Những “báu vật sống” cõng sử thi, đi khắp buôn làng

Trần Sỹ| 12/09/2019 15:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sử thi được ví như một “món ăn” tinh thần không thể thiếu đối với người Ba Na và Jrai. Mỗi bài hát được ngân lên, đều có ý nghĩa trong cuộc sống “như sông có nước, như cây có rừng”. Tùy vào hoàn cảnh, sử thi đã lên lỏi vào từng nhà, lên từng cái rẫy...

“Báu vật sống” của sử thi Ba Na và Jrai

Gia Lai mùa này trời mưa như trút nước, chúng tôi phải vất vả lắm mới tìm được nhà cụ Dach (tại thôn Thông Prông Thông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa), người được xem là báu vật sống trên mảnh đất Tây Nguyên với thể loại sử thi về người dân tộc Ba Na và Jrai.

Những “báu vật sống” cõng sử thi, đi khắp buôn làng

Dù đã đi qua 103 mùa rẫy, nhưng cụ vẫn lao động bằng nghề đan lát để tự kiếm thu nhập trang trải cuộc sống

Thấy nhà có khách, một cụ ông tóc đen nhánh nhanh nhẹn bước ra mở cổng. Ấn tượng đập vào mắt chúng tôi thật khó tin bởi người đối diện mình là cụ ông đã đi qua 103 mùa rẫy. Trò chuyện với chúng tôi thông qua hai anh phiên dịch, cụ cho biết, do đã lớn tuổi nên thi thoảng vẫn hay bị ốm vặt, còn lại hằng ngày cụ vẫn ra vườn chặt cây lồ ô và cây mây để về đan lát.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng trí nhớ của cụ rất minh mẫn. Hằng ngày, cụ vẫn làm việc để tự nuôi sống bản thân mà không muốn làm phiền đến con cháu. Cầm trên tay hai sản phẩm đã hoàn thành, là cái gùi và cái đơm do mình làm ra, cụ hồ hởi: “Một cái gùi, cụ làm hết 4-5 ngày vì nó cần độ tinh xảo và chắc chắn nên giá bán ra là 280 nghìn đến 400 nghìn, tùy vào kích cỡ sản phẩm. Còn cái đơm, cụ chỉ làm trong vòng một ngày giá bán bình quân 80 nghìn/cái”.

Sau một hồi đợi cụ đan xong chiếc gùi còn dang dở, chúng tôi bắt đầu được cụ tiếp chuyện về sử thi. Cụ cho biết, bản thân lớn lên trong vòng tay của người chú họ, vì vậy sử thi truyền thống được chú truyền lại khi còn nhỏ tuổi. Tiếng hát lúc trầm lúc bổng, lúc nhanh lúc chậm của người chú như khúc hát ru đã đưa cụ vào sâu trong mỗi giấc ngủ của ngày tháng tuổi thơ. Khi trưởng thành, cụ đã có thể kể và hát vanh vách hàng chục bài sử thi của người dân tộc Ba Na, Jrai hiểu về những giá trị quý báu, nhân văn trong mỗi câu chuyện. Vì thế, những mẫu chuyện về các vị thần đánh đuổi quỹ dữ để bảo vệ bình yên cho buôn làng, hay những câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt đời thường và tình yêu nam-nữ của dân tộc đã được cụ hằng ngày say sưa kể và hát.

Mỗi khúc hát, mỗi câu chuyện kể được cất lên khi lên núi kiếm củ mì, khi xuống suối bắt con cá... trầm ấm lại ngân vang giữa bao la rừng núi. Thế rồi, tiếng nhạc cứ thế, đi sâu vào trong cái bụng, thấm sâu vào tận con tim, để sử thi giờ là máu thịt, là một phần trong cuộc sống của cụ.

Đang thả mình nghe câu chuyện về chàng trai trẻ ngày nào, bỗng bất chợt một giọng hát ngân lên. Chúng tôi không biết ý nghĩa của nó là gì, nhưng sự truyền cảm trong từng câu chữ, lúc trầm, lúc nhẹ, lúc nhanh, lúc chậm khiến cho người nghe bị cuốn hút theo vần điệu. Dường như tuổi tác không thể làm khó được một cụ ông hơn 100 mùa rẫy này khi cụ cất tiếng ca.

