Theo nhiều công ty chứng khoán, thị trường có thể điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng vẫn trong xu hướng tăng.
Tiếp diễn đà tăng
CTCP Chứng Khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS): Thị trường ghi nhận tuần điều chỉnh giảm điểm khi tiếp cận ngưỡng cản kỹ thuật (đường biên trên của dải Bollinger Bands đối với VN-Index, mốc 92 điểm đối với HNX-Index). Thị trường tăng điểm trở lại về cuối tuần, phản ứng với ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 585 điểm của VN-Index, MA12 ngày của HNX-Index. Khối lượng giao dịch tăng mạnh khi thị trường giảm điểm, giảm thấp khi thị trường bật lại từ ngưỡng hỗ trợ.
Kỳ vọng quyết định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết sớm được ban hành, theo tuyên bố của Chủ tịch UBCKNN là yếu tố quan trọng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Áp lực cung giá thấp giảm bớt, lực cầu bắt đáy cải thiện tại ngưỡng hỗ trợ diễn ra khá phổ biến trên toàn thị trường, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu chứng khoán. Tuy nhiên, mức độ phục hồi hạn chế từ ngưỡng hỗ trợ với thanh khoản giảm mạnh cho thấy tâm lý thận trọng còn phổ biến.
Với diễn biến thị trường tăng mạnh hơn về cuối tuần, đà tăng có thể tiếp diễn vào đầu tuần giao dịch tới, với ngưỡng cản kỹ thuật của VN-Index là khoảng 608 điểm, HNX-Index là khoảng 92 điểm. Hai chỉ số Index tăng điểm trở lại từ mốc hỗ trợ với thanh khoản thấp chưa cho tín hiệu đủ tin cậy về mặt kỹ thuật. Các chỉ báo kỹ thuật vẫn cho tín hiệu về xu hướng thị trường điều chỉnh ngắn hạn. Mức hỗ trợ của VN-Index là khoảng +/-585 điểm, mốc hỗ trợ mạnh là +/-565 điểm. Mức hỗ trợ kỹ thuật gần nhất của HNX-Index là khoảng +/-85 điểm.
Nhà đầu tư nên duy trì trạng thái danh mục, quan sát diễn biến tiếp theo của thị trường. Xu hướng tăng điểm tích cực chỉ được ghi nhận nếu khối lượng giao dịch toàn thị trường được cải thiện.
Kịch bản tích cực
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC): Chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại mức giá 600 trong các phiên đầu tuần sau, còn chỉ số HNX-Index có thể hướng về lại vùng đỉnh cũ 93.0.
Hệ thống chỉ báo xung lượng tiếp tục đánh giá cao lực cầu bắt đáy sẽ tăng dần trong những phiên tới và nhóm chỉ báo xu hướng vẫn duy trì đà tăng ngắn hạn. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch ở mức thấp và chỉ báo tâm lý giảm nhẹ cho thấy nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng với xu hướng hiện tại, đây là dấu hiệu thường xuất hiện ở các vùng đáy của xu hướng tăng mới cho nên VCSC cho rằng thị trường sẽ nghiêng về kịch bản tích cực cho thị trường vào tuần tới. Do đó, VCSC khuyến nghị các nhà đầu tư nên duy trì vị thế nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu cao và nếu các nhà đầu tư có tỷ lệ tiền mặt cao thì có thể cân nhắc mua vào ở các nhịp rung lắc vào đầu tuần tới.
Xu hướng tăng
Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE): Kết thúc tuần 24-28/3, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 15 triệu cổ phiếu, tạo ra chuỗi bán ròng kéo dài bốn tuần. Đây là đợt bán ròng dài nhất của khối ngoại kể từ tháng Tám năm ngoái. Trong phiên 28/3, họ bán nhiều nhất tại các mã CTG (300 ngàn), HAG (450 ngàn)…
Việc thanh khoản sụt giảm đáng kể có thể tạo tâm lý e ngại với một số nhà đầu tư. Rõ ràng nếu thị trường hồi phục trở lại với khối lượng giao dịch gia tăng thì tính bền vững sẽ cao hơn. Tuy nhiên, MBKE cho rằng thị trường thường có cách xử sự tương tự: giá hồi phục trong tâm lý nghi ngại dẫn tới thanh khoản thấp, và sẽ mất một số phiên để thanh khoản trở lại mức giao dịch trung bình. Ví dụ gần nhất là đợt sụt giảm đầu tháng 3, khối lượng cũng thấp đi sau chuỗi bán tháo. MBKE e ngại về thanh khoản nếu chiều hướng của khối lượng trong nhiều phiên có chiều hướng thấp dần. MBKE vẫn duy trì đánh giá về xu hướng tăng của VN-Index và tiếp tục khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu.
Giằng co
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Theo số liệu mới nhất thì chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống trong ngày 27/03 và quỹ VNM ETF theo đó cũng tiếp tục giảm 250,000 chứng chỉ quỹ, tương đương rút vốn 118 tỷ đồng. Thông tin này khiến FPTS lo ngại về khả năng khối ngoại tái diễn trạng thái bán ròng mạnh gây tác động xấu đến chỉ số.
Bên cạnh đó, diễn biến hồi phục như trong phiên 28/03 cũng sẽ khó có khả năng tạo động lực đưa thị trường lên các ngưỡng điểm cao hơn nữa. Trong một vài phiên đầu tuần giao dịch tới, FPTS cho rằng khả năng cao thị trường sẽ tiếp tục giằng co quanh vùng giá hiện tại trước khi cho tín hiệu xác nhận về xu thế ngắn hạn.
Theo đó, nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị nắm giữ đối với những cổ phiếu có thông tin cơ bản hỗ trợ, quan sát thêm những động thái tiếp theo của khối ngoại, chú ý khu vực 595 – 600 của VN-Index và tránh những hoạt động mua đuổi trong phiên.
Vùng nhạy cảm từ 590-600
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): VN-Index đang ở trong vùng nhạy cảm từ 590-600 điểm.
Nếu VN-Index sụt giảm dưới 590 điểm có thể kích hoạt động bán ra và đẩy chỉ số về mức giảm điểm sâu hơn 570 (ngắn hạn) và 555 (trung hạn). Đây là thời điểm bán ra để giảm mạnh tỷ trọng nắm giữ.
Nếu VN-Index tiếp tục duy trì những phiên tăng điểm nhẹ với biên động hẹp và khối lượng giao dịch tăng dần thì có thể nắm giữ. Khi VN-Index breakout 600 điểm thì có thể mua vào và trading với các cổ đang nắm giữ.
Nếu cổ phiếu dao động đi ngang trong vùng giá từ 590-600 điểm trong tuần tới thì nên tích cực cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm tỷ trọng các cổ phiếu nóng, mua vào các cổ phiếu có thông tin tích hỗ trợ từ Đại hội cổ đông về Kế hoạch kinh doanh 2014, kết quả kinh doanh quý 1 và tỷ lệ cổ tức hấp dẫn.
Minh Hằng tổng hợp