Tiếng cồng ở xứ mường Ba Vì

Toàn Nguyễn| 08/02/2019 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vậy là sau nhiều năm vắng bóng những trò chơi dân gian truyền thống, mấy cái Tết gần đây người Mường ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội lại tíu tít với thú vui ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ…

Giữa sự hùng vĩ của những ngọn núi sừng sững là tiếng ngân nga lúc khoan thai, lúc sôi động của tiếng cồng, là thành quả no ấm sau một năm miệt mài với chăn nuôi, ruộng đồng.

Tiếng cồng ở xứ mường Ba Vì

Phụ nữ dân tộc Mường (Ba Vì, Hà Nội) biểu diễn cồng chiêng

Đường vào xã Vân Hòa uốn lượn như nốt nhạc, điểm xuyết cho sự lãng mạn ấy là phong cảnh hữu tình của những quả đồi xanh ngút ngàn, của những khu du lịch sinh thái. Dọc con đường chúng tôi đi là cảnh những bà, những mẹ xúng xính trong bộ quần áo dân tộc tới chung vui tại một đám cưới tổ chức tại thôn Mồ Đồi.

Trong ngôi nhà của mình, ông Đinh Hữu Tiến đang lúi húi lau chùi lại bộ cồng chiêng. Chả là hai hôm nữa có một đám khánh thành đình ở tận huyện Quốc Oai, họ đánh tiếng mời ông cùng đội cồng chiêng tới dự lễ, nhân đó ngân lên những tiếng cồng cho buổi khánh thành thêm phần trang trọng. Không phải bây giờ mà từ năm 2008, khi đội cồng mới được thành lập đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp đến mời đội tham gia vào những công việc quan trọng của mình. Mấy khu du lịch như Thiên Sơn, Khoang Xanh, Ao Vua…gần đây coi tiếng cồng như đặc sản riêng của vùng đất Ba Vì. Là nét văn hóa riêng của người Mường nên hễ có việc gì quan trọng thì việc đầu tiên là nhấc điện thoại đặt lịch mời ông Tiến cùng 11 thành viên khác có mặt. Giờ cả xã Vân Hòa cũng có thêm hai đội cồng chiêng nữa, đặc biệt có một đội toàn thanh niên.

Lần hồi lại kí ức, ông Tiến trầm ngâm, xưa đất Mường nổi tiếng với những quan lang, mỗi khi nhà quan hay làng bản có công việc lớn, lúc ấy tiếng cồng, tiếng chiêng mới có dịp ngân nga. Có người mê thứ âm thanh ấy như mê thuốc phiện nên hễ chỗ nào có đội cồng là phải tìm đến bằng được. Đó là chuyện xưa, còn nay, có đào bới cả xã lên cũng chẳng có lấy chiếc chiêng cổ, đội cồng của ông Tiến và các đội cồng khác đều tự trang bị cho mình những bộ cồng chiêng mới. Bình thường có thể đặt mua tại đất Sơn Tây, còn sang hơn thì tìm về Hòa Bình vốn là cái nôi gốc của người Mường để đặt những thợ giỏi làm.

Cồng, chiêng có rồi nhưng người thẩm âm để so sánh với tiếng cồng chiêng xưa cũng chẳng có ai, những cụ cao niên trong xã được mời đến cũng lắc đầu bó tay. Vậy là đội cồng mới lâm vào tình trạng đánh mỗi người một phách một nhịp, chẳng ra bài vở gì sất, miễn là có âm thanh vang lên thấy khác lạ, vui tai là được. Ban đầu cả xã, cả huyện đều mừng vì nét văn hóa truyền thống thông qua tiếng cồng chiêng được phục hồi nhưng dần dà mới thấy rõ những bất cập. Phòng văn hóa huyện lại phải mời cán bộ văn hóa xã cùng đại diện các đội cồng đến để trao đổi và tất cả đi đến thống nhất là  huyện sẽ mời người từ nơi khác tới dạy cách đánh cồng sao cho có sự thống nhất, bài bản.   

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, cán bộ văn hóa xã không giấu được niềm vui khi xã tổ chức được “Hội nghị Diên Hồng” mời các cụ cao niên trong xã tới kể lại các phong tục tập quán xưa của người Mường như ma chay, cưới hỏi, chúc Tết… để lưu vào cuốn sổ chung. Nhiều phong tục hay được lưu lại và được phổ biến nhưng cũng có những hủ tục rườm rà trong ma chay như khi bố, mẹ mất, con phải lăn tròn dưới đất từ nhà ra tới nơi chôn cất thì chỉ được giữ lại để biết chứ không áp dụng vào đời sống mới.

