Hoàng lớn lên ở xóm Búi Thông - Ba Trại - Ba Vì. Cái xóm lắt lẻo vài nóc nhà khai hoang, sống bằng nghề trồng chè, và có ba cây thông to đại ở ngay đầu lối vào xóm.

Cách đây không lâu, tôi từng đọc một bài phỏng vấn Đỗ Doãn Hoàng, trong đó Hoàng trả lời đại ý: Với nghề báo thì anh tin là nghề chọn anh, còn văn chương thì không. Tôi thấy câu trả lời đó chưa thật chính xác, nhất là sau khi đọc Búi Thông thơ dại - một cuốn sách có thể coi là tự truyện, mặc dù ở phần thể loại có ghi là “truyện dài” - trong series 3 cuốn sách Hoàng vừa xuất bản, nhân dịp kỉ niệm 25 năm cầm bút của anh.

Hoàng lớn lên ở xóm Búi Thông - Ba Trại - Ba Vì. Cái xóm lắt lẻo vài nóc nhà khai hoang, sống bằng nghề trồng chè, và có ba cây thông to đại ở ngay đầu lối vào xóm. Hoàng phải sớm xoay sở lo toan trong một gia đình mà bố và anh thì ở Sơn Tây chăm ông nội đã già yếu, Hoàng với hai em sống cùng mẹ và bà ngoại ở Búi Thông. Trên trang đầu tiên của cuốn sách, Hoàng viết “Giờ bà đã mất, những dòng này xin kính tặng Mẹ và gửi hai đứa em”. Bạn đọc có lẽ sẽ hầu như bỏ qua câu “ghi chú” này. Phải đọc cho đến hết, đến tận dòng cuối cùng, thì mới có thể hiểu tại sao Hoàng lại viết câu ấy ở ngay đầu cuốn sách.

Vạn dặm từ xóm Búi Thông

Bà ngoại của Hoàng, người bà mà tôi tin rằng bất kì nhà văn nào khi đọc những dòng Hoàng viết đều có một mơ ước - mơ ước có người bà ấy. Một nhân vật văn học sống động tuyệt vời, với những chi tiết xuất sắc mà không một trí tưởng tượng hay khả năng hư cấu nào có thể có được. Phần lớn dung lượng cuốn sách Hoàng dành để viết về bà ngoại. Sau này, khi sách đã in ra, Hoàng nói, mẹ anh không thể nào đọc nổi quá trang thứ 2 vì luôn phải dừng lại để khóc. Bà ngoại Hoàng dành cả đời cho những luống chè. Những luống chè miên man, đẹp đẽ, chạy dài hun hút, luôn nuốt chửng vóc dáng nhỏ bé của bà, và của cậu bé Hoàng mới mười tuổi. Bà trồng chè, chăm chè, hái chè, sao chè, vò chè, bao nhiêu yêu thương của bà dành cho đồi chè, thực ra là bấy nhiêu yêu thương lo toan bận tâm cho từng bữa cơm của năm mẹ con bà cháu trong căn nhà nhỏ lưng chừng đồi ấy. Và cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời lam lũ, bà cũng gục xuống giữa những luống chè. Viết đến đây, tôi phải dừng lại vì nhớ đến những dòng Hoàng viết, nó gợi một nỗi xúc động đến gai người: “Tôi lay gọi bà, bà vẫn lặng yên. Búp chè xổ ra, mái tóc úa bạc hoe hoe đuôi ngựa của bà cũng xổ ra. Dưới gốc chè không còn nắng, đất đồi chỗ này bỗng dưng đen và xốp, ẩm ướt lành lạnh. Tôi rùng mình nhận ra rằng, cuối cùng thì bà cũng đã không đi hết được những đồi chè miên man của phận mình…”

Tuổi thơ của Hoàng có một lần chết hụt ở chằm Trâm, một lần chui tọt qua cống nước Bài Văn và cũng suýt nữa đi làm thư ký cho thuỷ thần, một lần leo lên mái nhà giập những tàn lửa đỏ ối do người Mán đốt nương theo gió bay về, và rơi đánh bụp qua mái tranh đã khô ròn, mục nát vì lâu năm, cũng suýt chết. Tuổi thơ Hoàng còn có những trận trêu chọc tổ ong kinh thiên động địa, những đêm thức đuổi trộm vào bắt gà, những buổi chiều tà dùng hết sức bình sinh đấm bụng cho bà ngoại đỡ cơn đau dạ dày, những đêm dúi đầu vào đám lá chuối khô cho muỗi nó khỏi khiêng đi…

Hoàng đã lớn lên trong cái cuộc sống bần hàn nhưng vô cùng sinh động ấy. Hoàng đã hồn nhiên sống, hồn nhiêu mến yêu cuộc đời, hồn nhiên chấp nhận mọi rủi ro, mất mát, hao khuyết.