Khi cụ ngưng lại, hỏi ra mới biết đó là một đoạn trong bài Dăm Blom, sử thi huyền thoại của người Jrai. Đây là bài sử thi mang thông điệp “ở hiền gặp lành, mình sống lương thiện thì sẽ gặp điều tốt”. Là bài mà cụ thường xuyên cất lên để răn dạy con cháu trong nhà cũng như trong làng biết nhìn nhận cái tốt, tránh xa những cái xấu.

Ngục tù vang mãi sử thi

Cách xa trung tâm Tp.Pleiku chừng 100km, chúng tôi đến với mảnh đất một thời nổi tiếng với sử thi, làng Châu, xã Chư Krêy (huyện Kông Chro), là nơi đã sản sinh ra biết bao nghệ nhân vượt qua nghịch cảnh, vượt qua đói nghèo để mang sử thi đi khắp nơi. Vậy nhưng, theo thời gian, tuổi tác đã cao nên các cụ lần lượt khuất núi. Đến nay, cả làng còn sót lại duy nhất mỗi nghệ nhân Đinh Rung (66 tuổi). Ông là một trong tám cá nhân của tỉnh Gia Lai, vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” (đợt 2- năm 2019) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số, là một thứ văn hóa được truyền lại từ thời cha ông và sử thi cũng vậy. Ngày nhỏ, ông thường theo chân cha mình đến nhà rông của làng để tham gia vào các buổi hội họp. Và trong các buổi hội họp đó không thể thiếu “món ăn” tinh thần từ những câu chuyện, bài hát sử thi của người Ba Na. Cứ thế, bản thân nghệ nhân Đinh Rung cũng không biết mình bị cuốn theo sử thi từ lúc nào.

Tại huyện Kông Chro, trước đây có một câu chuyện truyền miệng rằng: Một đôi nam nữ, trai tài gái sắc đem lòng yêu nhau. Khi con tim đã trao, khi tình yêu trở nên mãnh liệt như núi với rừng, hai người họ bị cấm cản vì phạm vào tình yêu cô cháu ruột thịt quá gần gũi. Bởi vậy, để minh chứng cho tình yêu bất diệt và son sắc này, cả hai đã dắt nhau lên ngọn núi Kông Chro để tự vẫn. Tiếc thương cho cặp đôi dân làng đã cùng nhau góp heo, gà… đưa về làng làm ma chay.

Trong giây phút ấy, người dân đã cất lên tiếng hát da diết và lưu truyền cho đến nhiều đời nay, đó chính là bài sử thi “Jơn-Mâu”. Tuy là một bài hát buồn, nhưng nó lại lại mang tính giáo dục cao. Mỗi lần nghệ nhân Đinh Rung cất tiếng hát, là mỗi lần ông muốn nhắc nhở con cháu nhìn vào đó để không đi sai đường, không yêu những người trong dòng tộc cùng huyết thống.

Những “báu vật sống” cõng sử thi, đi khắp buôn làng

Nghệ nhân Đinh Rung (một trong 8 cá nhân được của tỉnh Gia Lai, vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” năm 2019) trò chuyện với PV và cán bộ xã

Nhớ về những tháng ngày xa xưa, ông cho biết, bản thân từng tham gia du kích và bị giặc bắt vào trại giam Pleiku (nay là nhà lao Pleiku) 4 năm. Sau đó, chúng chuyển ông ra ngục tù ở Phú Quốc 7 tháng. Trong cảnh xiềng xích và tù đày, chúng dùng đòn roi, gậy gộc tra tấn để lấy thông tin từ ông. Chính những lúc khó khăn, gian khổ, sử thi lại được ông hát ngân vang trong tù như để mọi người có thêm sức mạnh và ý chí. Thời điểm ông bị tù đày có cả người Ba Na và người Jrai nên sử thi ông hát có khi bằng tiếng Ba Na, có khi lại là tiếng Jrai để mọi người hiểu được.

