Cảm giác rằng dòng tiền vẫn đang quanh quẩn và chờ đợi một cú hích nào đó về vĩ mô để toàn thị trường “bùm” lên một cách mạnh mẽ.
Ký ức tháng 6 kinh hoàng khiến toàn thị trường đã có một phiên 12/12 lùi một bước, sẵn sàng ở tư thế “đón bão” quỹ ETF ngoại trong kỳ cơ cấu danh mục cuối cùng của năm; thêm thông tin gói nới lỏng định lượng QE3 cách nửa vòng trái đất sắp bị cắt giảm khiến nỗi lo về một đợt rút vốn tiếp theo càng thêm thường trực. Như chia sẻ trong bài viết trước, kịch bản người viết sợ nhất chính là dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường khiến động lực tăng giá yếu dần yếu dần.
Thực tế thanh khoản trong tuần này từ thứ 2 đến thứ 4 đuối hẳn, loanh quanh 50-60 triệu/phiên. Dòng tiền có vẻ chần chừ và chờ đợi ETFs “ra đòn”; nhưng hiện tại 4/5 phiên giao dịch trong tuần đã trôi qua, có thể tạm khẳng định đây là kỳ cơ cấu “yên bình” nhất năm. Người viết nhận thấy ngoài việc xả hơn 15 triệu PVX , đè VIC, BVH… làm VN-Index mất hơn 3 điểm trong phiên 16/12 thì khối ngoại chưa thể hiện được gì nhiều. Nhìn chung, lực cầu từ nhà đầu tư (NĐT) trong nước vẫn mạnh, vẫn quanh quẩn đâu đó trong thị trường và sẵn sàng hấp thụ lượng hàng xả của ETFs. Nhìn chung, không nên nâng tầm khối ngoại lên làm gì, vì tiền tây cũng không đắt hơn tiền ta.
Phiên thứ 5 vừa qua thật khó để kiềm chế bản thân khi quyết không nhập hàng. Người viết nhận thấy dòng tiền đã có dấu hiệu nôn nóng quay trở lại khi mối lo ban đầu về ETFs và QE3 đã không được hiện thực hóa. Tránh các mã có “dây dưa” đến ETFs, dòng tiền tiếp tục lựa chọn những mã đầu cơ (hoặc siêu đầu cơ) truyền thống như FLC, SCR, ITA, SHN…những mã đầu cơ mới nổi như HAR, FCM, DHM… và đặc biệt là những mã có yếu tố ngành và bản thân doanh nghiệp bắt đầu đi lên như DXG, HDG… Trong loạt bài trên Góc Broker, người viết từng dẫn quan điểm của chi nhánh MBS Hải Phòng đánh giá, chọn lựa 4 mã có cơ bản dần tạo đáy đi lên trong dòng bất động sản là HDG, BCI, NTL và DXG để NĐT có thể chọn lựa nếu muốn lướt sóng.
Người viết đứng ngoài cuộc chơi của hàng đầu cơ, nhưng dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật xin chia sẻ về hiện tượng đầu cơ điển hình hay gặp phải trên TTCK Việt Nam, hiện tượng này đang xuất hiện tại SHN.
Giống với cổ phiếu FLC; trong hơn hai tuần qua SHN liên tiếp tăng trần, từ mức giá dưới 1.x SHN tăng hơn 200% và đóng cửa ở mức 2,400 vào phiên 19/12. Nhưng nếu như FLC - trong đà tăng của mình - có khối lượng tăng dần lên theo đà tăng của giá, cho thấy lực cầu hào hứng tham gia thì ngược lại, SHN tăng trần liên tiếp với cột khối lượng giảm dần, thậm chí là “mất hút”. Theo nguyên lý chuyển động của khối lượng, sự tăng giá của SHN là do “người bán găm hàng không muốn bán” chứ không phải do “mong muốn tăng lên của người mua”, tức là có hiện tượng “tiết cung”. Khi giá lên đến mức cao thỏa mãn kỳ vọng, người găm hàng sẽ đổ ra bán tống bán tháo; dấu hiệu nhận biết trên đồ thị là khối lượng giao dịch tăng vọt bất thường. NĐT có thể nhìn lại đồ thị của BMC trong tháng 4/2012, BTP trong tháng 8/2012 hay KMR trong tháng 5/2012.
SHN – tăng giá không kèm khối lượng! (nguồn dữ liệu: VietstockUpdater) |
Trong ngắn hạn, người viết nghiêng về kịch bản đi ngang về điểm số, nhưng dòng pennys sẽ tiếp tục sôi động và hút dòng tiền. NĐT nếu đánh dòng đầu cơ thị giá thấp, dòng pennys không nên đánh tất tay, nên giới hạn trong tỷ trọng dưới 10% tổng tài sản cho một mã đầu cơ. Nhìn chung người viết quan điểm đánh đầu cơ chỉ nên đánh để lấy tiền “tiêu vặt”; muốn tất tay, giải ngân và trở về nhà trong tâm lý thoải mái, không bị lo lắng về rủi ro của danh mục, không bị “chứng vật” thì nên chọn hàng có yếu tố cơ bản tốt mà NĐT nắm vững; giống như PGS – là mã cổ phiếu người viết găm hàng thời gian qua (từng đề cập trong bài viết
Nhìn vào đồ thị của các mã cơ bản, như VNM, GAS, CSM, DRC, BMP… người viết cho rằng chúng đều ở một trạng thái: đi ngang chờ thời, khó bục nền giá hiện tại đang xây nên điểm số VN-Index không có cửa giảm sâu. Điều tích cực trong đoạn này có lẽ vẫn là dòng tiền, dòng tiền chảy mạnh khoảng gần 3 tháng nay và chưa có tín hiệu bị rút ra, cảm giác rằng nó vẫn đang quanh quẩn và chờ đợi một cú hích nào đó về vĩ mô để toàn thị trường “bùm” lên một cách mạnh mẽ.
Đoàn Xuân Thạo
Các bài viết trên Vietstock Blog thể hiện quan điểm, cách nhìn nhận và lối văn riêng của tác giả, không đại diện cho ý kiến của tờ báo. Tờ báo, tác giả và các bên liên quan không chịu trách nhiệm đối với những vấn đề phát sinh liên quan đến bài viết, các đánh giá, phân tích, nhận định và quan điểm đầu tư trong bài viết.