Thanh Hóa có thêm 2 di sản văn hóa cấp quốc gia

Thanh Phương| 12/07/2017 16:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ VHTT&DL vừa công bố thêm 7 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Trong đó, Thanh Hóa có 2 lễ hội là Trò Chiềng (Yên Định) và Lễ hát múa ăn mừng dưới cây bông của người Thái (Như Thanh) được công nhận.

Thanh Hóa có thêm 2 di sản văn hóa cấp quốc gia

Trò Chiêng được khôi phục và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Đây không chỉ là niềm vui của cộng đồng mà gắn với đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa cũng như người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật hiện có trên địa bàn tỉnh.

Theo các cụ cao niên của làng kể lại, Lễ hội Trò Chiềng không chỉ phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu, ước mơ của nhân dân mà còn gắn với tên tuổi của Tam công Trịnh Quốc Bảo – người được phong là Thành hoàng làng Trịnh Xá.

Trịnh Quốc Bảo sinh vào khoảng năm 998. Ông làm quan cho triều Lý, là một vị tướng văn võ toàn tài. Ông đã hai lần đi đánh giặc Tống ở phía Bắc, hai lần dẹp loạn quân Chiêm Thành ở phía Nam. Trong quá trình làm quan cho nhà Lý, ông đã lập được nhiều công trạng và có nhiều đóng góp to lớn. Ông được vua Lý Thánh tông phong là Phúc thần làng Trịnh Xá, hiệu là Đông phương hắc quang Đại vương Tam công Đông Phương Sóc; vua Lý Thái tông tấn phong ông là Phong vinh Quốc trượng Đại phu. Năm 80 tuổi, ông về tĩnh quan tại địa phương, tức làng Trịnh Xá ngày nay. Là một người học rộng, chí lớn, tài cao, luôn canh cánh việc lo cho dân, cho nước, nên tĩnh quan mà ông vẫn không ngừng nghỉ. Để tái hiện lại những năm tháng trên quan trường, quá trình lao động, chiến đấu của triều đình và nhân dân ta thời Lý và cũng để cho con cháu sau này không bao giờ quên cội nguồn, ông đã tạo dựng nên Trò Chiềng độc đáo và hấp dẫn. Lễ hội Trò Chiềng phản ánh sinh động, sâu sắc cuộc sống lao động, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vui chơi giải trí của nhân dân ta cũng như tưởng nhớ công lao của Tam công Trịnh Quốc Bảo. Vì lẽ đó, Trò Chiềng vừa phong phú, hấp dẫn, độc đáo, lại vừa khỏe khoắn, tươi vui.

Khác với những lễ hội khác, Lễ hội Trò Chiềng không tổ chức liền mạch trong một khoảng thời gian liên tục mà được phân bố vào các mốc thời gian khác nhau. Với hệ thống gồm 12 trò diễn (trò rước cỗ vàng, trò rước cỗ gà, trò chọi voi...) đã tái hiện tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống, lao động, sản xuất, chiến đấu, vui chơi, giải trí... Ngoài 3 ngày chính là mùng 10, 11, 12 tháng giêng hàng năm thì còn một vài trò được tổ chức trước và sau thời điểm chính, với ý nghĩa mang tính chất thủ tục, tế lễ. Nét nổi bật của Trò Chiềng là một trò diễn xướng cảnh chọi voi chưa nơi nào có. Là một trò diễn tổng hợp nhiều tiết mục, hệ thống trò diễn đồ sộ được bố cục đan xen giữa phần lễ và phần hội, nhằm ca ngợi công tích anh hùng chiến trận, một nhà sáng tạo chiến thuật đánh giặc của Tam công Trịnh Quốc Bảo, đồng thời ca ngợi tinh thần thượng võ, thể hiện ý chí, khát vọng, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân làng Trịnh Xá nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Cứ vào mùng 10 đến 12 tháng giêng hàng năm, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức, háo hức về xem hội. 

Trò Chiềng với ý nghĩa to lớn như vậy đã được đội trò của làng công diễn ở nhiều tỉnh, thành, trong các lễ hội, sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh, như: 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, lễ hội Lam Kinh, 100 năm du lịch Sầm Sơn, lễ hội du lịch biển Hải Tiến... Trò Chiềng tới đây được khôi phục căn bản sẽ trở thành một lễ hội độc đáo, hấp dẫn, trở thành báu vật, văn hóa phi vật thể sống mãi trong đời sống tinh thần của người dân làng Trịnh Xá và nhân dân cả nước. Sau nhiều năm bị gián đoạn, đến năm 2007, Lễ hội Trò Chiềng mới được khôi phục lại.

Hiện Thanh Hóa có 4 giá trị văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia, gồm: Trò diễn Xuân Phả, Lễ hội Pồn Pôông, Lễ hội Trò Chiềng và Lễ hát múa ăn mừng dưới cây bông của người Thái. Tuy nhiên,việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể này gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hầu hết những di sản này chủ yếu là do nhân dân tự truyền dạy. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí và con người để bảo tồn các di sản này khá ít ỏi. Thậm chí ở nhiều địa phương, sau khi di sản được công nhận vẫn không biết nên bắt đầu như thế nào để phát huy giá trị và quản lý di sản.

Công tác quản lý nhà nước, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân đối với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản là rất cần thiết. Cách hiệu quả nhất vẫn là xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, để di sản trở thành một phần không thể thiếu của cộng đồng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa có thêm 2 di sản văn hóa cấp quốc gia