Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Bị cáo có tội hay không có tội?

Mai Thoa- Mạnh Hùng| 04/05/2020 15:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ án Hồ Duy Hải kéo dài 12 năm nhưng đến nay chưa thi hành được do còn nhiều quan điểm khác nhau xung quanh bản án tử hình. Hiện, có rất nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ án.

VKSNDTC đã tiến hành kháng nghị giám đốc thẩm và ngày 6/5 tới đây sẽ bắt đầu diễn ra phiên xử bị cáo Hồ Duy Hải. Báo Công lý sẽ thông tin cụ thể diễn biến vụ án đã xét xử và phiên tòa tới đây.

Bài 1: Bản án sơ thẩm, phúc thẩm: Bị cáo phạm tội “Giết người”, “Cướp tài sản”

Ngày 01/10/20028, bị cáo Hồ Duy Hải (SN 1985, trú tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị VKSND tỉnh Long An truy tố về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Bị hại trong vụ án gồm: Nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng (SN 1985) và Nguyễn Thị Thu Vân (SN 1987), cùng là nhân viên Bưu điện Cầu Voi và đều bị sát hại.

Diễn biến vụ án và phiên tòa sơ thẩm

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Long An, khoảng 20 giờ ngày 13/1/2008, bị cáo Hồ Duy Hải điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 62F5-0842 chạy đến Bưu điện Cầu Voi thuộc khu vực ấp 7, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa gặp chị Nguyễn Thị Thu Vân, Nguyễn Thị Ánh Hồng để nói chuyện.

Đến giờ Bưu điện nghỉ, Hải đưa tiền cho chị Vân đi mua trái cây về ăn. Khi đó, Hải nảy sinh ý định “quan hệ” với chị Hồng nên đã nắm tay, kéo chị Hồng vào buồng. Tuy nhiên, chị Hồng phản ứng, dùng chân đạp vào bụng Hải, rồi chạy ra phía sau cầu thang. Khi đuổi kịp chị Hồng, Hải kéo tay nạn nhân, xô vào góc tường gần chân cầu thang và đẩy chị Hồng ngã xuống sàn gạch rồi lấy thớt tròn đập vào vùng mặt và đầu, làm chị Hồng bị ngất.

Sau đó, Hải dùng dao inox cắt qua cắt lại 2 cái vào cổ chị Hồng. Thấy chị Hồng nằm im, Hải đi vòng ra khu vực phía sau phòng vệ sinh rửa dao và tay cho sạch máu rồi dắt dao vào lưng quần phía trước bụng và đi vào nhà thì thấy chị Vân đi mua trái cây về.

Khi nhìn thấy chị Hồng bị cắt cổ chết, do sợ hãi nên chị Vân chạy ngược trở lại phòng khách thì Hải cầm ghế xếp inox đánh vào đầu làm chị Vân gục ngã xuống nền gạch rồi kéo chị Vân đến chỗ xác chị Hồng, lấy dao đã thủ sẵn trong người cắt cổ chị Vân từ 2 - 3 cái.

Do máu bắn vào tay và áo nên Hải ra phòng vệ sinh rửa tay, rửa dao và đi lên nhà bỏ dao vào tấm bảng lớn để sát vách tường gần cầu thang. Sau đó, Hải trở lên phòng giao dịch mở tủ lấy tiền, tài sản của chị Hồng, Vân gồm sim thẻ điện thoại, nữ trang bằng vàng,.. mục đích là để bán lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Sau khi gây án, Hải leo qua hàng rào ngăn giữa sân sau và sân trước, lấy xe rồi chạy về hướng nhà dì ruột. Sau đó, Hải tắm giặt quần áo, lấy số nữ trang rửa sạch rồi bọc nilong cất đi. Ngày 18/1/2008, Hải lấy số nữ trang, sim điện thoại lên TP.HCM bán. Khoảng 1 tuần sau, sợ bị phát hiện nên Hải lấy quần áo đã mặc hôm gây án và dây thắt lưng ra đốt ở sau vườn nhà dì ruột…

Phòng giám định Pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An kết luận: “Nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân tử vong do vết thương hở làm đứt ngang vùng cổ phía trước gây choáng chấn thương, mất máu cấp và máu tụ dưới da đầu…”.

Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Bị cáo có tội hay không có tội?

Bưu điện Cầu Voi nơi xảy ra vụ án. Ảnh Dân trí

Ngày 01/12/2008, TAND tỉnh Long An đưa vụ án ra xét xử, HĐXX gồm có hai Thẩm phán là ông Lê Quang Hùng (chủ tọa) và ông Nguyễn Hòa Bình, hai Hội thẩm thân dân, Luật sư tham gia bào chữa cho Hồ Duy Hải.

Trước Tòa, Hồ Duy Hải thừa nhận do muốn quan hệ sinh lý với Nguyễn Thị Ánh Hồng, nhưng bị Hồng đạp vào bụng bỏ chạy nên đuổi theo giật ngã dưới khu vực nhà bếp, dùng thớt tròn đập vào đầu nạn nhân bất tỉnh, sau đó dùng dao Thái Lan cắt cổ làm chị Hồng chết. Sau đó chị Nguyễn Thị Thu Vân về, do lo sợ bị phát hiện nên Hải dùng ghế đánh vào đầu chị Vân và kéo chị Vân vào chỗ Hồng rồi dùng dao cắt cổ nạn nhân chết. Hải cũng thừa nhận sau đó trở lên phòng giao dịch lấy tiền, sim thẻ điện thoại và các nữ trang bằng vàng của nạn nhân bán lấy tiền…

Bản án sơ thẩm nhận định: hành vi trái pháp luật của bị cáo Hồ Duy Hải gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì cá cược bóng đá thua hết tiền đã giết chết cùng một lúc hai mạng người để chiếm đoạt tài sản.

