Siêu mẫu Hà Anh: "Đã từ lâu rồi tôi chọn vị trí "tránh sang một bên" để quan sát"

Hà Thu| 08/08/2017 07:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chia sẻ về các chương trình truyền hình hiện nay, siêu mẫu Hà Anh cho rằng chính công chúng mới là người quyết định chương trình nào có giá trị, chương trình nào không? ai là ngôi sao, ai không? Ai nổi, ai chìm?

Là người trong cuộc, đã từng đảm nhận nhiều vị trí, nhất là vị trí giám khảo, host của nhiều chương trình truyền hình, siêu mẫu Hà Anh từng nhiều lần lên tiếng về sự nhốn nháo của gameshow truyền hình hiện nay. Vốn là người thẳng thắn, có quan điểm rõ ràng và cái nhìn sắc sảo mang bản sắc riêng, siêu mẫu Hà Anh thừa nhận sự nhảm nhí, khai thác dramma quá mức của một vài gameshow truyền hình hiện nay thay vì tập trung vào chuyên môn, vào kỹ năng nghiệp vụ. Các thí sinh tham gia gameshow truyền hình đó chỉ thực hiện theo đúng như bản hợp đồng đã ký với nhà sản xuất, nhà đài và họ cũng chỉ là “nạn nhân” của mớ hỗn độn, loạn các chương trình như hiện nay, gây ồn ào dư luận, nhiều ý kiến trái chiều.

Cũng mới đây, siêu mẫu Hà Anh tiếp tục có bài viết thể hiện quan điểm riêng của mình về sự “loạn” của một vài gameshow truyền hình hiện nay. Cô thừa nhận rằng đã từ lâu rồi cô chọn vị trí “tránh sang một bên” để quan sát diễn biến xung quanh các chương trình truyền hình hiện nay. Xin được trích lược bài viết này của siêu mẫu Hà Anh ra đây để bạn đọc cùng suy ngẫm và cùng chia sẻ quan điểm của mình về tình trạng mà chúng ta tạm gọi với nhau là “loạn” các gameshow truyền hình.

Cũng phải nói thêm rằng, không ai khác ngoài khán giả, những người đang theo dõi truyền hình mới là người quyết định đâu mới là gameshow có giá trị, đâu là gameshow hài nhảm nhí, đâu mới là ngôi sao, là thần tượng thật sự. Và tại sao, các gameshow này ở phiên bản gốc- phiên bản quốc tế lại ăn khách đến thế, có sức lan tỏa rộng đến thế mà khi về ta chỉ được một thời gian ngắn đã thoái trào. Có gameshow chỉ được mùa đầu tiên, các mùa sau yếu dần và ngày càng xa khán giả.

Siêu mẫu Hà Anh:

Siêu mẫu Hà Anh:

Tôi quan sát những chương trình truyền hình ngày càng ồ ạt các chiêu trò scandal, những chương trình hài nhảm nhí nhạt như nước ốc. Tôi cũng quan sát các bài báo khen lên tận mây xanh, "thăng hạng" sao cho các nhân vật liên quan. Rồi tôi cũng quan sát các bài báo "đập" lại những chương trình này, nhân vật này. Tôi quan sát những khán giả ngao ngán chê bai, từ anh trí thức, đến những người lao động, như bác lái taxi, chị làm massage. Họ nói rằng các chương trình kia nhảm, coi thường dân trí, rồi làm hỏng thẩm mỹ cái đẹp, giá trị đạo đức của giới trẻ.

Tôi cũng quan sát luôn cả đối tượng khán giả khác hoan hô khen thưởng, náo nức chờ đợi những chương trình kia, nhận thần tượng những nhân vật "thẳng thắn", "cá tính", hay "hài hước" nọ.

Tôi cũng quan sát luôn những nhân vật trẻ có, già có, vì muốn nổi tiếng thành sao, trở thành hot, sẵn sàng diễn cho đạt vở. Họ diễn trong trắng, hài hước, diễn quý phái, diễn cá tính, diễn đanh đá, thậm chí, diễn cả lưu manh.

Âu, thì tất cả những mớ hỗn độn đó, đại diện quá đúng đất nước, văn hóa của chúng ta, thời "mở cửa".

Các cụ vẫn nói "chưa học bò đã lo học chạy".

Đất nước người ta ngay cả giải trí, cũng có chất, có chuyên môn, có chiều sâu, có tính nhân văn.

Ngay cả nhảm, cũng có nguồn cơ, có khán giả riêng biệt.

Ở nhà ta, chưa học làm nghề, đã muốn đóng vai siêu sao, đóng vai giáo sư. Nên dễ nhất là ăn vận sao cho giống siêu sao nhất, ăn nói, cho nó văn vẻ nhất. Loè được ai, thì lòe!

Mặc người ta kêu ca, chỉ trích, thậm chí là lên án. Dù họ có diễn ra sao, xàm xí thế nào, phản giáo dục thì ngày mai chương trình vẫn kiếm tiền tỉ, các nhân vật vẫn hóa thân thành những ngôi sao, vẫn "hot", vẫn Viral trên anh tẹc nét. Các thương hiệu dù cao cấp hay hạ cấp, vẫn muốn dùng họ để đánh vào thị hiếu hiếu kỳ của đa số dân chúng để gây sự chú ý, để bán hàng.

Thế thì, tại sao lại trách họ? Chẳng phải cờ đến tay ai người nấy phất hay sao?

Nếu có trách, hãy tự trách thân! Vì sao chương trình bạn đã chê dở, chê nhảm, bạn vẫn tò mò bật lên xem, link báo vẫn click vào đọc đều đều, vẫn giúp nó "viral" bằng cách share link chửi bới.

Chửi làm gì? Cho sướng, hay lại làm mình trở nên bức xúc, buồn bã.

Khi mà bạn, người khán giả, người tiêu dùng vẫn không hiểu rõ "quyền lực" của bạn, đó chính là "buying power"- khi mà cả xã hội ấy mọi thứ đều quy ra tiền được. Nhà đài bán sóng, ăn quảng cáo, nhà sản xuất bán quảng cáo, người biểu diễn, bán diễn kiếm show ì ven từ nhà thương hiệu, nhà thương hiệu thì dùng người biểu diễn bán hàng sản phẩm. Cho ai?

Cho chính bạn!

Vậy bạn, mới là người quyết định chương trình nào có giá trị, chương trình nào không? ai là ngôi sao, ai không? Ai nổi, ai chìm?

Ngày nào mà bạn không chiến thắng được sự tò mò để bật chương trình đó trên truyền hình, xem nó trên link, bàn tán về nó, nhắc đến tên nó.

Ngày nào mà bạn không nhắc đến, ủng hộ, mua vé, mua sản phẩm... của những nhà sản xuất, chương trình, tài năng, diễn viên, người mẫu, ca sỹ... mà bạn cho là thực sự tài năng và có giá trị.

Thì tất cả khen ngợi, chê bai, chỉ là suông! Thực sự là suông, và rỗng tuyếch!”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siêu mẫu Hà Anh: "Đã từ lâu rồi tôi chọn vị trí "tránh sang một bên" để quan sát"