Từ đầu năm đến nay, Nguyễn Tiến Minh chưa vô địch giải đấu nào thuộc hệ thống Super Series. Trong trận chung kết giải Mỹ mở rộng vừa kết thúc, Tiến Minh thua tay vợt đứng dưới anh là Sasaki (Nhật Bản).
Mặc dù vậy, cũng khó nói đây là bất ngờ, bởi vị trí thứ 7 của Tiến Minh và vị trí thứ 15 của Sasaki trên bảng xếp hạng thế giới có thể không phản ánh đúng thực lực của đôi bên, mà việc Tiến Minh thua 2 ván trắng trước đối thủ đứng dưới anh đến 8 bậc mới cho thấy điều đó.
Việc Tiến Minh luôn nằm trong tốp 10 cây vợt hàng đầu thế giới nhờ anh được cọ xát rất nhiều giải quốc tế để tích điểm. Trong khi với các cây vợt có trình độ khác như Bao Chun Lai hoặc Lee Chong Wei, không phải giải đấu nào họ cũng tham gia, mà họ chọn lọc những giải có khả năng vào sâu hoặc đoạt chức vô địch. Không đánh nhiều giải như Tiến Minh, điểm số trên bảng xếp hạng của họ không nhiều bằng nhưng thực lực lại hơn khá xa so với tay vợt Việt Nam.
Cũng chẳng thể trách Tiến Minh khi anh không thể nâng cao trình độ của mình, vì thực chất ở trong nước, Tiến Minh không có đồng đội ngang tầm để cọ xát. Dù đang là tay vợt đẳng cấp thế giới nhưng Tiến Minh đang tập hàng ngày cùng đội nam TPHCM. Tự cá nhân Tiến Minh đã nỗ lực nhiều nhưng anh lại không thể vượt ngưỡng khi thiếu sự cạnh tranh thường xuyên.
Những giới hạn của VĐV Việt Nam còn được thấy qua giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng vừa kết thúc. So với các VĐV đến từ các nước trong khu vực và châu lục, rõ ràng là các tay vợt Việt Nam có nhiều hạn chế về trình độ. Dễ dàng nhận thấy tuyến kế thừa của bóng bàn Việt Nam không nhiều trong khi các tay vợt hàng đầu thì đã chững lại từ lâu. Ở đội nam, trong khi Tuấn Quỳnh bắt đầu đi xuống, Quang Linh dần tới điểm giới hạn, Thành Luân hay Huy Hoàng chưa thể hiện nhiều tiến bộ.
Khâu đào tạo nhiều bất cập, việc không có nhiều thầy giỏi càng khiến chúng ta dần khan hiếm tài năng.