Nghệ sĩ Năng Hiển - người lãng du cuối cùng của thế kỉ 20

Minh Khang| 06/11/2018 16:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có một người đã lãng du từ Hội họa, sang Sân khấu, sang Lịch sử để rồi vẫn quay trở về với mối tình đầu của mình là Hội Họa. Đó là họa sĩ Năng Hiển.

Nghệ sĩ Năng Hiển - người lãng du cuối cùng của thế kỉ 20

Chân dung tự họa của Họa sĩ Năng Hiển

Họa sĩ Năng Hiển bắt đầu cuộc lãng du của mình từ những năm 30, từ những cái nhãn nước mắm “Ba con mèo” đến bức tranh biếm họa “Lý Toét giật chuông” được in trên trang bìa báo Phong Hóa năm 1937. Với niềm đam mê hội họa cháy bỏng và khiếu hài hước bẩm sinh, Lê Năng Hiển vừa đi học vừa vẽ cho mục Vui Cười của Báo Phong Hóa. Năm 15 tuổi, sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông đòi gia đình cho đi học vẽ nhưng do điều kiện kinh tế không đáp ứng được nên ông đành học theo lớp vẽ từ xa, bài vẽ sẽ chuyển qua thư sang Pháp và bên đó sẽ chấm bài và gửi lại cho người học (Cour ABC de Desins par corespondance). 

Nghệ sĩ Năng Hiển - người lãng du cuối cùng của thế kỉ 20

Tác phẩm của họa sĩ Năng Hiển

Trong những cơn thăng hoa xuất thần,  Năng Hiển coi cuộc đời như một chuyến lãng du dài. Ở mỗi chặng nghỉ chân, ông nhìn lên trời đêm để đếm xem có bao nhiêu vì sao?

Và Nghệ thuật nơi ông bắt đầu

Nhiều bến bờ, ông đã lướt qua trong cuộc đời lãng du của mình! Đó là Hội họa, Sân khấu và viết sách.

Những bìa sách của ông vẽ cho các nhà sách Hồng Thịnh, Kuy Sơn, Anh Phương, Yên Sơn khá đẹp; ở mảng tranh lụa, những bức tranh thiếu nữ của ông cũng rất mềm mại và quyến rũ.  Các nhân vật  vừa hư vừa thực,  mơ màng trong vẻ đẹp đài các, kiêu sa. Dù đến với Hội họa như đến với một cuộc chơi  nhưng Lê Năng Hiển đã dành trọn cuộc đời để tới cùng. Có những Tranh của ông đã được hãng đấu giá Sotheby’s bán giá ngang ngửa với tranh của họa sỹ Việt kiều Lê Phổ hay Mai Trung Thứ.

Nghệ sĩ Năng Hiển - người lãng du cuối cùng của thế kỉ 20

Năng Hiển nổi lên là một “amateur”- tay chơi  trong giới nghệ thuật Hà Nội. Trái tim vốn đa mang, cuộc lãng du của ông lại chuyển sang bến bờ mới. Năng Hiển rất mê kịch nói. Trong thời gian đi tản cư ở Phú Thị, ông đã lập nên ban kịch Ngàn Phương do ông là Trưởng đoàn, kiêm đạo diễn, biên kịch, diễn viên... rồi năm 1957, ông lại lập đoàn kịch Zuy Nhất... Ông làm kép chánh, viết kịch bản và cả đạo diễn. Ông đã từng phải vay tới vài vạn đồng - thời đó - để dựng đoàn kịch - chỉ để thỏa đam mê được diễn.

