Đó là một trong những ưu thế mà chương trình môn Tự nhiên và xã hội mới phát huy được. Đồng thời, chương trình môn Tự nhiên và xã hội ở các lớp 1, 2, 3 phát huy với thời lượng 70 tiết cho mỗi lớp; tích hợp những kiến thức về thế giới tự nhiên và xã hội.
Khuyến khích học sinh vận dụng được những điều đã học vào đời sống
Môn học này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh học tập các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4, 5 của cấp tiểu học, đồng thời góp phần đặt nền móng ban đầu cho việc giáo dục về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ở các cấp học trên.
Môn Tự nhiên và xã hội góp phần giúp học sinh hình thành và phát triển tình yêu con người, thiên nhiên; tính chăm chỉ; ý thức bảo vệ sức khoẻ thể chất và tinh thần của bản thân, gia đình, cộng đồng; ý thức tiết kiệm, giữ gìn, bảo vệ tài sản; tinh thần trách nhiệm với môi trường sống.
Kết quả đánh giá tổng kết môn Tự nhiên và xã hội là những nhận xét cụ thể của giáo viên về việc học sinh đạt được hay chưa đạt được những yêu cầu đã được nêu trong chương trình môn học. Ảnh Hải Nam.
Hình thành và phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội (bao gồm năng lực nhận thức về tự nhiên và xã hội; năng lực tìm tòi và khám phá các sự vật, hiện tượng và mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng thường gặp trong tự nhiên và xã hội; năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, ứng xử phù hợp với tự nhiên và xã hội).
Chương trình môn Tự nhiên và xã hội nhấn mạnh các quan điểm sau: Tích hợp những nội dung liên quan đến thế giới tự nhiên và xã hội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của con người là cầu nối giữa tự nhiên và xã hội. Tổ chức nội dung chương trình thành các chủ đề theo hướng mở rộng và nâng cao từ lớp 1 đến lớp 3.
Tăng cường sự tham gia tích cực của học sinh vào quá trình học tập bằng cách giúp các em biết đặt câu hỏi, tham gia vào những hoạt động trải nghiệm có ý nghĩa để tìm kiếm câu trả lời.
Tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi điều tra, khám phá; hướng dẫn học sinh thể hiện việc học tập của cá nhân và nhóm thông qua các sản phẩm học tập; khuyến khích học sinh vận dụng được những điều đã học vào đời sống
6 chủ đề trọng tâm
Chương trình bao gồm 6 chủ đề là gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khoẻ, trái đất và bầu trời.
Mỗi chủ đề đều thể hiện mối liên quan, sự tương tác giữa con người với các yếu tố tự nhiên và xã hội trên cơ sở giáo dục giá trị và kỹ năng sống; giáo dục các vấn đề liên quan đến việc giữ gìn sức khoẻ, bảo vệ cuộc sống an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai ở mức độ đơn giản và phù hợp.
So với chương trình hiện hành, chương trình Tự nhiên và xã hội mới tinh giản một số nội dung khó hoặc sẽ được học ở ngay các lớp đầu của cấp trung học cơ sở, đồng thời cập nhật hoặc đưa vào một số nội dung mới thiết thực với học sinh.
Chẳng hạn như: không dạy các nội dung về đơn vị hành chính (làng, xã/phường; huyện/quận; tỉnh/thành phố) và các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp,…. ở tỉnh/thành phố; giảm bớt một số nội dung kiến thức trong chủ đề Trái Đất và bầu trời; đưa vào một số nội dung mới như tìm hiểu về lễ hội, về di tích văn hóa lịch sử và cảnh đẹp ở địa phương; một số thiên tai thường gặp và cách phòng tránh; cách bảo vệ sự an toàn của bản thân, phòng tránh bị xâm hại,…
Phương pháp giáo dục
Phương pháp giáo dục trong môn Tự nhiên và xã hội được quán triệt theo hướng phát triển năng lực cho học sinh, cụ thể là: Chú trọng khai thác những kiến thức, kinh nghiệm ban đầu của học sinh về cuộc sống xung quanh; Chú trọng phát huy trí tò mò khoa học, hướng đến sự phát triển các mối quan hệ tích cực của học sinh với môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh.
