“Nếu không phải là người trong cuộc thì xin đừng phán xét”

Hà Thu| 09/01/2018 07:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có thể lừa dối người khác về việc thật sự bạn là ai trong một khoảng thời gian nhưng nó không thể kéo dài. Và nếu không là người trong cuộc thì đừng phán xét, nhất là phán xét về nhân phẩm.

Thanh danh là những gì người khác nghĩ về bạn, còn nhân cách của bạn là chính con người bạn. Bạn muốn thanh danh và nhân cách của mình là một, nhưng phải tập trung nhiều hơn vào phương diện nhân cách. Bạn có thể lừa dối người khác về việc bạn thật sự bạn là ai trong một khoảng thời gian, nhưng nó không thể kéo dài. Một nhân cách tốt là một nhân cách không bao giờ "đi tắt" đạo đức. Bạn hãy tạo dựng nhân cách tốt cho mình bằng những việc làm đúng đắn, vì đó là những việc nên làm.

Trở lại với câu chuyện của cô gái người dân tộc Ê-đê vừa đăng quang Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017- H’Hen Niê. Sẽ chẳng có gì phải tranh cãi nếu như H’Hen Hie đẹp đúng chuẩn hoa hậu như nhiều người nghĩ. Đó là một cô gái da trắng, mái tóc dài bồng bềnh, đẹp tựa thiên thần, giống như người ta hay ví von với vẻ đẹp của “thần tiên tỉ tỉ”, “đẹp tựa nàng công chúa” hay có thể gọi là “nữ thần”. Nhưng H’Hen Niê lại không phải là một cô gái như thế.

Sinh ra và lớn lên từ một buôn làng xa xôi của Đắk Lắk, là con của buôn làng người dân tộc Ê-đê, H’Hen Niê lại giống như một bông hoa của núi rừng vươn lên mạnh mẽ. Ngay từ nhỏ, H’Hen Niê đã phải tự kiếm tiền để trang trải việc học.  Mái tóc tém cá tính, lưỡng quyền cao, răng khấp khểnh, làn da bánh mật đặc trưng của người dân tộc Ê-đê, H’Hen Niê vì thế mà không “vừa mắt”  một bộ phận khán giả. Thậm chí, mới đây, còn có những lời thóa mạ, xúc phạm đến tân Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam được nói ra từ một người được xem là có học thức, có tri thức và lại là người làm báo ở mảng văn hóa giải trí. Phát ngôn của người này đã làm cả cộng đồng phẫn nộ. Người ta không thể hiểu một người có học thức, có vị trí như thế lại có những lời lẽ chê bai, thậm chí là thóa mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tới một cô gái người dân tộc Ê-đê chỉ vì cô ấy là người chiến thắng trong một cuộc nhan sắc không mấy dễ dàng.

“Nếu không phải là người trong cuộc thì xin đừng phán xét”

H'Hen Niê đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 

Những ai từng theo sát H’Hen Niê đều biết được hoàn cảnh khó khăn của cô gái dân tộc này. Theo những người thân thiết của H’Hen Niê tiết lộ, ngay khi cô đăng ký đi thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, ai cũng cho rằng cô gái người dân tộc Ê-đê này khó có thể lọt vào top cuối cùng vì không có một ê-kip hậu thuẫn ở phía sau.

Một huấn luyện viên dạy catwalk cho H’Hen Nie còn tiết lộ mặc dù rất yêu mến và thấy được sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cô gái này nhưng không kỳ vọng cô ấy sẽ vào top cuối cùng, chưa nói đến việc giành chiến thắng. Thậm chí có người còn tiết lộ rằng H’Hen Niê đi thi chỉ với vốn liếng ít ỏi và đi thi chỉ với nỗ lực của chính bản thân mình. Khi cuộc thi càng đến chặng đua nước rút, H’Hen Niê càng nỗ lực và tỏa sáng trong mỗi thử thách, trong từng bước đi, ngày càng tỏ ra là một đối thủ nặng ký. Thế nhưng không một ai nghĩ rằng H’Hen Niê sẽ giành chiến thắng cuối cùng. Vì không ai đi thi mà “tay không bắt giặc”, nhất là đối với các cuộc thi nhan sắc. Bởi thế mà H’Hen Niê là một trong số ít người đẹp lại nhận được sự yêu mến đặc biệt từ phía người hâm mộ.

