Phân tích kỹ thuật đúng là dự đoán chính xác giá chứng khoán trong ngắn hạn hả anh?”
Có câu hỏi trong tuần cứ ám ảnh người viết – câu hỏi của một cậu sinh viên mới dò dẫm tìm hiểu về chứng khoán: “Phân tích kỹ thuật đúng là dự đoán chính xác giá chứng khoán trong ngắn hạn hả anh?”. Biết đáp lời sao đây trước ánh mắt hứng khởi của tuổi trẻ kia khi câu hỏi này cả thế giới còn đang tranh cãi, chỉ biết rằng có 3 ông giáo sư bên Mỹ khẳng định rằng:”Không thể dự báo được chính xác giá trị cổ phiếu, trái phiếu trong ngắn hạn (vài ngày đến vài tuần)…” – và họ được trao Nobel kinh tế 2013!
Đúng là trong phân tích kỹ thuật, bằng các công cụ như đường kênh, Fibonaci hoặc đếm sóng Elliott (thực ra là kết hợp giữa MA và Fibonaci)…vv, người dùng có thể xác định được mục tiêu không chỉ về giá mà còn về thời gian nữa. Nhưng hiệu quả của chúng cũng lại là cuộc tranh luận ầm ĩ chưa ngã ngũ. Vì mặc dù cùng phương pháp, nhưng mỗi người lại có cách sử dụng riêng, không ai giống ai; đấy là chưa kể bản tính dễ thương của chúng ta là “hay quên” thống kê những lần thất bại, mà chỉ nhớ những lần ta “dự” chuẩn.
“Mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột” – người viết không có ý ném đá các trường phái (khác) mà ngày xưa bản thân từng sùng bái; nhưng sau vài năm tìm hiểu một loạt trường phái PTKT từ Đông sang Tây, nhất là khi vào nghề broker được tiếp xúc với nhiều NĐT giàu kinh nghiệm; người viết thấy rằng sau này mỗi NĐT chúng ta sẽ tìm được phương pháp phân tích riêng phù hợp với tính cách của mình, không trộn lẫn với ai… nhưng càng những ai chinh chiến nhiều năm thì họ càng cố gắng tìm cách đơn giản hóa PTKT, loại bỏ hết các dây rợ loằng ngoằng trên biểu đồ và đặc biệt: không dùng PTKT để dự đoán giá cổ phiếu.
Câu hỏi đa phần NĐT cá nhân chúng ta vẫn hay thắc mắc là “ Giá cổ phiếu sẽ đi đến đâu, về đến đâu và lúc nào?”. Trong khi đó, đầu tư chứng khoán không đi kèm với việc bắt buộc trả lời câu hỏi này; thực tế cũng chỉ ra rằng lý thuyết Dow (cơ sở của PTKT ngày nay) cũng không đề cập đến việc dự đoán giá chứng khoán trong ngắn hạn, mà mục tiêu của nó là trả lời câu hỏi cần thiết, và thực tế hơn là: “Giá cổ phiếu hiện đang ở đâu?”. Xét cho cùng, chỉ cần vậy là đủ!
Cơ bản hàng đầu lên ngôi!
Trong tuần qua, người viết không bất ngờ khi dòng cổ phiếu cơ bản hàng đầu dẫn dắt toàn thị trường qua vùng điều chỉnh. Nổi bật nhất chắc chắn là GAS. Quá trình điều chỉnh khoảng 2 tháng của GAS kết thúc khi nó chạm ngưỡng hỗ trợ 82 với khối lượng cạn kiệt. Sau đỉnh ngắn hạn 608 của thị trường, người viết đi tìm kiếm các cổ phiếu đang tích lũy còn sót lại thì không có cổ phiếu nào có một vùng tích lũy rất hẹp khoảng 5% (từ 82-86), với diễn biến khối lượng giảm dần về đoạn cuối và cạn kiệt khi tiệm cận hỗ trợ như GAS. Nên - như chia sẻ trong bài viết trước “Góc broker: Đáy tù” - người viết cho rằng GAS là cổ phiếu tích lũy đẹp nhất trên thị trường giai đoạn này. Đoạn tăng giá từ 82 lên 95 vừa qua khoảng 15%, nhưng nếu tính từ đỉnh cũ 86 thì mức tăng còn khá khiêm tốn so với đoạn tích lũy ròng rã suốt 2 tháng qua. Chẳng mấy mà GAS sẽ chạm ngưỡng 10x trong sự ngỡ ngàng và… “chửi bới” thị trường “kéo trụ để xả”, “xanh vỏ đỏ lòng” của khá nhiều NĐT kẹp cổ phiếu penny trên đỉnh 608.
GAS – đà tăng giá hiện tại còn khiêm tốn (nguồn dữ liệu: VietstockUpdater) |
Ngoài GAS, các cổ phiếu thượng thặng khác như PVD, HPG cũng xứng đáng được lựa chọn để làm nền cho tài khoản. Nhịp rung lắc ngắn hạn khi thị trường tiệm cận vùng đỉnh cũ 608 trong 1-2 phiên tới là cơ hội để NĐT tích lũy thêm các cổ phiếu này. Thông thường, người viết rất thích các cổ phiếu sau khi vượt vùng tích lũy dày đặc, có thêm một nhịp điều chỉnh nhẹ từ 2-4 phiên, bởi sau đó chúng thường tăng một đoạn khá sốc trong ngắn hạn. Người viết kỳ vọng vào kịch bản này với 3 cổ phiếu GAS, HPG, PVD và qua đó, vùng đỉnh cũ 608 sẽ nhanh chóng bị bỏ lại phía sau ngay trong tháng 4 này.
Ngoài các cổ phiếu vượt đỉnh khi thị trường còn đang tích lũy, còn hai dòng cổ phiếu khác mà chúng ta nên phân biệt rõ ràng: Trong nhịp chỉnh ngắn hạn, có các cổ phiếu lập đỉnh đi xuống vì bị chốt lời mạnh sau giai đoạn tăng nóng; có cổ phiếu vẫn vững xu thế tăng nhưng ngắn hạn bị điều chỉnh theo thị trường. Người viết loại bỏ các cổ phiếu nhóm 1 và chú ý vào nhóm thứ 2 với những đặc điểm thường thấy của nó là: điều chỉnh với khối lượng thấp và giảm dần, nhịp điều chỉnh không sốc (thường dưới 10%) và cung dần cạn khi giá cổ phiếu về đến vùng (hoặc ngưỡng) hỗ trợ. Với tiêu chí như vậy, người viết lựa chọn VIP làm cổ phiếu đánh ngắn, nhập hàng giá 15.7.
Đoàn Xuân Thạo
Các bài viết trên thể hiện quan điểm, cách nhìn nhận và lối văn riêng của tác giả, không đại diện cho ý kiến của Tờ báo. Tờ báo, tác giả và các bên liên quan không chịu trách nhiệm đối với những vấn đề phát sinh liên quan đến bài viết, các đánh giá, phân tích, nhận định và quan điểm đầu tư trong bài viết.