Hướng dẫn học sinh cách đặt câu hỏi, cách thu thập thông tin và tìm kiếm các bằng chứng, cách vận dụng các thông tin/bằng chứng thu thập được để đưa ra những nhận xét, kết luận mang tính khách quan, khoa học.
Tăng cường tổ chức các hoạt động tìm tòi, khám phá, liên hệ, vận dụng gắn với thực tiễn cuộc sống xung quanh, qua đó, học sinh học cách giải quyết một số vấn đề đơn giản thường gặp; ứng xử thích hợp liên quan đến sức khoẻ, sự an toàn của bản thân và những người xung quanh; bảo vệ môi trường sống.
Chú trọng thực hiện nội dung giáo dục thông qua các trò chơi, các hoạt động đóng vai, trao đổi, thảo luận, thực hành, tìm tòi, điều tra đơn giản, từ đó, tăng kỹ năng hợp tác, giao tiếp, tự tin trong việc phát biểu các ý tưởng, trình bày các sản phẩm học tập.
Ảnh minh họa.
Đánh giá kết quả giáo dục
Để đánh giá được năng lực học sinh, giáo viên cần lưu ý không chỉ đánh giá việc hiểu biết kiến thức, mà cần quan tâm đến việc đánh giá các kỹ năng, thái độ của học sinh trong học tập môn Tự nhiên và xã hội.
Việc đánh giá sử dụng nhiều công cụ khác nhau như câu hỏi, bài tập, biểu mẫu quan sát, bài thực hành, dự án học tập, sản phẩm,...
Các hình thức đánh giá gồm đánh giá của giáo viên, tự đánh giá của học sinh, đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh. Qua các hoạt động đánh giá, học sinh có cơ hội phát triển năng lực tư duy phản biện, năng lực giao tiếp, hợp tác.
Đánh giá tổng kết môn học được thực hiện sau khi học xong các chủ đề về xã hội (Gia đình, Trường học, Cộng đồng địa phương) và các chủ đề về tự nhiên (Thực vật và động vật, Con người và sức khoẻ, Trái Đất và bầu trời) với mục đích xác định xem học sinh đã học được những gì.
Kết quả đánh giá tổng kết môn Tự nhiên và xã hội là những nhận xét cụ thể của giáo viên về việc học sinh đạt được hay chưa đạt được những yêu cầu đã được nêu trong chương trình môn học.
Hệ thống kiến thức cơ bản của môn Tự nhiên và xã hội mới chủ yếu được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc (giữ lại những kiến thức căn bản cốt lõi, tinh giảm những kiến thức khó, không phù hợp,…).
Thêm vào đó, đa số các giáo viên dạy môn Tự nhiên và xã hội ở tiểu học đã được tiếp cận và thực hiện đổi mới phương pháp dạy học môn học ở trên lớp. Đó là thuận lợi cơ bản để hầu hết giáo viên trong cả nước có thể dạy được môn học.
Tự nhiên và xã hội là môn học về thiên nhiên, con người và xã hội gần gũi xung quanh. Do đó, giáo viên có thể khai thác vốn sống của học sinh ở các mức độ khác nhau giúp các em tham gia vào bài học và từng bước áp dụng được những kiến thức đã học vào cuộc sống. Giáo viên có thể khai thác điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương để tổ chức cho học sinh ở mọi vùng miền của đất nước được học tập thông qua chính cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng của mình.
Chương trình môn Tự nhiên và xã hội là chương trình mở, cho phép giáo viên được lựa chọn đối tượng học tập sẵn có ở địa phương để dạy học nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chương trình. Ngoài ra, chương trình mở còn cho phép giáo viên có thể thay đổi thứ tự các chủ đề học tập, đặt ra các tiêu đề bài học trong mỗi chủ đề, xác định thời gian và điều chỉnh thời lượng học tập cho mỗi chủ đề cho phù hợp với thực tế địa phương, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị của nhà trường.