Khối lượng giao dịch sụt giảm là một tín hiệu tiêu cực, đồng thời trên thị trường chưa xuất hiện tin tức hỗ trợ đủ mạnh. Do đó, đa phần các công ty chứng khoán đều nhận định thị trường sẽ không khởi sắc trong vài phiên tới.
Dòng tiền đầu cơ lung lay
Công ty chứng khoán ACB (ACBS): Thị trường chứng khoán giằng co với áp lực bán được duy trì khi thiếu vắng thông tin tích cực hỗ trợ. Nhìn chung, bên bán không muốn thoát khỏi thị trường bằng mọi giá nên các chỉ số chung chỉ đóng cửa sát tham chiếu, trong đó VN-Index tăng điểm nhờ 4 mã vốn hóa lớn nhất là GAS, MSN, VIC và VNM.
Trong khi số mã giảm nhiều hơn số mã tăng, tổng khối lượng trên cả hai sàn giảm 15% so với phiên trước. Như vậy, cả khối lượng và độ rộng thị trường không củng cố phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp của hai chỉ số. Khối ngoại bán ròng gần 5 tỷ đồng trên HOSE trong khi mua ròng gần 7 tỷ đồng trên HNX.
Trong tuần trước, dư nợ margin trên cả hai sàn HOSE và HNX tiếp tục leo lên các mức cao nhất trong vòng một năm. Đáng chú ý, trong phiên 10/12, dư nợ margin của nhóm cổ phiếu penny bất ngờ quay đầu giảm, đi ngược với nhóm bluechip. Như vậy, dòng tiền đầu cơ có dấu hiệu lung lay khi các chỉ số giằng co mạnh các ngưỡng kháng cự.
Về mặt kỹ thuật, phiên giằng co của hai chỉ số không mang ý nghĩa quá tiêu cực. Tuy nhiên, như đã đề cập trong các báo cáo trước, các cảnh báo kỹ thuật vẫn được duy trì và ACBS giữ quan điểm tiêu cực với thị trường trong ngắn hạn.
Điều chỉnh tại vùng đỉnh cũ
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/12, mặc dù các chỉ số đều duy trì mức tăng nhẹ nhưng diễn biến thị trường chung vẫn thể hiện xu thế sideway up và chưa có dấu hiệu tăng tốc trong ngắn hạn do ảnh hưởng từ áp lực bán vẫn luôn xuất hiện mỗi khi chỉ số gặp ngưỡng cản mạnh.
Giao dịch diễn ra khá giằng co, cầu giá cao bất ngờ sụt giảm trong khi lượng cung hàng tăng nhanh cho thấy nhà đầu tư đã bắt đầu thận trọng hơn. Tuy vậy, điểm tích cực vẫn được ghi nhận khi không có hiện tượng bán tháo xuất hiện. Thanh khoản mặc dù sụt giảm so với phiên trước nhưng dòng tiền vẫn hiện hữu trong thị trường và xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu, cụ thể là nhiều cổ phiếu penny vẫn được giao dịch mạnh và nhóm cổ phiếu trụ cột MSN, GAS, VIC… tăng điểm cuối phiên vẫn đóng vai trò giữ nhịp cho thị trường.
Nhìn chung, xu thế của thị trường đang cho thấy những khó khăn khi phải đối mặt với ngưỡng tâm lý nhạy cảm tuy nhiên kỳ vọng về thị trường ở giai đoạn cuối năm là khá sáng sủa, đặc biệt là khi mà tâm điểm chú ý của nhà đầu tư vẫn là kỳ cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs và kỳ vọng về việc nới room cho khối ngoại.
Trong ngắn hạn, FPTS cho rằng các cổ phiếu Bluechips sẽ vẫn là yếu tố nâng đỡ cho thị trường lúc khó khăn và xu thế chung chưa thể bị ảnh hưởng bởi một vài phiên phiên điều chỉnh nhẹ phía trên vùng đỉnh cũ. Theo đó, khả năng xuất hiện đà giảm mạnh của thị trường là không cao và chiến lược tăng dần tỷ trọng cổ phiếu cơ bản có thông tin hỗ trợ sẽ tiếp tục được khuyến nghị tại những phiên điều chỉnh.
Xanh vỏ đỏ lòng
CTCP Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/12, cả 2 chỉ số đã có phiên thứ 3 tăng điểm liên tiếp nhưng có thể thấy rõ đây chỉ là hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”. Áp lực bán đang có xu hướng gia tăng ở khá nhiều mã cổ phiếu, đặc biệt là những cổ phiếu đã tăng nóng thời gian qua. Do đó, nếu như nhóm các mã trụ như GAS, MSN, VNM không tăng điểm thì có lẽ chỉ số VN-Index đã không thể duy trì phía trên ngưỡng 510 điểm.