Một ngày, Hoàng rời khỏi xóm Búi Thông. Một ngày, Hoàng “vừa khóc vừa đạp xe như bay giữa mưa dở sương mù lạnh quánh” từ Sơn Tây về Búi Thông, Phúc Thọ, để báo tin cho các ông bà trên đấy rằng bà Hoàng đã đi rồi. Ngày ba mươi tết, bà ngoại Hoàng từ biệt thế gian, từ biệt vui buồn, từ biệt mối âu lo về mấy chỉ vàng - toàn bộ của nả của cả cuộc đời lam lũ - sẽ rơi vào tay ai đó. Ngày ba mươi tết, lệ làng không cho mang người chết qua cửa đình. Phải đục cửa sau để đưa bà ra đồng. Cái người sống đã khổ tận khổ, chết cũng vẫn phải chịu khổ nốt một lần cuối cùng, có lẽ, sau đấy ông trời sẽ bù cho bà được mãi ngậm cười nơi nao.

Và một ngày, bắt đầu những năm tháng rong ruổi miên man mê mải, Hoàng rời khỏi Đường Lâm.

Trong ba cuốn sách cùng ra mắt lần này, cuốn đã lấy đi nhiều sức lực, trí lực của Hoàng nhất, chính là Trong tận cùng hang ổ. Có ai đó từng nói, phóng sự điều tra là “cỗ trọng pháo” của báo chí. Một thể loại đòi hỏi người làm nghề  phải có tổng hợp các yếu tố: sắc sảo, kinh nghiệm, bản lĩnh, dũng cảm, thông thái, tri thức, kĩ năng, trang thiết bị, ekip; phải là nhiều trong một: nhà báo, cảnh sát điều tra, luật sư, quan tòa, thám tử… Nhưng trên hết, vượt lên tất cả, là thái độ, trách nhiệm của một công dân chân chính. Sau nhiều năm làm báo, làm phóng viên văn hoá - văn nghệ, Hoàng nhận ra sức hút mãnh liệt của thể loại phóng sự điều tra. Tôi đồ rằng, Hoàng lao vào con đường chông gai này không phải vì anh muốn nổi tiếng, mà vì nó… đầy thách thức. Vượt qua những thách thức, để làm được những điều có ích, nỗ lực chứng minh sự tác động tích cực của báo chí tới đời sống xã hội. Đôi khi Hoàng tự trào rằng mình có thể ảo tưởng chăng, nhưng cũng ngay sau đó lại lập tức tin rằng mình không ảo tưởng... Và để chứng minh đó không phải là ảo tưởng, chỉ có một cách duy nhất, là lao thẳng vào các “hang ổ”… Có những vệt bài mà phải đến khi anh tập hợp lại, in vào trong cuốn sách này, bạn đọc mới biết đó là những bài điều tra của Đỗ Doãn Hoàng. Trước đó, khi in báo và gây ồn ào trong dư luận, anh chỉ dùng bút danh.

Vạn dặm từ xóm Búi Thông

Hoàng có bao giờ sợ hãi không? Tôi tin là có. Chỉ có kẻ mù quáng ngu dốt mới không biết sợ hãi trước những điều cần phải sợ hãi. Nhưng sợ hãi không đồng nghĩa với nhụt chí, mà nó buộc anh phải tìm ra một lối đi khôn ngoan, an toàn hơn mà vẫn tới đích.