Khi nghị án, HĐXX  có xem xét việc Hồ Duy Hải đã thật thà khai nhận, ăn năn hối cải, gia đình khắc phục một phần hậu quả, gia đình có bà được tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, có ông được tặng Huân chương kháng chiến. Nhưng với những tình tiết giảm nhẹ này so với hành vi, hậu quả của vụ án không thể không áp dụng hình phạt cao nhất với bị cáo.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 97/2008/HSST ngày 1/12/2008, TAND tỉnh Long An đã quyết định tuyên phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội “Giết người” và 05 năm tù về tội ‘Cướp tài sản”; tổng hợp hình phạt hai tội là tử hình.

Sau  phiên tòa sơ thẩm, ngày 05/01/2008, Hồ Duy Hải có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Đến phiên tòa phúc thẩm

Do có đơn kháng cáo nên ngày 28/4/2009, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh tiến hành xét xử phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải. Phiên tòa được xét xử công khai với thành phần HĐXX gồm: Thẩm phán Huỳnh Lập Thành (chủ tọa ), hai Thẩm phán là bà Huỳnh Thị Minh Thơ và ông Ngô Anh Dũng. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là ông Trần Ngọc Lẫm.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/4/2009, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.Hồ Chí Minh không chấp nhận kháng cáo của Hồ Duy Hải, giữ nguyên các quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm, tuyên phạt Hồ Duy Hải mức án tử hình.

Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Bị cáo có tội hay không có tội?

Bị cáo Hồ Duy Hải tại phiên tòa phúc thẩm – Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ

Trước khi đưa ra quyết định này, qua quá trình thẩm vấn, xét hỏi tại Tòa, HĐXX đã nhận định: mặc dù qua điều tra không thu giữ được vật chứng gồm thớt tròn, dao Thái Lan là hung khí đập vào đầu, cắt cổ các nạn nhân, song những cung khai của Hồ Duy Hải đều phù hợp với bản ảnh hiện trường có con gấu nhồi bông, bịch trái cây, tấm nệm, thớt gỗ tròn, ghế inốc…; có việc bị cáo đốt quần áo, dây thắt lưng ở vườn sau nhà chị Len…;

Các nhân chứng Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Váng là các đội viên dân phòng được Bưu cục Cầu Voi thuê dọn dẹp hiện trường sau khi khám nghiệm thu con dao Thái Lan kẹp đằng sau tấm bảng sau đó có báo cáo công an nhưng do dao không dính máu nên không thu giữ. Những người này đã dùng dao cạo vết máu khô trên nền gạch sau đó đã đem đốt cùng với các vật dụng khác, phù hợp với cung khai của bị cáo rằng sau khi gây án đã rửa sạch dao rồi đem lên để ở khe bảng.

Bị cáo Hồ Duy Hải còn khai nhận chỉ đến Bưu cục Cầu Voi vài lần và ở ngoài quầy lấy báo, chưa bao giờ vào bên trong bưu cục bao giờ, nhưng quá trình điều tra bị cáo khai rất chính xác các vật dụng để tại đây. Đặc biệt, chính bị cáo đã khai rằng sau 1 tuần sợ bị phát hiện đã đem đốt quần áo sau nhà chị Len.

Ngoài ra, các cung khai và bản tự khai của bị cáo còn phù hợp với các biên bản nhận dạng về hung khí, về các tài sản đã chiếm đoạt của nạn nhân, về các địa điểm mà bị cáo đến sau khi gây án.

Đặc biệt, có hơn 20 bản cung, bản tự khai cũng như tại phiên tòa sơ thẩm Hải đều thừa nhận mình chính là thủ phạm gây ra cái chết của chị Hồng và chị Vân. Ngay cả các bản tự khai có Luật sư, có đại diện Viện Kiểm sát tham gia, bị cáo đều xác định và mô tả tỉ mỉ hành vi giết người của mình.

HĐXX cũng nhận định: Cho dù quá trình điều tra có những thiếu sót về tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng nhưng không nghiêm trọng. HĐXX phúc thẩm đánh giá toàn bộ các chứng cứ và có đủ căn cứ xác định bị cáo Hồ Duy Hải là người đã giết chết chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân tại Bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An.

“Hành vi của Hồ Duy Hải là rất nguy hiểm cho xã hội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra đặc biệt nghiêm trọng, gây mất trật tự xã hội, gây đau thương cho gia đình hai nạn nhân. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải là thỏa đáng”, HĐXX phúc thẩm nhận định.

HĐXX cũng nêu rõ: Bị cáo Hồ Duy Hải có quyền làm đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày tuyên án 28/4/2009.

Bài 2: Diễn biến vụ án Hồ Duy Hải sau phiên tòa phúc thẩm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Bị cáo có tội hay không có tội?