Ngoài ra, việc thị trường không có những sự bứt phá mạnh cũng khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên e dè hơn. Điều này được thể hiện trên đồ thị kỹ thuật khi các mẫu nến Doji liên tục xuất hiện cho thấy sự giằng co từ phía nhà đầu tư. Bởi vậy, dòng tiền đổ vào thị trường đang có chiều hướng chậm lại so với những tuần giao dịch sôi động trước đó.
Bên cạnh đó, gần như không có một thông tin tốt nào xuất hiện trong thời điểm hiện tại đủ để làm chất xúc tác kéo toàn bộ thị trường đi lên. Các thông tin vẫn được công bố nhưng mang tính rời rạc và rơi vào một số cổ phiếu nhất định. Yếu tố được thị trường kỳ vọng nhất là đợt cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs nhiều khả năng cũng không đem lại những sự thay đổi đáng kể, ngoại trừ việc MSN được quỹ FTSE ETF tăng tỷ trọng giúp cổ phiếu này khởi sắc và là lực đỡ cho thị trường.
Trong thời điểm hiện tại, IVS cho rằng nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu đầu cơ và tìm đến những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt để đánh giá và lựa chọn thời điểm hợp lý để đầu tư.
Chỉ số có thể đảo chiều bất cứ lúc nào
Công ty TNHH Chứng khoán NH Đông Á (DAS): Tại sàn HOSE, VN-Index hình thành cây nến doji thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước kháng cự 513 điểm chưa thể chinh phục. Thanh khoản trong phiên ngày 10/12 sụt giảm dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất là vấn đề đang được quan tâm. Về ngắn hạn, xu hướng tăng của VN-Index có thể bị de dọa nếu trong các phiên giao dịch tới, chỉ số điều chỉnh giảm. Do đó, nhà đầu tư nên giữ quan điểm thận trọng trong giai đoạn hiện nay, VN-Index sẽ kiểm tra lại vùng 510 điểm trong phiên giao dịch tới, tạm thời vùng 508 điểm vẫn đang hỗ trợ tốt cho chỉ số trong phiên 11/12.
Đối với HNX, việc HNX-Index tiếp tục giao dịch giằng co quanh vùng 66 điểm cùng với sự yếu đi của dòng tiền, thể hiện qua khối lượng giao dịch sụt giảm dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất trong nhiều phiên liên tiếp đã làm cho việc chinh phục vùng 66 điểm càng trở nên khó khăn. Cộng với RSI đang giao dịch vượt xa đường 70 nên việc đảo chiều xu hướng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Giữ vị thế hiện có
CTCK MayBank Kim Eng (MBKE): Thị trường dậm chân tại chỗ ở mức 511 điểm – VN-Index giao dịch dưới mức đỉnh tháng 8 ở 513 điểm trong hơn một tuần gần nhất. Ngoại trừ một vài mã có mức lên điểm nhẹ, đặc biệt là các mã vốn hóa cao như GAS (+0.8%), MSN (+0.6%), VNM (+0.7%), đa số các mã niêm yết trên HOSE giảm điểm : có tới hơn 120 mã giảm điểm, so với chỉ khoảng 80 mã tăng giá.
Việc phần lớn các mã giảm điểm đã làm cho tâm lý chung đang trở nên dè dặt hơn. Khối lượng giao dịch giảm 20% xuống 80 triệu cổ phiếu, tương đương với mức trung bình giao dịch 50 ngày. Việc khối lượng ngang với mức trung bình 50 ngày không phải là một chuyển biến nghiêm trọng, nhưng trong đợt tăng nhanh trước đó, khối lượng thường cao hơn mức trung bình này.
Nhìn đồ thị, MBKE cho rằng chiều hướng tăng của giá đang bị chặn lại bởi mức kháng cự 513. Dấu hiệu phân kỳ tiêu cực trên đồ thị là một dấu hiệu cảnh báo quan trọng và là lần đầu tiên xuất hiện rõ ràng như vậy kể từ đầu đợt tăng giá từ tháng 9. Tín hiệu phân kỳ này dự báo rằng nếu thị trường chưa đạt đỉnh, thì một đỉnh ngắn hạn của thị trường cũng đang tới gần.
Nhìn chung, sau một tín hiệu như trên, quan điểm của MBKE thường rất thận trọng. Do đó, các nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục. Nhưng thay vì giao dịch tìm kiếm các cơ hội lợi nhuận mới, họ nên giữ vị thế hiện có và chờ đợi các điểm chốt lời.
Mỹ Hà tổng hợp