Truyện ngụ ngôn La Fontaine với trẻ em nhiều thế hệ

Hà Thu| 01/06/2017 11:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong mắt La Fontaine, xã hội loài người giống như một khu rừng, ở đó, con người, dù ngụy trang dưới hình hài con vật được nhân cách hóa, luôn mang sẵn một bản chất không ai thay đổi nổi, khôn ngoan nhất là tìm cách mà thích nghi.

Jean de La Fontaine (8?/7/1621-13/4/1695) xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp công chức tư sản tỉnh lẻ - tầng lớp cung cấp cho nước Pháp thế kỷ 17 rất đông các nhà văn nhà thơ. Người ta không biết nhiều lắm về tuổi trẻ của La Fontaine, nhưng tiếp nối ngay sau đó là thời kỳ lựa chọn sự nghiệp, mà truyện ngụ ngôn Bác chủ cối xay bột, con trai và chú lừa là minh chứng rõ rệt cho việc băn khoăn tìm một con đường đi ở chàng thanh niên La Fontaine.

Truyện ngụ ngôn La Fontaine với trẻ em nhiều thế hệ

Năm 1641, La Fontaine bắt đầu tập tu ở nhà nguyện, sau đó từ bỏ ngay vì không phù hợp, đến năm 1645 thì theo học ngành Luật, cũng từng làm ở tòa án trước khi kết hôn vào năm 1648 với Marie Héricart, con gái một thẩm phán, mà không hề có tình cảm yêu đương gì. Năm 1652, La Fontaine được giao giữ một chức vụ khiêm tốn: quản lý sông và rừng ở Château-Thierry cho triều đình. Thời gian này, vừa là tư sản tỉnh lẻ, vừa là chủ đất, La Fontaine có thể tiếp xúc gần hơn với cuộc sống dân dã; nhờ công việc, lại phải thường xuyên tiếp cận người dân, nông thôn và sông rừng, ông đã tích lũy được cho mình những kinh nghiệm có một không hai, tạo nên sức mạnh và chất riêng cho Truyện ngụ ngôn.

Đảm nhiệm chức vụ này được chừng hai mươi năm thì La Fontaine thoái lui. Ông bán cả gia sản vì nợ nần chồng chất, phần là do cung cách quản lý lỏng lẻo, phần là do tình trạng lộn xộn từ thời bố ông để lại và những thay đổi cơ cấu hành chính vào năm 1670 vốn cũng góp phần làm công việc của ông trở nên bất ổn. Chính trong hoàn cảnh ấy, ông tìm về với văn chương và phải kiếm sống bằng ngòi bút của mình vì lúc này ngay mối liên hệ với người vợ cả về tài sản lẫn tinh thần ông cũng đều không giữ được. La Fontaine trải qua những năm tháng cuối đời trong cảnh sống phụ thuộc và không có gì vẻ vang cho lắm.

Nếu Những truyện kể (1664-1665) khiến ông trở nên nổi tiếng và tiếp tục đi theo thể loại này những năm sau đó (1666, 1671, 1674, 1685), thì vinh quang đích thực chỉ đến với ông sau tập đầu của Truyện ngụ ngôn vào năm 1668 (từ quyển I đến quyển VI), hai tập tiếp theo ra đời vào các năm 1678 (quyển VII, quyển VIII) và 1679 (quyển IX, quyển X, quyển XI). Dường như ông dành rất nhiều thời gian cho thể loại này, ông bắt đầu viết từ năm 1663 và chẳng có mấy bài được biết đến trước năm 1668 bởi trong khi các nhà văn khác làm đủ thứ để đứa con tinh thần của mình được nêu tên như tổ chức các buổi đọc, cho phép sao chép, lưu chuyền, xuất bản… thì La Fontaine lại hết sức lặng lẽ, thậm chí khi đã cho công bố và đạt được thành công đáng kể, ông vẫn nhanh chóng chuyển hướng sang các thể loại khác như văn vần, kịch.

Truyện ngụ ngôn La Fontaine với trẻ em nhiều thế hệ

Về cơ bản, quá trình sáng tác Truyện ngụ ngôn của La Fontaine tuân theo các quy tắc mỹ học cổ điển, nên bản thân Truyện ngụ ngôn cũng có thiên hướng răn dạy. Đối với La Fontaine, văn chương phải hữu ích ngang tầm với giải khuây. Ông hiểu rõ rằng giải khuây là cách tốt nhất để răn dạy. Ông không chỉ nhắm vào việc răn dạy trẻ nhỏ dù tập Truyện ngụ ngôn đầu tiên ông viết được đề tặng một trong những học trò cưng của ông, Le Dauphin, con trai vua Louis XIV và hoàng hậu Marie-Thérèse.

