huyện, thị xã để phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
 
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ số kinh phí được giao, quyết định phân bổ kinh phí cho các đơn vị được giao nhiệm vụ phục vụ công tác bầu cử tại địa phương và UBND các xã, phường, thị trấn đúng quy định; chỉ đạo phòng Tài chính - Kế hoạch rút bổ sung có mục tiêu từ ngân sách thành phố về ngân sách quận, huyện, thị xã; quản lý, sử dụng kinh phí bầu cử chặt chẽ, chi tiêu đúng chế độ, mục đích và đảm bảo hiệu quả; kết thúc cuộc bầu cử, quyết toán kinh phí bầu cử đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đẩy mạnh công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp