Trước diễn biến tạm gọi là “rủi ro thị trường”, người viết nhận thấy NĐT nên nhìn vào thực trạng tài khoản, việc ứng xử tốt nhất trong những đợt điều chỉnh này là nên “tuân thủ nguyên tắc” đã đề ra. Thà mất mặt chứ đừng để mất tiền.
Như chia sẻ trong bài viết trước, sau phiên giảm mạnh đầu tiên 20/02, thị trường vẫn hừng hực trèo lên đánh phá vùng kháng cự 590-600. Nhưng trong bối cảnh tình trạng margin toàn thị trường đã căng cứng, động lực tăng của các mã chỉ mạnh về “giá” chứ không có yếu tố dòng tiền (có thể dòng tiền nội đẩy giá trong tuần qua đã bão hòa?). Nhìn đồ thị của VN-Index liên tiếp trèo lên 590 nhưng cuối phiên bị đạp về mức giá gần thấp nhất trong 2 phiên cuối tháng 2 là một yếu tố đáng ngại mà theo quan điểm của William J’ Oneil, nó thường là tín hiệu cảnh báo đợt điều chỉnh 8-10% toàn thị trường.
Thôi thì có xuống mới có lên. Thị trường giảm 13.1 điểm ngày 03/03 là phiên “xì hơi” cần thiết trong một nhịp tăng giá dài hơi hơn trong năm nay. Cũng là phiên mà người viết mong đợi, vì dưới góc độ ý nghĩa đầu tư và tư vấn, những phiên như 03/03 sẽ giúp chúng ta lựa chọn cổ phiếu dễ dàng hơn. Như chia sẻ của một khách hàng, đoạn phân hóa lại là đoạn dễ đánh hơn, đoạn trước chính ra nhiều hàng quá, “loạn chưởng”.
Trước diễn biến tạm gọi là “rủi ro thị trường”, người viết nhận thấy đa phần NĐT cá nhân hay để ý những tư vấn “mua mã gì?” và xem nhẹ lời khuyên “bán giảm margin”. Trong một bức tranh thu nhỏ, có nhiều NĐT tham gia Buổi Hội thảo tư vấn đầu tư tại MBS Hải Phòng chiều thứ 4 tuần qua vẫn đang… căng hàng. Tâm lý của người full cổ trong những đợt điều chỉnh này người viết đã từng trải qua: hồi hộp, lo âu, lao vào dự đoán, hỏi han thị trường sẽ về đâu, nảy lên đâu để bán (lúc nảy lên thì chần chừ không cắt); đổ lỗi cho thị trường và hài hước hơn nữa là trong tuần qua, rất nhiều NĐT chứng khoán cá nhân trên mạng bỗng chốc trở thành chuyên gia bình luận, dự đoán tình hình… Ukraina(!?). Hãy bỏ hết những việc linh tinh đó ra khỏi đầu và nhìn vào thực trạng tài khoản, việc ứng xử tốt nhất trong những đợt điều chỉnh này là nên “tuân thủ nguyên tắc” đã đề ra. Thà mất mặt chứ đừng để mất tiền.
Sau điều chỉnh!
Người viết cho rằng đà tăng giá trong năm nay của thị trường chưa kết thúc tại đây, thậm chí nhịp điều chỉnh này –dù chưa kết thúc – nhưng có thể không sâu đến mức 8-10% (tức là về đến vùng 540-550).
Trong bảng xếp hạng theo tiêu chí sức mạnh giá tương đối của cổ phiếu thanh khoản so với VN-Index trong tuần qua, không bất ngờ khi các mã bé bé như PXA, PXT, SDD, PXI… lại lên đứng đầu. Thị trường điều chỉnh, tiền vào dè dặt, có chọn lọc và đa phần chỉ trực chờ rút ra thì những mã hút tiền thời gian qua bị ảnh hưởng nhiều nhất. Lấy dòng chứng khoán làm đại diện, trong các mã có thanh khoản lớn thì chỉ riêng HCM (vốn có độ lướt hơn) là vượt đỉnh nhẹ nhàng, còn lại đa số SSI, VND, KLS. BVS… có đồ thị na ná nhau, chưa vượt được đỉnh.
Thời gian tới, sẽ có những mã thị giá thấp nổi bật lên, nhưng không phải vì thị giá thấp mà độ rủi ro cao. Người viết rất ấn tượng với dạng đồ thị như của PXI: từ tháng 10 năm ngoái, PXI lên khá bền và đều, quan trọng nhất là những lần điều chỉnh của nó không shock (dưới 10% là con số hợp lý). Đây là dạng đồ thị thường thấy của những cổ phiếu siêu hạng như VSC, VNM… hơn là những cái tên có thị giá thấp. Rõ ràng, qua những đợt điều chỉnh, sẽ có nhiều hàng tốt giá rẻ được khai quật mà trong tuần qua, người viết cũng chọn một mã như vậy để túc tắc nhập hàng cho danh mục đầu tư trung hạn cùng với GAS, đó là SBA.
SBA - Mã người viết lựa chọn cho danh mục đầu tư trung hạn (Nguồn dữ liệu: VietstockUpdater) |
Trong đoạn này, có 2 cách lựa cổ phiếu như quan điểm của MBS Hải Phòng: Một là chọn những mã vượt được đỉnh của ngày 20/02 và 03/03, đây là những mã khỏe hơn thị trường nếu muốn lướt sóng như PXS, TTF, FLC…, quan điểm người viết thì tốt nhất chọn mã đang ngang rồi bứt lên; hai là lựa chọn những cổ phiếu cơ bản cá nhân NĐT hiểu rõ nhất đang điều chỉnh, nhịp điều chỉnh đẹp nhất là dưới 10%, giống như đồ thị của GAS trong đoạn này. Có những mã đã phá vỡ quy tắc mà nó duy trì trong suốt sóng tăng thì nên cẩn trọng, hoặc những mã dao động trong một khoảng giá quá rộng, dù có xây nền thì độ kết dính giá cũng không bền chặt. Với tiêu chí như vậy, người viết chọn VIG làm mã lướt sóng, tỷ trọng tiền/cổ duy trì tỷ trọng 50/50.
Đoàn Xuân Thạo
Các bài viết trên thể hiện quan điểm, cách nhìn nhận và lối văn riêng của tác giả, không đại diện cho ý kiến của Công lý. Công lý, tác giả và các bên liên quan không chịu trách nhiệm đối với những vấn đề phát sinh liên quan đến bài viết, các đánh giá, phân tích, nhận định và quan điểm đầu tư trong bài viết.