Nếu nghệ sĩ trở thành chính khách...

Nhật Minh| 16/03/2016 08:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghệ sĩ, doanh nhân Hùng Cửu Long là cái tên mới nhất sau danh hài Vượng Râu và nữ ca sĩ Mai Khôi tự ứng cử đại biểu quốc hội khóa 14. Danh sách này có lẽ sẽ còn tiếp tục...

Ở các nước, việc nghệ sĩ tham gia hoạt động chính trị không phải chuyện hiếm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những ông nghị, bà nghị đi lên từ con đường hoạt động nghệ thuật phần nhiều bị coi là "nổ", là tự "đánh bóng" bản thân...

Nghệ sĩ làm chính khách: Khó để tròn vai?

Câu chuyện nghệ sĩ làm chính khách một lần nữa lại được bàn tán xôn xao trên các mặt báo và nhiều mạng xã hội khi nghệ sĩ hài Vượng “râu” (tên thật Nguyễn Công Vượng) nộp đơn xin tự ứng cử đại biểu quốc hội (ĐBQH). Mặc dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, song với tâm nguyện “đem cả cuộc đời hiến dâng cho văn hóa - giáo dục nước nhà”, quyết tâm “muốn trở thành người đại diện cho nhân dân” của anh cũng được ghi nhận.

Nếu nghệ sĩ trở thành chính khách...

Nghệ sĩ hài Vượng "râu". Ảnh: Internet

Nếu nghệ sĩ trở thành chính khách...

Doanh nhân, nghệ sĩ Hùng Cửu Long

Tương tự, nữ ca sĩ Mai Khôi (tên đầy đủ Đỗ Nguyễn Mai Khôi) khi nộp đơn xin tự ứng cử ĐBQH lên UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã khẳng định “đây không phải là việc làm bộc phát hay mang tính đánh bóng tên tuổi mà là một quyết định rất nghiêm túc”.

Và mới đây nhất, 15/3, doanh nhân, nghệ sĩ Hùng Cửu Long đã đăng tải một clip giới thiệu về bản thân trên tài khoản YouTube cá nhân. Ông Hùng Cửu Long tuyên bố ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14, với lời hứa đáng lưu ý: Đề xuất Luật khởi nghiệp cho Công dân trẻ, tạo động lực Quốc gia khởi nghiệp; Xóa bỏ hoàn toàn việc trẻ em bỏ học vì đói nghèo; Vận động đại biểu quốc hội và quan chức nhà nước chính thức sử dụng mạng xã hội để tiếp xúc với cử tri... Mặc dù nhiều ý kiến ủng hộ, song không ít người cho đây chỉ là một chiêu tự PR của "ông Tưng" nổi tiếng với những phát ngôn gây shock.

Theo điều 3 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, “bất kỳ công dân nào cũng có quyền bầu cử và tự ứng cử, không phân biệt nghề nghiệp, tôn giáo, thành phần xã hội”.

Trước đây, nhà thơ Vũ Quần Phương, NSND Đặng Nhật Minh, NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Trà Giang, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân... đã vinh dự được bầu chọn là ĐBQH. Trên cương vị ĐBQH trong nhiều khóa, NSND Đặng Nhật Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với Luật Điện ảnh và cuối cùng luật này đã được thông qua, dù chưa thực sự hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, trong mắt công chúng, với tính chất nghề nghiệp của mình, những người nổi tiếng hoạt động trong showbiz có cuộc sống khá phức tạp, thậm chí nhiều thị phi vây quanh. Đặt chân vào chốn “nghị trường”, hình ảnh và tên tuổi của họ cần xứng đáng với vị trí mà họ nắm giữ trong hệ thống chính trị nhà nước. Mặt khác, ở thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc giữ gìn hình ảnh là “tối quan trọng” đối với người nghệ sĩ, bởi chỉ cần “lỡ miệng” hay có hành động “thiếu chuẩn mực”, ngay lập tức chúng sẽ được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên internet.

Thi sĩ Xuân Diệu từng viết: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió / Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Để thai nghén và cho ra đời những tác phẩm được công chúng đón nhận, thi sĩ phải đạt đến trạng thái tuyệt đỉnh về tự do trong tâm hồn. Trong khi đó, nếu trở thành những ông nghị, bà nghị, việc đạt được “trạng thái tuyệt đỉnh” quả là điều không dễ.

Nếu nghệ sĩ trở thành chính khách...