Để có thể vừa răn dạy vừa giải khuây cùng lúc, La Fontaine đưa vào Truyện ngụ ngôn rất nhiều sáng tạo. Sáng tạo đầu tiên không mấy khi được nhắc đến nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng là sáng tạo về mặt thể loại. Trước ông, ngụ ngôn được viết dưới dạng văn vần, được coi như một dạng văn hùng biện đơn giản. La Fontaine đã gán cho ngụ ngôn một vị thế mới, vị thế thơ ca đích thực. Ông xây dựng những lối kể chuyện mềm mại nhưng sống động nhờ các đoạn đối thoại trực tiếp, những chú giải cặn kẽ về chuyển động hoặc chi tiết quang cảnh.

Đặc biệt, La Fontaine đưa vào những câu chuyện đời thường vô nhân xưng này một tông giọng đặc biệt được tạo ra từ sự có mặt của đại từ nhân xưng “tôi” vừa hiện diện khắp nơi lại như vừa ẩn mình đi để bình phẩm, đánh giá và chất vấn độc giả.

Hình thức mà La Fontaine sử dụng cho Truyện ngụ ngôn là thể thơ tự do: độ dài ngắn các câu thơ không đều nhau, vần điệu thay đổi phong phú, thoát khỏi mọi quy tắc vần luật. Trong các câu thơ của La Fontaine, không có từ ngữ nào thừa thãi, ông luôn lựa chọn rất cẩn thận để tạo nên những lối chơi chữ đầy hàm ý, sắc thái, ám chỉ và sự táo bạo kín kẽ. Truyện ngụ ngôn, ngoài phản ánh tình hình thời sự đương thời, còn mở ra sự thật bất diệt về loài người và thế giới, từ đó đề xuất một nghệ thuật sống.

Trong mắt La Fontaine, xã hội loài người giống như một khu rừng, ở đó, con người, dù ngụy trang dưới hình hài con vật được nhân cách hóa, luôn mang sẵn một bản chất không ai thay đổi nổi, khôn ngoan nhất là tìm cách mà thích nghi. Song không vì thế mà không được đòi hỏi quyền con người, quyền được thông cảm cho tất cả những gì sống, tranh đấu và đau khổ.

La Fontaine, cũng như nhiều người cùng thời với mình, luôn mơ về một thiên đường đồng quê, nhưng cũng như nhiều người sáng suốt nhất, ông nhận ra sự suy tàn của những giấc mơ quý tộc về chủ nghĩa anh hùng và lòng cao thượng, nhận ra sự lên ngôi khôn cưỡng của quyền lực và đồng tiền, nên đành ngậm ngùi chọn cách giữ gìn sức mạnh của ngôn ngữ. La Fontaine có nhiều điểm gần gũi với La Rochefoucauld, người được ông đề tặng bài Người và Bóng, nhưng ở ông, ta không nghe thấy bất cứ lời kêu ca chống đối hay lời phàn nàn thù hận nào. Thậm chí đôi khi, cái “tôi” hiện diện khắp nơi còn mang lại cảm giác u sầu buồn bã, khiến người ta mong muốn được nghỉ ngơi, rời khỏi thế giới tàn bạo này, từ bỏ mọi tham vọng và những điều mơ tưởng hão huyền.

Ở Việt Nam, ngụ ngôn của La Fontaine từ rất lâu rồi không còn là điều xa lạ. Ngay những năm đầu thế kỷ XX, chúng ta đã quen với tên tuổi và các sáng tác của ông qua bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, Đỗ Thận, Hoàng Cảnh Tuấn… và về sau này là nhiều bản dịch khác nữa, trong đó có bản dịch của Nguyễn Trinh Vực.

Với 38 bài thơ được chuyển ngữ dưới nhiều thể thơ khác nhau, vừa tạo nên cái đa dạng tự do không kém gì tinh thần từ các câu thơ gốc, vừa giữ được giá trị giải khuây đi đôi với răn dạy của ngụ ngôn La Fontaine, kèm minh họa lạ, thú vị và độc đáo của họa sĩ Mạnh Quỳnh, vẽ các nhân vật và cảnh vật từ một tác phẩm châu Âu thế kỷ XVII nhưng lại đậm nét văn hóa Việt mà không làm mất đi vẻ duyên dáng, sinh động, ngộ nghĩnh, tuyển tập Thơ ngụ ngôn La Fontaine này xứng đáng được tái bản và đón nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngụ ngôn La Fontaine với trẻ em nhiều thế hệ