Ngay như câu chuyện giữ gìn tiếng nói người Mường cũng là cả câu chuyện dài vì lớp trẻ giờ chỉ thích nói và ăn mặc theo người Kinh. Muốn thế người lớn phải làm gương, về đến nhà cha mẹ phải nói tiếng của dân tộc mình cho con cái không mất gốc. Chuyện mặc váy trong ngày lễ trọng đại cũng thế, phải người có tuổi mới được mặc trang phục truyền thống nhưng lâu nay các bác, các bà cũng chỉ thích mặc quần áo cho thuận tiện. Cán bộ xã vận động mãi các cụ mới chịu mặc rồi thấy người ta khen đâm ra thích, giờ các bà, các bác chỉ mong có cưới hội để được mặc trang phục dân tộc.

Lại nói chuyện đón Tết, khi chưa sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, người Mường đón Tết hệt người Kinh, chỉ có chúc Tết đơn thuần. Nhưng khoảng vài  năm trở lại đây thì khác, những trò chơi dân gian như ném còn, đi cà kheo, đẩy gậy, bắn nỏ… được khôi phục và được đông đảo dân trong xã hưởng ứng. Bà Nguyễn Thị Duyên kể: “Ngay mùng Một, mùng Hai, các thôn tự tổ chức trò chơi, vào ngày mùng 3 Tết, 12 thôn trong xã sẽ tập trung về sân vận động trung tâm thi tài. Đây thực sự là ngày hội của xã”.

Cụ Bùi Ngọc Quang, thôn Muồng Voi đưa đôi mắt nhìn về những quả núi sừng sững trước cửa nhà, miệng kể chuyện cho khách mà như nói cho chính mình nghe: Xã Vân Hòa xưa chỉ có rừng với thú dữ, đàn ông các bản mỗi khi lên rừng lại phải mang theo nỏ để phòng thân và cũng là để săn bắn. Có những lần hổ dữ về phá bản, tên tẩm thuốc độc bắn ra ào ào mà nó cũng chẳng thèm sợ. Cả đêm già trẻ lớn bé phải khua chiêng, gõ mõ đuổi nó đi. Ngày ấy bản Rùa có cụ Ích nổi tiếng với tài bắn nỏ, cạnh bản là con suối Cò quanh năm nước sâu chảy xiết. Nổi lên giữa dòng xanh thăm thẳm ấy không biết cơ man nào là giải, có con to đến mức kéo được cả con bê xuống suối. Nơi nào giải xuất hiện thì hổ báo cũng chẳng dám lại gần, dân bản càng không dám động đến vì cho chúng là con vật linh thiêng được trời gửi đến.

 Lần ấy cụ Ích một mình với cây nỏ trên tay và ống đựng tên vắt vẻo sau lưng nhẹ nhàng nấp sau tảng đá sát dòng suối. Một cái đầu giải to như bắp đùi nhô lên. Nín thở cụ đưa nỏ lên, sau tiếng tách, mũi tên lao vút xuyên qua đầu con vật to lớn. Dân trong bản phải dùng tới hai con trâu mới kéo được xác nó lên bờ. Thịt giải được xẻ ra chia cho cả bản ăn cả tuần mới hết, còn mai của nó to đến mức ngửa ra cho ba đứa trẻ con ngồi lên vẫn thấy rộng. Ăn thịt con vật được cho là linh thiêng, cả bản vẫn nơm nớp sợ trời trừng phạt, sau đận ấy chẳng ai dám ra suối Cò nữa. Giờ bắn nỏ chỉ là môn thể thao trong ngày hội và rất ít thanh niên biết sử dụng.

Ông Nguyễn Đình Hồng, người Mường chính gốc, nét mặt tươi rói khi kể về chuyện làm ăn của dân trong xã: “Giờ đa số dân sống bằng nghề trồng rừng và nuôi bò sữa. Nhiều hộ nuôi giỏi, vốn nhiều trong chuồng lúc nào cũng có trên 10 bò sữa, giá mỗi con bò như này khoảng 50 triệu đồng. Hai thôn Đồi Mồi và Bơn tất cả các hộ gia đình đều nuôi bò sữa”.

Khi chúng tôi đến cũng là lúc anh Đinh Chí Công, thôn Đồng Chay đang cho hai con bò sữa ăn. Anh khoe cả thôn có tới 70 hộ nuôi bò, sữa được một công ty đặt địa điểm thu mua tại chỗ nên không phải mất công chở đi xa. Hai con bò nhà anh mỗi ngày cho tới 30 kg sữa, đem lại thu nhập trên chục triệu đồng/tháng. Không chỉ có anh Công mà rất nhiều hộ dân khác cũng đang đổi đời, đang biết cách làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Tết này khi cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo thường trực, người dân Vân Hòa sẽ có nhiều thời gian hơn để quan tâm lẫn nhau, tham gia vào nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng cồng ở xứ mường Ba Vì