Văn hóa “soái ca” và cái chết của Cừu Dolly

Nhật Minh| 01/04/2016 06:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ trào lưu soái ca, rất nhiều "soái ca" khác đã được nhân bản, từ soái ca bán bánh bò, soái ca phục vụ đến... soái ca quân nhân...

Ngôn tình có lẽ là một trong những làn sóng “hot” nhất năm 2015. Ở đó, các nhân vật nam chính chính là Mr. Perfect hay Mr. Right mà tất thảy chị em đều mơ ước, kiếm tìm. Đẹp trai, lãng tử, hào hoa, chung tình, cưng chiều và yêu thương người yêu… vô đối. Anh chính là “soái ca”!

Từ soái ca tới Hậu duệ Mặt Trời

Soái ca có sức lan tỏa và sức sống có thể nói là khá dài so với các trào lưu khác. Khác với hot boy, đối tượng dành riêng cho giới trẻ, soái ca chính là chàng hoàng tử cưỡi bạch mã mà từ lứa tuổi ẩm ương cho đến các chị, các cô, thậm chí cả U60 cũng vẫn “phát cuồng” và ngày đêm mộng tưởng. Từ bàn tiệc trong nhà hàng, khách sạn đến quán trà đá; từ khu ký túc xá với các nữ sinh mơ mộng cho đến quầy hàng khô, chị bán rau, cô bán thịt… đâu đâu cũng… soái ca. Hễ ra đường là bắt gặp… soái ca!

Soái ca từ ngôn tình bước qua nhiều lãnh địa khác nhau. Từ soái ca trường võ, đến soái ca bán bánh bò, soái ca bán bánh mì, soái ca bưng café… và mới đây nhất là soái ca quân nhân - Đại úy Yoo trong siêu phẩm truyền hình Hàn Quốc Hậu duệ  Mặt Trời đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Đến nỗi cứ mở facebook là gặp… Đại úy Yoo.

Văn hóa “soái ca” và cái chết của Cừu Dolly

Soái ca chung tình

Cách đây vài năm, teen Việt từng phát sốt với trào lưu mangaanime có xuất xứ từ xứ sở hoa Anh Đào. Theo đó, các bạn trẻ hào hứng thử nghiệm dòng thời trang Kawaii, học tiếng Nhật, học văn hóa Nhật, tìm hiểu về trà đạo và các món ăn Nhật... và thậm chí lựa chọn Nhật Bản là điểm đến du lịch và du học.

Chia sẻ trên Dân Việt, nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền cho biết: “Bản thân tôi là một quân nhân, khi khoác lên mình bộ trang phục Quân đội nhân dân Việt Nam, cách nói chuyện, tác phong và cư xử của tôi cũng phải khác khi mặc thường phục. Bộ quân phục cũng là đại diện cho một phần quốc thể, không thể khoác lên tuỳ tiện như một chuyện vui đùa được”.

Thời điểm hiện tại, làn sóng Hàn Quốc thông qua K-pop và phim truyền hình lại làm mưa làm gió ở nhiều nước châu Á, trong đó không thể thiếu Việt Nam. Từ thời trang, ẩm thực, ngôn ngữ đến các nhóm nhạc, ca sĩ, diễn viên… tất cả được các bạn trẻ Việt quan tâm. Nhiều bậc phụ huynh đã từng kêu lên rằng, nó mê “thần tượng” đến nỗi không ăn, không ngủ, bớt tiền mua vé mỗi khi thần tượng đến Việt Nam v.v… và v.vv… 

Ăn theo cơn sốt Hậu duệ Mặt Trời, nhiều cặp đôi quyết định chụp ảnh cưới với trang phục như hai nhân vật chính trong phim. Một số gia đình thì đầu tư lưu giữ “khoảnh khắc Đại úy Yoo” cho các quý tử mới ở độ tuổi mẫu giáo. Gần đây, trên facebook còn xuất hiện ngập tràn hình ảnh các sao trẻ V-biz với bộ quân phục Hàn Quốc từ một ứng dụng có thể cài đặt và sử dụng dễ dàng. Hiệu ứng này tương tự như thời điểm bộ phim Võ Tắc Thiên gây sốt trên truyền hình.

