Dự án chậm tiến độ, khiến nơi đây trở thành nơi đổ rác thải, phế thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đầm Hồng, còn có tên là hồ Khương Trung 1, trong đó 3/4 diện tích của hồ nằm trên địa bàn phường Khương Đình, phần còn lại thuộc phường Khương Trung, quận Thanh Xuân quản lý.
Theo quan sát của PV, phế thải xây dựng được đổ đầy ven bờ và ngày càng lấn chiếm diện tích lòng đầm. Những ngôi nhà tạm được dựng lên lụp xụp, nằm chênh vênh. Quang cảnh trong xanh vốn có của hồ đã biến mất, thay vào đó là sự nhếch nhác, mất mỹ quan nghiêm trọng.
Không những thế, người dân xung quanh còn phải chịu mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ bãi rác ven đầm. Những bãi rác nhân tạo chạy dài ven bờ trở thành nơi tập trung của đủ các loại phế thải, từ rau quả, túi nilông, bao bì, vải vóc cho đến đất cát, vật liệu xây dựng ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của người dân nơi đây.
Theo những người dân sống cạnh đầm Hồng cho biết, việc đầm Hồng đầy phế thải và rác thải như ngày hôm nay là do lái xe đã lợi dụng đêm tối vào đổ trộm phế thải, một số hộ gia đình tùy tiện lấn chiếm để cơi nới, xây dựng nhà cửa, các công trình phụ trái phép, thậm chí có người đã bán trao tay cho người khác kiếm lời.
“Đủ các loại phương tiện nào là ô tô, xe cải tiến, xe thồ chở phế thải xây dựng đổ xuống đầm, rác thải chất đống ven bờ. Nhìn hai bên đường là những đống rác thải to đồ sộ, chất cao sừng sững cùng những bì rác to khiến người dân chúng tôi sống ở đây rất bức xúc”, bác Nam, một hộ dân sinh sống tại đây cho biết.
Bãi phế thải khổng lồ do đổ trộm đang “nuốt chửng” đầm Hồng
Vào ngày mưa, con đường trở nên lầy lội với những vũng nước to, người dân đi qua đây không khác gì đi… đánh trận. Còn với những ngày nắng, chỉ cần có chiếc xe máy phóng qua là bụi mù mịt từ đầu đường tới cuối đường, đồng thời, mùi rác thải bốc lên gây khó chịu.
Không chỉ rác thải xây dựng và cả rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình cũng được “tập kết” ở đây. Do lâu ngày không được xử lý lượng rác ngày một lớn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của người dân. Bên cạnh đó, rác thải còn đổ tràn xuống lòng hồ, khiến cảnh quan khu vực hồ đầm Hồng trở thành bãi tập kết rác công cộng, đủ các loại thứ rác cứ ngày một đổ đống, chất ngất “bức tử” khu vực này.
Hiện đoạn đường qua khu đầm Hồng rất chật hẹp, nhiều ổ gà ngập nước, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã phản ánh lên chính quyền nhiều lần nhưng tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết.
Theo tìm hiểu của PV, dự án cải tạo đầm Hồng được khởi công cách đây 6 năm, tới nay vẫn chưa hoàn thành. Dự án chậm tiến độ, khiến nơi đây trở thành nơi đổ rác thải, phế thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Về vấn đề trên, lãnh đạo UBND P.Khương Đình thừa nhận có tình trạng phế liệu, rác thải đang đe dọa đến môi trường và diện tích đầm Hồng. Tuy nhiên mặt bằng tại khu vực này đã được bàn giao cho chủ đầu tư là Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, để thực hiện dự cải tạo đầm Hồng từ cuối tháng 12.2015.
Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ mặt bằng. Tuy nhiên, tình trạng đổ trộm phế thải, rác thải khu vực xung quanh đầm Hồng vẫn xảy ra suốt thời gian dài.
Đã 6 năm kể từ ngày khởi công nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành
Trả lời trước báo chí, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - Võ Nguyên Phong cho biết, dự án gặp nhiều khó khăn vướng mắc do thời gian nhận bàn giao mặt bằng kéo dài dẫn đến thay đổi chi phí vật liệu, nhân công, thiết bị… so với thời điểm đấu thầu; Tiến độ thi công gấp nên nhà thầu thi công trúng thầu là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP đã đề nghị không tiếp tục thi công hạng mục trên (tại văn bản số 148/TCT-KTTT ngày 19/11/2015), vì vậy mặt bằng thi công không được tiếp nhận bàn giao.
Ngày 15-4-2016, Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội đã phối hợp với Công an, chính quyền phường sở tại lập chốt bảo vệ 24/24 giờ và hiện tượng đổ trộm phế thải, rác thải tại đây đã chấm dứt.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng cũng nêu rõ, với vai trò là chủ đầu tư thực hiện dự án đồng thời là cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng trên địa bàn TP, Sở Xây dựng, BQL dự án thoát nước Hà Nội đang tập trung đôn đốc nhà thầu thi công khẩn trương thi công hoàn thành hạng mục, phối hợp các đơn vị liên quan đảm bảo trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường khu vực.
Mặc dù vô cùng “ngao ngán” khi đã 6 năm mà dự án vẫn chưa hoàn thành nhưng trước những lời cam kết của các cơ quan chức năng, người dân nơi đây chỉ còn biết hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.