Nguyên Tổng thống Ba Lan  A. Kwasniewski tiếp Đại sứ Tạ Minh Châu đến chào từ biệt. Bức ảnh có bút tích của Tổng thống đề tặng "Chúc Đại sứ Tạ Minh Châu những lời chúc tốt đẹp nhất". Ảnh: NVCC

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan và Lào, nhà thơ, dịch giả, tiến sĩ Tạ Minh Châu chia sẻ: “Nghệ sĩ và chính khách, mới nghe qua thấy có thể có những điểm khác nhau. Nhưng với một người làm nghệ thuật chân chính, với một nền tảng văn hóa vững chắc, thì khi làm chính trị cũng có nhiều thuận lợi. Như chúng ta thường nói, văn hóa có khả năng lan tỏa và sức thẩm thấu lâu bền, có thể “kết nối trái tim với trái tim”, và chính vì vậy cũng có tính thường có sức thuyết phục lớn. Cái khó của một người làm nghệ thuật khi làm chính trị, có chăng đó chính là phải biết “tiết chế”, biết “kìm nén cảm xúc” cá nhân khi đánh giá và giải quyết một vấn đề để đạt được tính khách quan và khoa học, đúng đắn”.

Cố Tổng thống Ronald Wilson Reagan, từng là Thống đốc thứ 33 của California (1967-1975), và từng là diễn viên truyền hình, truyền thanh và điện ảnh.

Cố Tổng thống Philippines Estrada từng là một ngôi sao màn bạc lớn chuyên đóng vai người hùng cứu khổ cứu nạn chiến đấu chống lại những chủ đất tham lam, băng nhóm tội ác, cảnh sát tham nhũng và chính trị gia dối trá.

Cố Thủ tướng Anh Sir Winston Leonard Spencer-Churchill được coi là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh và lịch sử thế giới. Ông là Thủ tướng Anh duy nhất nhận giải Nobel Văn học và là người đầu tiên được công nhận là Công dân danh dự Hoa Kỳ.

Ngoại giao văn hóa - ngoại giao tâm công

Như chia sẻ của dịch giả Tạ Minh Châu, “một người làm nghệ thuật chân chính, với một nền tảng văn hóa vững chắc”, khi làm chính trị sẽ có nhiều thuận lợi. Và điểm thuận lợi dễ nhận thấy nhất, có lẽ chính là với vốn sống, vốn văn hóa phong phú, chính khách - xuất thân từ nghệ sĩ - có thể sẽ có nhiều đóng góp trên mặt trận ngoại giao văn hóa, một trong ba cột trụ của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.

Có thể coi ngoại giao văn hóa chính là “quyền lực mềm”, là nền tảng tinh thần của hoạt động đối ngoại, bên cạnh vai trò định hướng của ngoại giao chính trị và nền tảng vận chất của ngoại giao kinh tế.

Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta còn lưu giữ nhiều áng văn thơ mang tính chất đối ngoại, thể hiện lối “ngoại giao tâm công”, thông minh, bản lĩnh, khiến kẻ thù tâm phục khẩu phục.

Các tác phẩm bất hủ như Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Cáo bình Ngô… không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, có sức lay động lòng người, mà còn là lời khẳng định chắc nịch về độc lập, chủ quyền lãnh thổ của một dân tộc “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” như lời Nguyễn Trãi - nhà văn hóa lỗi lạc, nhà quân sự tài ba, chính trị gia kiệt xuất - từng viết.

Trong số những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam, Nguyễn Trãi không chỉ là một danh nhân văn hóa thế giới, ông còn là một chiến sĩ của độc lập dân tộc, một người đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân.

Một nhân vật xuất chúng khác đó là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài tài thơ văn, ông còn được coi là nhà tiên tri số 1 trong lịch sử Việt Nam, với nhiều câu sấm ký nổi tiếng, là một nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, với tầm nhìn địa chính trị đi trước thời đại nhiều thế kỷ.

Chúng ta cũng không thể không nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, viên ngọc sáng giá trong kho tàng văn học Việt Nam. Với đường lối đối ngoại hòa bình, luôn luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng thương lượng, đối thoại với thái độ hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng văn chương như một vũ khí sắc bén trong đấu tranh ngoại giao.

Kết

Có ý kiến cho rằng, chốn nghị trường không phải là “sân khấu”, nghệ sĩ hãy cứ làm nghệ sĩ trên sân khấu của chính mình. Thế nhưng, chúng ta không thể phủ nhận, việc tham gia đảm trách vai trò trên chính trường của những người làm nghệ thuật, với khả năng tác động lớn đến công chúng, sẽ có tác dụng rất lớn trong việc “kéo mọi người xích lại gần nhau”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nếu nghệ sĩ trở thành chính khách...