Tín ngưỡng Thờ Mẫu dưới góc nhìn của sinh viên trường Báo

Hà Thu| 02/02/2018 12:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một tọa đàm nói về Tín ngưỡng thờ Mẫu chuẩn bị diễn ra do chính các bạn sinh viên thực hiện là minh chứng về việc thế hệ trẻ không hề quay lưng lại với các giá trị truyền thống.

Ngày 5/2 tới đây, giữa lúc mọi người mọi nhà náo nức để chuẩn bị cho một cái Tết cổ truyền đầy đủ, các bạn sinh viên trường Học viện báo chí và Tuyên truyền lại tổ chức một buổi tọa đàm mang tính thời sự nói về Tín ngưỡng thờ mẫu từ góc nhìn báo chí và truyền thông. Đây cũng là một góc nhìn mới cho những người trong nghề khi nói và viết về một trong loại hình tín ngưỡng lâu đời của dân tộc ta- Tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tín ngưỡng Thờ Mẫu dưới góc nhìn của sinh viên trường Báo

Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, đang được thực hành phổ biến và đa dạng ở khắp các vùng miền trong cả nước cũng như cộng đồng người Việt nước ngoài.

Được biết, trong tọa đàm lần này, các nghệ nhân dân gian trình diễn “10 Giá hầu” với sự thay đổi về âm nhạc, ca từ, nghi lễ, khăn áo, đạo cụ và cùng nhau tham gia trao đổi, thảo luận nhằm xác định vai trò của Báo chí và Truyền thông trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản.

Bản sắc văn hóa của một dân tộc có hàng ngàn năm sinh tồn và phát triển không phải là câu chuyện không thể kể được qua một hay một vài hiện tượng xã hội, nhưng đặc trưng văn hóa đó lại có thể được biểu thị vô cùng sắc nét trong một loại hình tín ngưỡng bản địa là “tín ngưỡng thờ Mẫu”.

Ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo quan điểm của UNESCO, nội hàm của Tín ngưỡng này là sự tổng hòa của các loại hình nghệ thuật dân gian - là tri thức dân gian, là ngôn ngữ truyền khẩu, nghệ thuật tạo hình trang trí, âm nhạc, ứng xử, giao tiếp với công chúng,... Đó chính là sự ghi nhận đối với những sáng tạo văn hóa của cộng đồng đã không ngừng được tiếp nối và bảo vệ, giữ gìn cho đến ngày nay.

Tiến sĩ Frank Proschar (người Mỹ) cũng đã bình luận rằng: "Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Người Việt đã triển lãm nền văn hoá Việt Nam cho người Việt và người nước ngoài. Những người tham gia Hầu Đồng chính là những người quản lý bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hoá Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hoá Việt Nam, mà chúng đang dần bị nhạt nhoà đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của đạo Mẫu".

Tín ngưỡng Thờ Mẫu dưới góc nhìn của sinh viên trường Báo

Cô đồng cười rạng rỡ trong nghi lễ hầu đồng. Ảnh: Trung Tâm Xúc Tiến Quảng Bá Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Việt Nam

Hiểu được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đó, những sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền chuẩn bị tổ chức buổi tọa đàm mang tên Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn báo chí và truyền thông vào ngày 5/2/2018. Đây là buổi tọa đàm do chính các bạn sinh viên trường báo thực hiện với sự tham gia của cậu đồng, cô đồng, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian …am hiểu về di sản quý giá này. Theo chia sẻ của chính những bạn sinh viên thực hiện chương trình này, các em mong muốn thông qua hoạt động này muốn mọi người có cái nhìn đầy đủ hơn về thế hệ trẻ hôm nay, các em không hề quay lưng lại với các giá trị truyền thống của dân tộc, hơn nữa, bản thân các em lại là những người đang gìn giữ, bảo tồn và góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt thông qua buổi tọa đàm này. Và hơn ai hết, với vai trò của thế hệ trẻ, các em sinh viên đều hiểu trách nhiệm kế thừa, lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tổ tiên, của cha ông để lại, truyền đạt lại đến thế hệ sau này.

Ở buổi tọa đàm lần này, khán giả sẽ được gặp gỡ chàng trai 9x nhưng đã có tới 17 năm đồng. Đó là thanh đồng Phùng Minh Chiến, sinh năm 1993. Chàng trai này bén duyên với Hầu đồng từ năm 7,8 tuổi và thường xuyên tham gia hầu đồng vào các dịp lễ quan trọng.

Sự phát triển, thăng hoa của tín ngưỡng Hầu đồng cho đến ngày nay không thể không nhắc tới các “cô đồng”, “cậu đồng” - những người đóng vai trò trung gian, là cầu nối giữa con người và thần linh, là nơi để các thánh ngự vào. Những năm gần đây, hoạt động này ngày càng thu hút sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ, Thanh đồng Phùng Minh Chiến - người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để gắn bó với văn hóa tín ngưỡng dân gian độc đáo này.là một trong những bạn trẻ như thế.

Thanh đồng Phùng Minh Chiến chính là thủ nhang đồng điện Linh Sơn Phú Thọ. Hơn ai hết, “cậu đồng” Chiến tin rằng đây chính là tín ngưỡng dân gian mang đậm bản sắc dân tộc nên cần phải được thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy.

Nhờ sự may mắn và nhân duyên đã đưa chàng trai trẻ 9x dành toàn tâm toàn ý để tham gia các nghi thức tâm linh trong tín ngưỡng Thờ Mẫu. Với Chiến, đây chính là niềm tự hào và vinh dự mà không phải ai cũng có được. Anh cũng mong muốn rằng xã hội sẽ có cái nhìn khách quan và tích cực hơn dành cho những cô đồng, cậu đồng trẻ, để bản sắc văn hóa dân tộc sẽ được nhân lên, được tiếp nối và phát triển mãi về sau.

Mẫu Thượng Thiên - hay còn gọi là Mẫu Liễu Hạnh - là người Mẹ cai quản vùng trời. Mẫu Thượng Ngàn - người Mẹ cai quản rừng núi. Mẫu Thoải Cung - người Mẹ cai quản sông nước. Đó là Tam tòa Thánh mẫu - những người Mẹ biểu tượng của lòng từ bi, khoan dung, sự sinh sôi nảy nở trường tồn - đứng đầu hệ thống các vị thần linh trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Tương truyền, các vị thánh Mẫu đã nhiều lần hiển linh trong những thân phận khác nhau để bảo hộ, che chở cho dân khỏi thiên tai, địch họa, nên được kính trọng, tôn thờ. Đó là cái gốc, để từ đó, những vị anh hùng dân tộc, người có công lao trong lịch sử, huyền thoại cũng được cộng đồng đạo Mẫu thờ tự theo nghi lễ thờ Mẫu, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, giáo dục con người hướng đến những điều tốt đẹp, trong sáng.

Hoạt động nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi lễ hầu đồng - một không gian diễn xướng để tôn vinh Mẫu và các vị thần linh thông qua quá trình hóa thân liên tục, ngay tại chỗ của những người thực hành nghi lễ. Đây là tổng hòa của các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian rất độc đáo kết hợp giữa âm nhạc bát âm, hát chầu văn, trình diễn về hình dáng, tính cách, xuất thân và công lao của các nhân vật lịch sử, huyền thoại.

Sự gắn kết cộng đồng cũng là đặc điểm nổi bật trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín ngưỡng Thờ Mẫu dưới góc nhìn của sinh viên trường Báo