Nghệ sĩ Năng Hiển - người lãng du cuối cùng của thế kỉ 20

Người vợ và con gái danh họa Năng Hiển - hoạ sĩ Lê Ngọc Huyền tại triển lãm của ông hôm 15/9

Là người chịu ảnh hưởng của Tây học nhưng lại nghiên cứu rất kĩ về văn hóa Việt, ông nghiên cứu lịch sử, viết truyện ký lịch sử. Để cho người đọc dễ hình dung về không gian lịch sử, ông cũng đã xuất bản một số đầu sách lịch sử có tranh minh họa như "Ba chiến thắng Bạch Đằng giang", "Lý Thái Tổ và vương triều Lý "... được GS Phan Huy Lê nhận xét: "Đọc những trang viết của Lê Năng Hiển giúp người xem tranh hiểu sâu sắc hơn về cảm nhận của họa sĩ về lịch sử và càng nâng cao hơn sự thưởng thức tác phẩm tranh lịch sử".  

Từ những năm 51-52,  Năng Hiển khởi viết cuốn “Chàng kị mã trở về” còn gọi là  “Nắm đất phù sa” và sau 50 năm, ông đã viết lại cuốn sách và đặt tên là “Chàng kị mã Lam Sơn”. Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Kim Đồng in và phát hành vào năm 2007. Cùng với các họa sĩ và biên tập viên của Nhà xuất bản, ông đã chăm chút sửa từng minh họa, từng câu chữ trong cuốn sách mặc dù lúc đó ông đã 88 tuổi.  
Cuộc lãng du nghệ thuật của Nghệ sĩ Lê Năng Hiển đã dừng lại cách đây đã 3 năm, nhưng có thể thấy những di sản “lãng du” của ông để lại đều rất có giá trị cho thế hệ đi sau. Có thể gọi ông là người “ chơi tới bến” trong mỗi cuộc chơi Nghệ thuật của ông, dù đó là Hội họa, Sân khấu hay Văn học.

Ra mắt sách cố hoạ sĩ Năng Hiển

Chiều 2/11/2018, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Mỹ thuật và gia đình cố họa sĩ Năng Hiển đã cho ra mắt cuốn sách “Năng Hiển – Zuy Nhất”. Cuốn sách gồm một tập hợp bài viết (từ năm 1996 đến 2017) của nhiều tác giả và 399 bức tranh trong bộ sưu tập của gia đình và nhiều nhà sưu tập khác.

Nghệ sĩ Năng Hiển - người lãng du cuối cùng của thế kỉ 20

Nhà phê bình mỹ thuật Hải  Yến giới thiệu về cuộc đời sáng tác của nghệ sĩ tài hoa Năng Hiển

Sách là toàn bộ câu chuyện cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Năng Hiển – Zuy Nhất (1921 – 2014); bắt đầu từ thuở ấu thơ, sau đó sống, học tập, hoạt động nghệ thuật trải dài trong suốt gần một thế kỷ.

139 trang sách bao gồm nhiều điều thú vị đang đón chờ đọc, nhiều tác phẩm đẹp đón chờ được ngắm nhìn. Cuốn sách ra đời gần như gói gọn đầy đủ sự nghiệp của họa sĩ Năng Hiển. Nghệ sĩ nào rồi cũng sẽ ra đi nhưng với một cuốn sách như thế này, tôi tin rằng họa sĩ cái tên “Năng Hiển – Zuy Nhất” sẽ còn sống mãi với thời gian…

Nghệ sĩ Năng Hiển - người lãng du cuối cùng của thế kỉ 20

Qua cuốn sách, chân dung họa sĩ Năng Hiển trở nên rõ nét với tính cách một nghệ sĩ yêu thích cái đẹp, tận tâm với nghề, say mê với sáng tác. Những tác phẩm của ông dù theo chủ đề nào cũng đều lấy sự tinh tế, hài hòa về đường nét, tạo hình làm chủ đạo. Cuốn sách cũng cho độc giả thấy rõ gia thế danh gia vọng tộc của ông, thấy con đường học tập, sáng tạo bài bản tư duy và khúc triết (dù ông không học trong trường mỹ thuật), thêm vào đó là cả một quãng thời gian dài trau dồi kiến thức, khổ công tự họa, tự rèn luyện mài bút mà thành tài...

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Năng Hiển - người lãng du cuối cùng của thế kỉ 20