Trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

Bạch Dương| 20/06/2019 06:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đến tham quan trưng bày, du khách có cơ hội thưởng lãm hơn 100 hiện vật đặc sắc, đa dạng về kiểu dáng, kích thước, chất liệu, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, có niên đại từ thời văn hóa Đông Sơn đến ngày nay.

Ngày 20/6, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai mạc trưng bày chuyên đề: “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” tại số 1, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trưng bày có sự phối hợp của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá và Trung tâm Bảo tồn di sản thành Nhà Hồ.

Đến tham quan trưng bày, du khách có cơ hội thưởng lãm hơn 100 hiện vật đặc sắc, đa dạng về kiểu dáng, kích thước, chất liệu, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, có niên đại từ thời văn hóa Đông Sơn đến ngày nay. Các hiện vật, dấu tích kiến trúc là kết quả nghiên cứu khai quật, nghiên cứu khảo cổ học về các kinh đô cổ của Việt Nam. Ngoài ra còn có các tư liệu mộc bản triều Nguyễn, đặc biệt, có hai hiện vật là trống đồng Cảnh Thịnh và ấn “Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” - là hai trong số 20 Bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Trải qua hàng ngàn năm, đất nước Việt Nam đã mang nhiều quốc hiệu ứng với từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Việc đặt quốc hiệu của các triều đại phong kiến thể hiện lòng tự tôn dân tộc với các danh xưng như: Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu (đất nước bình yên), Đại Nam, Việt Nam...; việc lựa chọn vùng đất để đặt kinh đô cũng đặc biệt được coi trọng với vai trò là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá của cả một đất nước trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” giới thiệu 3 nội dung chính: Quốc hiệu Văn Lang, Âu Lạc và thời kỳ dựng nước đầu tiên; Thời kỳ quân chủ phong kiến độc lập; và Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay.

Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn đem đến công chúng cả nước và bạn bè quốc tế những tư liệu lịch sử, bằng chứng vật chất thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân nước Việt.

Trưng bày diễn ra từ ngày 20/6/2019 đến hết tháng 10/2019.

Dưới đây là một số hiện vật sẽ được giới thiệu đến công chúng tại trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”:

Trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

Khuôn đúc mũi tên
Chất liệu: Đá. Niên đại: 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay
Khai quật thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội - Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long -  Hà Nội

Trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

Cột khắc kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà la ni do Đinh Liễn dựng năm 973. Tìm thấy tại Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.

Nội dung minh văn ngoài bài kinh Phật đỉnh Tôn thắng đà la ni, còn ghi việc Đinh Liễn đã dựng 100 cột kinh để cầu siêu cho em trai và cầu chúc cho Đại Thắng Minh hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng) mãi mãi trấn giữ trời Nam, giữ yên ngôi báu.

Trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

Lá đề hình rồng.
Gốm men trắng. Thế kỷ 11 - 13
Vật liệu trang trí kiến trúc

Trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

Đầu phượng
Đất nung. Thế kỷ 11 - 13
Vật liệu trang trí kiến trúc
Tìm thấy tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội - Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội

Trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

Xi vẫn (1 trong 9 loài con của rồng)
Đất nung. Thế kỷ 15
Vật liệu trang trí gắn trên nóc mái công trình kiến trúc.
Khai quật tại di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội - Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội

Trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

Trang trí bờ nóc, hình rồng trong khuôn lá đề
Đất nung. Thế kỷ 14 - 15
Vật liệu trang trí kiến trúc
Khai quật tại di tích Đàn Nam Giao, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. 

Trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

Ấn “Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ”
Ngọc. Niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 7 (1847)
Đây là ngọc tỷ quý và lớn nhất trong sưu tập Bảo vật triều Nguyễn, không chỉ dùng trong Đại lễ Tế Giao hàng năm ở Đàn Nam Giao (Kinh đô Huế) mà còn dùng đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ, và được coi là bảo tỷ truyền quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”