Giảm áp lực

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn 2011-2015 đã được nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 xác định khá chi tiết.

Tuy nhiên, xét trong bối cảnh kinh tế hiện nay cũng như triển vọng của năm 2012, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mục tiêu này nên được điều chỉnh là “đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, tạo điều kiện để phát triển nhanh hơn vào nửa cuối của kế hoạch 5 năm”. Hai “kịch bản” kinh tế cho giai đoạn phát triển mới được đưa ra. Kịch bản thứ nhất là vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu phát triển, với tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt bình quân 7-7,5% trong 5 năm tới. Kịch bản thứ hai, mức tăng trưởng cho 5 năm tới được đề xuất là 6,5-7% mỗi năm, thấp hơn trung bình 0,5% so với Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 11.

Công nhân Công ty da giày đang sản xuất giày xuất khẩu. Ảnh: Duy Lân

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Mức tăng trưởng GDP của năm 2011 được dự báo là vào khoảng 6%, trong khi năm 2012 được dự báo đạt khoảng 6,5%. Nếu thực hiện theo mục tiêu cũ sẽ gây áp lực lớn đến các năm còn lại. Mặt khác, Chính phủ phải tiếp tục bỏ ra một lượng vốn lớn để kích thích tăng trưởng và bài học trong các năm qua cho thấy việc chuyển liên tục từ chính sách thắt chặt sang chính sách nới lỏng sẽ dẫn đến những tác động xấu, gây bất ổn tới kinh tế vĩ mô và thúc đẩy lạm phát tăng cao.


Có ý kiến cho rằng, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề tăng trưởng là bao nhiêu phần trăm. Cái chính là giải quyết các bất ổn vĩ mô và hướng tới tăng trưởng bền vững. Có như vậy thì chúng ta mới tự đi trên chính đôi chân của mình. Thời gian qua, những nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đã được đề ra từ trước đã khiến Chính phủ chịu nhiều áp lực trong điều hành kinh tế. Nay, khi giai đoạn 5 năm 2011-2015 mới đi qua được 1 năm, việc điều chỉnh sớm các mục tiêu có thể giúp giảm đáng kể áp lực này. Hơn nữa, việc điều chỉnh này được coi là phù hợp với diễn biến của nền kinh tế trong nước cũng như tình hình kinh tế thế giới hiện nay. Vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế cũng phải được đặc biệt nhấn mạnh, sau khi ổn định kinh tế vĩ mô phải chú trọng vấn đề tái cấu trúc, bởi chỉ thực hiện tốt điều này mới tạo nền tảng vững chắc trước mọi thay đổi của môi trường quốc tế.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm áp lực