Nếu như bạn không trò chuyện, không nhìn thấy sự nỗ lực từng ngày của người ta thì xin ngừng phán xét, ngừng chỉ trích khi chỉ ngồi nhà, xem qua màn hình tivi. Không ít những cô gái như H’Hen Niê đã từng bị bủa vây bởi những lời lẽ chỉ trích, phán xét như thế. Đã thành tiền lệ đối với bất kỳ người đẹp  nào, Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2008 Thùy Lâm, Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2015 Phạm Hương, rồi Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân, Hoa hậu Việt Nam 2015 Kỳ Duyên, Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh,… hầu hết đều ít nhiều bị chê bai, chỉ trích.

Nói vậy để biết rằng, chẳng có hoa hậu nào được lòng toàn bộ số đông. Việc đeo lên đầu chiếc vương miện dành cho người đẹp nhất cũng đồng nghĩa với việc hàng tá những khuyết điểm trên ngoại hình của họ bị lôi ra đánh giá, bởi đơn giản chẳng có cái gì gọi là hoàn hảo và vừa mắt đại đa số.

Nhưng, khi sự đánh giá không dừng lại ở những lời bình phẩm mà biến thành sự miệt thị, lăng mạ, sỉ nhục, mà thậm chí ở đây, lôi cả xuất thân của một cô gái ra để hạ thấp thì có lẽ đã đến lúc chúng ta cùng phải cùng lên tiếng để bảo vệ cho cô gái ấy, cho chiếc vương miện sáng lấp lánh vừa được đặt lên đầu của cô trong đêm đăng quang vừa qua.

Nói như bà Xuân Trang, trưởng Ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 rằng H’Hen Niê bây giờ có thể chưa đẹp, chưa hoàn thiện, nhưng thời gian nữa cô ấy sẽ hoàn thiện bản thân, nhưng điều quan trọng nhất chính là trái tim nhân ái của  cô ấy có sức lan tỏa lớn tới cộng đồng, đó là điều mà chúng ta cần ở một hoa hậu. Hay như chia sẻ của Hoa hậu hoàn vũ 2008 Dayana thì cô cảm nhận được ở H’Hen Niê toát ra sự chân thành, đó là điều mà người ta cần ở một hoa hậu vì cộng đồng và mang những điều tốt đẹp lan tỏa ra xã hội.

Nếu bạn không phải là người trong cuộc thì hãy khiêm tốn và đối xử tối với những người xung quanh, biết đâu họ đang phải chiến đấu với những khó khăn của chính bản thân mình. "Đừng nên đánh giá một cái cây khi chỉ nhìn thấy nó trong một mùa. Cũng giống như việc đừng nên đánh giá con người khi bạn chỉ nhìn thấy họ trong chốc lát. Bản chất con người chỉ có thể đánh giá khi nhìn vào cả một quá trình".

Đừng nói là một hoa hậu khi đã bước vào cuộc thi sắc đẹp là sẽ phải nhận những phán xét về ngoại hình, và điều đó là "cái giá phải trả" cho danh tiếng của họ. Không, không một cô gái nào đáng bị lôi ra và sử dụng những từ ngữ lăng mạ để hạ thấp nhân phẩm. Không một cô gái nào đáng bị lôi những đặc điểm ngoại hình của mình ra để chê bai, mai mỉa. Và cũng không một cô gái nào đáng bị lấy xuất thân, quê hương của mình ra để người khác chà đạp và chế giễu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nếu không phải là người trong cuộc thì xin đừng phán xét”