“Sống trong cảnh tù đày, bị tra tấn dã man những người lính du kích như chúng tôi nhớ nhà lắm. Rất nhiều trận đòn roi nhằm khai thác thông tin nhưng chúng tôi cắn răng chịu đựng không hé môi nửa lời. Trại giam lúc đấy có khoảng 30 người Ba Na của huyện Kông Chro giam chung với những người Jrai. Để vơi nỗi nhớ nhà, tôi thường hát và kể cho mọi người nghe sử thi huyền thoại. Người Jrai nghe tôi hát hay cũng vỗ tay tán thưởng, lúc đấy tôi thấy mình hạnh phúc đến lạ”, ông Đinh Rung bùi ngùi.

Kể từ khi được trả tự do đến nay, ngoài việc lên nương rẫy trồng cây lúa, cây mì, ông vẫn thường hát sử thi cho dân làng nghe trong những ngày hội. Bí thư Đoàn xã Chư Krêy, anh Đinh Văn Khuyên cho biết: “Mình được nghe già Đinh Rung hát sử thi từ lúc còn nhỏ, đến bây giờ những ngày nông nhàn mình vẫn ghé thăm nhà già để nghe hát kể. Nhiều lần mình cũng muốn học theo già để hát, nhưng sử thi dài quá, cố gắng học lắm mà mình vẫn không thuộc được”.

Trăn trở về người kế thừa

Là một “đại cổ thụ”, trong việc phát huy và lưu truyền các giá trị văn hóa của sử thi Jrai và Ba Na, cụ Dach cho biết, thời còn trẻ thường được đi giao lưu hát kể sử thi. Rất nhiều giải thưởng từ huyện đến tỉnh trao tặng được cụ treo cẩn thận ngay một góc phòng trong nhà. Trong đó, lần khiến cụ nhớ nhất là được vinh dự mời đi giao lưu hát, kể sử thi tại Vũng Tàu. Đây là lần gặp gỡ, quy tụ tất cả đại diện các dân tộc trên mọi miền đất nước.

Cả hai cụ, đều cho rằng: Để hát, kể được sử thi rất khó. Người hát, kể phải có trí nhớ, chất giọng tốt và làn hơi bền vì có những câu hát dài, tiết tấu lúc nhanh lúc chậm, lúc lên cao, xuống thấp. Ngoài ra, muốn truyền đạt được ý nghĩa, người hát phải thể hiện được biểu cảm trên khuôn mặt.

Trong mỗi câu chuyện với cụ Dach, cụ Rung, chúng tôi hiểu được những nỗi lo âu, buồn bã hiện rõ trên khuôn mặt của hai cụ “Mai này, ai sẽ hát sử thi”?. Nỗi lo ngày một thêm lớn bởi hiện nay thế hệ trẻ đang dần quên lãng sử thi (bản sắc quý giá của dân tộc) để du nhập âm nhạc hiện tại. Mới sáng sớm, khi con gà vừa cất tiếng gái, hay xế chiều khi đàn trâu từ trên nương rẫy trở về, các nhà lại rộn rã các bài hát của nhạc đương đại. Ngay đến các con của hai cụ, dù rất nhiều người nhưng cũng không có ai chịu học hát, học kể…

Ông Ra Lan Bông (con trai cụ Dach) tâm sự: Thuở thiếu thời, tôi thường được cha kể những câu chuyện sử thi trước kia. Chủ yếu là những bài sử thi mang tính giáo dục con cháu chăm lo học hành, chăm chỉ làm ăn. Hát sử thi như cha thì tôi không làm được, vì nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng với những câu chuyện sử thi thần thoại thì tôi vẫn nhớ và có thể kể được một số bài.

Khi chào các cụ ra về, người viết cũng có những nỗi buồn khó tả. Rồi đây, khi các cụ “đại thụ” khuất núi, ai sẽ là người tiếp bước để truyền đạt, hát và kể cho thế hệ sau những câu chuyện sử thi mang đậm giá trị văn hóa của dân tộc mình…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “báu vật sống” cõng sử thi, đi khắp buôn làng