Văn hóa “soái ca” và cái chết của Cừu Dolly

Hai nhân vật chính trong bộ phim Hậu duệ Mặt Trời của Hàn Quốc

Đừng làm Cừu Dolly!

Trong xu thế toàn cầu hóa, với sự tiếp sức của công nghệ thông tin, một, hai giây có thể thay đổi vận mệnh một con người, thậm chí cả một quốc gia, một dân tộc, có lẽ cũng khó mà “thuần” và “mộc” được mãi. Hơn nữa, xã hội luôn vận động không ngừng, mong ước chung của loài người là phát triển, tiến lên, chúng ta cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, khi quá trình cộng cư hòa nhập diễn ra thì hiện tượng giao lưu và tiếp biến văn hóa cũng là lẽ thường.

Sức trẻ cộng với việc thích khám phá những điều mới lạ đã khiến cho giới trẻ Việt luôn nhạy bén trong việc bắt kịp các trào lưu đang thịnh hành trên thế giới. Thế nhưng, như lý giải của TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển Việt Nam, “khi khát vọng ấy chưa được thỏa mãn và thiếu sự định hướng thì các bạn trẻ sẽ tìm đến những cái gì dễ nhất và mình thích nhất, thậm chí là có phần phá phách và thách thức”. Chẳng thế mà, trước và cùng thời điểm soái ca nở rộ, giới trẻ từng chạy theo những trào lưu độc và dị như chụp ảnh quái đản, hotboy giả gái, nuôi thú độc, đội quần lót lên đầu...

Cũng như quy luật của thời trang, trào lưu soái ca rồi sẽ hạ nhiệt và qua đi. Thế nhưng, giới trẻ Việt Nam sẽ lại có cơ hội tiếp nhận những trào lưu mới. Trong khi đó, chúng ta luôn kêu gọi giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Nhưng như GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm đã viết: “Một môn học về văn hóa dân tộc với mấy chục tiết trong nhà trường chỉ là những hạt mưa, trong khi thông tin ngoài xã hội hàng ngày là những cơn lũ”. Khi mà từ mạng xã hội đến các phương tiện thông tin đại chúng chính thống có, phi chính thống có, đều ra rả tin tức về đời tư sao xẹt với những scandal động trời, những vụ án có tình tiết giật gân, bạo lực… thì ai sẽ xem chèo, tuồng, múa rối nước, cải lương - loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam được bạn bè quốc tế hết lời ca ngợi…

Tuổi thọ của một trào lưu cũng có thể được ví như tuổi thọ của con Cừu Dolly. Thế nhưng, sự “nhân bản” của công chúng ăn theo các trào lưu chắc chắn sẽ để lại những hệ quả khó lường. 

Văn hóa “soái ca” và cái chết của Cừu Dolly

Xác nhồi bông của Dolly được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Scotland.

Cái chết của Cừu Dolly

Ngày 5/7/1996, nhóm các nhà khoa học ở Viện Roslin (Edinburgh, Scotland) tuyên bố nhân bản vô tính thành công một loài động vật có vú: Cừu Dolly. Thông tin này gây ra một cơn địa chấn trong giới khoa học và toàn thế giới.

Thế nhưng, trước Dolly đã có 300 “quái vật nhân bản” được tạo ra. Và vì vậy, mặc dù được coi như biểu tượng của nền khoa học thế kỷ XXI, nhưng sự ra đời của Cừu Dolly lại khiến nhiều nhà di truyền học lo ngại, công nghệ nhân bản vô tính có thể sẽ bị lạm dụng trên người.

Dolly có tổng cộng có 6 đứa con. Tuy nhiên, vào ngày 14/2/2003, Dolly đã trải qua “cái chết êm ái” bằng một mũi tiêm gây chết không đau nhằm thoát khỏi bệnh phổi đang trở nên trầm trọng. Và thực tế là, tuổi thọ của Dolly ít hơn tuổi thọ thông thường của một con cừu giống Finn Dorest từ 5 - 8 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa “soái ca” và cái chết của Cừu Dolly