Giàn khoan Hải Dương 981 khác biệt với Damiansky

29/05/2014 11:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhìn một cách tổng quát, mưu đồ và những biện pháp thực tế xâm lấn của Trung Quốc ở Liên Xô (cũ) không có gì khác nhiều so với những hành động họ đã và đang làm ở Việt Nam.

Những nhà nghiên cứu về chính trị trên toàn thế giới đều biết, có lẽ chỉ duy nhất "chuyên gia chính trị" D.Kozyrev - Hãng Thông tấn Nước Nga ngày nay là không biết hay cố tình không biết.

Xin nêu tiếp một so sánh nữa, liên quan đến hai thí dụ cụ thể: Vấn đề Giàn khoan 981 (ngày nay) trên biển Đông và vấn đề đảo Damiansky (1969-1991).

Vấn đề giàn khoan Hải Dương -981 - vụ việc đang là tâm điểm của sự chú ý của quốc tế, diễn ra từ ngày 1/5/2014, khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào sâu 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam với mục đích được Trung Quốc công khai tuyên bố là thăm dò và khai thác dầu khí. Ngay từ những ngày đầu tháng 5 và liên tục cho tới nay, Việt Nam liên tục phản đối hành vi  xâm phạm chủ quyền một cách trắng trợn từ phía Trung Quốc và yêu cầu họ rút dàn khoan về nước. Về phía mình, Trung Quốc không những không rút giàn khoan, mà họ đưa hàng trăm tàu các loại tới bảo vệ giàn khoan, tăng cường các cuộc đâm húc, phun vòi rồng ngăn các các tàu Việt Nam tới tuyên truyền xua đuổi giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Họ lớn tiếng vu khống lại Việt Nam “cản trở” tàu thuyền của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển của họ. Lập luận cho luận điệu này, họ đưa ra chứng cứ cho rằng, vị trí đặt giàn khoan cách đảo Tri Tôn 17 hải lý, trong khi cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, điều đã được nhà bình luận chính trị Kozyrev "thừa nhận".

Có một điều mà ai cũng thấy, chỉ trừ nhà nghiên cứu Đông Phương Kozyrev không thấy. Đó là, đảo Tri Tôn cũng chính là một trong những đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng đoạt từ tay chính quyền Sài Gòn một cách bất hợp pháp năm 1974. Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo bị chiếm đoạt này. Mặt khác, theo những thông tin chính thức được Việt Nam phát mấy ngày qua, đảo Tri Tôn vốn là một đảo cát không người ở, mà theo những quy định quốc tế, chỉ có thể có vùng đặc quyền kinh tế dưới 12 hải lý.

Vấn đề giàn khoan Trung Quốc ở biển Đông hiện còn đang tiếp diễn.

Giàn khoan Hải Dương 981 khác biệt với Damiansky

Vụ xung đột ngày 2/3/1969 ở đảo Damanski

Vấn đề đảo Damiansky (1969-1991) - Đảo Damiansky (Trung Quốc gọi là đảo Trân Bảo) vốn thuộc huyện Pozharsky vùng Primorsky, nằm  trên dòng chính của sông Ussuri, một nhánh của sông Amur - Hắc Long Giang, trên đường biên giới Xô - Trung. Kích thước của nó khoảng 1500-1800m theo hướng Bắc - Nam và 600-700m theo hướng Đông - Tây. Đảo hầu như bị chìm khi mùa nước lên.

 

Theo tài liệu của Liên Xô, từ đầu những năm 1960, dân thường và nhân viên quân sự Trung Quốc bắt đầu vi phạm có hệ thống chế độ biên giới. Thoạt đầu, người dân Trung Quốc thâm nhập vào lãnh thổ Liên Xô nhằm hoạt động kinh tế, và luôn khẳng định rằng họ hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc. Số lượng các hành động khiêu khích như vậy ngày càng tăng. Trong khi đó chính quyền Trung Quốc luôn khẳng định những vụ khiêu khích này do Liên Xô dàn dựng nhằm cản trở các hoạt động bình thường của người Trung Quốc trên lãnh thổ của mình.