Cách đây không lâu, cộng đồng được một phen rùng mình khi cả loạt đối tượng người nước ngoài bị đưa ra toà vì tội lạm dụng tình dục trẻ em nam. Hàng chục bài viết liên tục xuất hiện trên báo Lao Động, và Đỗ Doãn Hoàng là tác giả. Đấy là một trong những vụ việc mà Hoàng và đồng nghiệp, cùng các luật sư đã theo đuổi cả chục năm trời. Thực phẩm bẩn, rượu giả, sử dụng chất thải y tế vào sản xuất hàng tiêu dùng “thả” vào miệng đồng loại, những cánh rừng kêu cứu, tàn sát và buôn bán rùa biển khổng lồ, minh oan cho cựu binh chịu nhiều oa khuất Nguyễn Xước Hiện để sau đó ông Hiện được phong anh hùng, đòi lại biên chế cho 80 giáo viên ở Yên Bái, xâm nhập điều tra về tàn phá rừng ở Cao Bằng khiến Văn phòng Thủ tướng phải khẩn cấp chỉ đạo điều tra… Đấy mới chỉ là một số ít trong số rất nhiều vụ việc mà Hoàng theo đuổi trong những năm qua, được chọn in trong cuốn sách này.

Hoàng đã đi bằng cách nào để từ xóm Búi Thông trong veo trong vắt với những bình minh và chiều tà lộng lẫy, đến với những mảng tối sáng của mọi vùng đất bên ngoài ba cái gốc thông bị cháy ba ngày ba đêm mới tắt ấy? Tôi nhận ra Hoàng giống như một dòng nước. Mềm mại và quyết liệt. Thông minh và kiên nhẫn. Dữ dội và uyển chuyển. Hoàng đã đi vào cái đời sống này, bằng trái tim nhân hậu và ấm áp, bằng niềm yêu thương bất tận vào sự sống quý giá không chỉ của Hoàng mà của tất cả những người sống quanh Hoàng, trên bề mặt đất đai này.
Mười năm sau khi làm báo, Hoàng đã đi hết tất cả các tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Mười năm sau đó, Hoàng đi ra ngoài biên giới lãnh thổ. Lào, Cam Pu Chia, Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản, Indonexia, Ấn Độ, các nước châu Phi, các nước châu Âu… Số quốc gia Hoàng từng đi đã nhiều hơn số tuổi mà anh có.

Hoàng đi ra thế giới, mang theo tất cả những chất phác hồn nhiên, mở phanh mình ra và tiếp nhận tất cả mọi thứ, để tất cả mọi cơn gió có cơ hội ùa vào.

Ở lại với ngàn sao - cuốn sách này cho thấy thái độ tận hưởng của Đỗ Doãn Hoàng trong các cuộc hành trình. Mặc dù sự tận hưởng ấy có cả những đêm leo núi gần như chết cóng trong cái lạnh Bắc Âu, nhảy cồ cồ trong lều để thân nhiệt tăng lên, nhặt nhạnh vài cành cây khô hòng đun gói mì nhưng không khí loãng đến mức củi không cháy nổi; Sự tận hưởng ấy cũng có lúc là mệt lả tới suýt ngất vì thiếu oxy khi leo Tây Tạng, hay ngồi trên miệng núi lửa đầy mùi lưu huỳnh ở Indo…

Tôi thích sự mơ mộng của một chú bé trong cuốn sách này. Chính là cái chú bé mười tuổi năm nảo năm nào ở Búi Thông ngẩn ngơ về màu tím trong cơn mưa tháng ba lây phây của hoa xoan trên đồi. Hoàng đã bê nguyên cái chú bé ấy đi khắp gầm trời này. Thật là tài tình khi người ta có thể giữ tâm hồn mình trong trẻo lâu đến thế. Hoặc có lẽ là thường khi anh cất nó đi, thật sâu đâu đó.

Ai đó đã nghĩ ra cho Hoàng cái tên chương trình mà tôi cho rằng thật chính xác, thật ý nghĩa với bản thân anh, trong thời điểm này. Hành trình vạn dặm, một cái tên gợi đủ sự hăm hở, liều lĩnh, điên rồ nhưng cũng đam mê, say đắm, lãng mạn tột cùng của Đỗ Doãn Hoàng.

Đường còn dài, biết bao vùng đất còn chưa đến, và vô số những công việc bên dưới bề mặt yên bình của mảnh đất mà chúng ta đang sống đang chờ anh bước tiếp. Sống là hạnh phúc, đi là hạnh phúc, lao động sáng tạo cống hiến là hạnh phúc, Hoàng rồi sẽ tiếp tục những hạnh phúc ấy, bằng trái tim nhạy cảm của một nghệ sĩ, sự sắc sảo của một nhà báo điều tra, và tâm hồn ấm áp nhân ái trong trẻo của một đứa con đỏ xóm Búi Thông.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vạn dặm từ xóm Búi Thông