 

Sáng sớm ngày 2/3/1969, lính Trung Quốc có vũ trang vượt biên giới Trung - Xô, tới án ngữ trên một số điểm cao tại bờ phía Tây đảo Damiansky. Sau khi bị lính biên phòng Nga phát hiện và bị yêu cầu rời khỏi đảo, 10 giờ 45 phút cùng ngày, lính Trung Quốc tấn công các lực lượng biên phòng Liên Xô, khởi đầu vụ xung đột vũ trang trên biên giới Trung - Xô.

 

Cuộc xung đột biên giới Trung - Xô tại đảo Damiansky kéo dài tới ngày 15/3, sau đó dịu xuống, và chỉ được chính thức chấm dứt sau cuộc gặp ngày 11/9/1969 giữa Ngoại trưởng Liên Xô Kosygin và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại sân bay Bắc Kinh, trên đường Kosygin trở về từ cuộc tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Kết quả cuộc gặp này là thỏa thuận giữa hai bên về 3 vấn đề: 1/Giữ nguyên hiện trạng trên đảo Damiansky, 2/Cam kết không gây xung đột vũ trang, 3/ Hai bên công nhận có những vùng tranh chấp trên biên giới giữa hai nước, đồng thời cùng cam kết rút quân khỏi những vùng này đề không gây hấn lẫn nhau.

 

Theo một số trang mạng Nga, thỏa thuận liên quan đến việc giữ nguyên hiện trạng đồng nghĩa với việc phần lớn đảo Damiansky do Trung Quốc nắm giữ phần lớn từ tháng 9/1969, mặc dù mãi tới sau Hiệp định giữa Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về đường biên giới quốc gia Xô - Trung tại phần phía Đông, ký ngày 6/5/1991, toàn bộ đảo Damiansky mới chính thức được chuyển giao cho Trung Quốc. Cho tới nay, trong dư luận Nga vẫn không ngừng nổi cộm vấn đề này.

 

Mặc dù hai sự kiện nêu trên diễn ra trong những thời điểm khác nhau và ở những nơi rất xa nhau, chẳng cần đến trình độ của một bình luận viên chính trị hoặc một nhà nghiên cứu Phương Đông, người ta cũng dễ dàng nhận thấy có một mô hình chung giống nhau trong cách ứng xử của Trung Quốc ở cả hai trường hợp nêu trên. Đó là, bắt đầu từ cái gọi là “thu hồi lại những vùng đất bị mất” hoặc “khẳng định chủ quyền” vô căn cứ, tiếp đến những hành động vi phạm biên giới từ nhỏ đến lớn, rồi cuối cùng dẫn tới xung đột, và tìm cách chiếm hữu.

 

Tuy nhiên, cái khác ở đây và chắc chắn sẽ khác, đó là với cuộc đấu tranh cương quyết và khôn khéo của người Việt, với sự ủng hộ của những người thực sự coi trọng công lý và tự do trên thế giới, kết cục của vấn đề biển Đông sẽ không giống với số phận của đảo Damiansky.

 

Ai cũng biết rằng, Nga và Trung Quốc vừa ký thỏa thuận khí đốt trị giá tới 400 tỉ USD, đánh dấu sự xoay trục của ngành khí đốt Nga sang châu Á trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine đang lên cao. Bài viết bất chấp sự thật lịch sử trên đây của Kozyrev cũng chỉ là miệng lưỡi gian thương, nhằm làm đẹp lòng khách hàng trước mắt mà thôi. Vì thế, nó không chỉ làm người Việt phẫn nộ mà chắc chắn tất cả người Nga - những ai có lương tri, tôn trọng sự thật cũng sẽ phải xấu hổ trước biểu hiện “kỳ nhông đổi màu này”…

 

Tiến sỹ sử học Lê Trung Dũng (Viện Sử học Việt Nam)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giàn khoan Hải Dương 981 khác biệt với Damiansky