"Mùng ba tết Thầy", nét đẹp trong đời sống của người Việt

An Bình| 18/02/2018 11:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mùng một tết Cha, mùng hai tết Mẹ, mùng ba tết Thầy”, đó không đơn giản là lịch trình trong 3 ngày Tết mà còn là truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn", “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.

Từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất trong năm của dân tộc Việt Nam. Đây là lúc gia đình sum họp, quây quần bên nhau, là thời gian mà mỗi người dùng để bày tỏ tấm lòng biết ơn, tri ân đến những người xung quanh. Nếu như ngày mùng một và ngày mùng hai Tết, những người con dành để tưởng nhớ công sinh thành, dưỡng dục của gia đình hai bên nội ngoại, làm tròn chữ hiếu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, thì ngày mùng ba Tết lại là ngày mà họ dành riêng để gửi đến thầy cô những lời chúc Tết chân thành nhất.

Mùng ba tết Thầy. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Không thầy đố mày làm nên”. Câu thành ngữ đã bày tỏ sự kính trọng, ngợi ca hết mực đối với người thầy giáo, người có công ươm mầm, chăm bẵm, nuôi dưỡng tâm hồn, tri thức, nhân cách của biết bao thế hệ học trò. Trong quan niệm ngày trước, người thầy là người duy nhất có khả năng dạy cho học trò “đạo làm người’’, dành dụm tâm huyết truyền lại học vấn cho học trò, mong sao học trò đỗ đạt, công thành danh toại. Người thầy khi ấy giữ vị trí quan trọng bậc nhất trong xã hội. Bởi vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về, những người học trò không phân biệt giàu nghèo, địa vị đều đến chúc Tết nhà thầy, dành cho người thầy của mình những câu chúc, những món quà tri ân và tấm lòng kính trọng hết mực.

Trong cuốn Việt Nam phong tục (1915) của cụ Phan Kế Bính đã viết rằng : “Người ta ở đời nhờ có cha mẹ sinh ra mình, lại phải nhờ có thầy dạy cho mình thì mình mới biết việc này việc nọ, mới nên con người, cho nên học trò ở với thầy cũng như con ở với cha mẹ, ấy cũng là một luân thường của Á Đông ta”.

Nói về đạo lý thầy trò xưa, sách viết: “Lúc học gặp khi mồng năm ngày Tết như Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan dương, Tết Trung thu, mùa nào thức ấy hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đương mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền, tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy. Khi nhà thầy có việc, hoặc việc hiếu, hoặc việc hỉ, hoặc khi có kỵ, học trò cũng kiếm lễ vật đến lễ và giúp đáp công việc cho nhà thầy”. Theo đó, thầy đã như cha trong đạo lý thầy trò xưa.

Ngày nay, dù cuộc sống đã trở nên hiện đại nhưng phong tục tết Thầy vẫn được lưu giữ và duy trì, gợi nhớ về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Vào những ngày đầu năm mới, mỗi người Việt Nam đều dành thời gian đến tri ân thầy cô của mình, thậm chí không nhất thiết phải đúng vào ngày mùng ba Tết như cha ông truyền lại.

Học trò tụ họp lại ở nhà thầy cô, dành cho người thầy của mình những bông hoa, những món quà, lời chúc về một năm mới an khang thịnh vượng. Những lứa học sinh đến thăm thầy cô cũ, bày tỏ tấm lòng yêu mến, biết ơn đến công ơn dạy dỗ tận tụy một thời của thầy cô, cũng để tự hào khoe với những người cha, người mẹ thứ hai của mình những thành tựu đạt được trong cuộc sống. Phụ huynh của các thế hệ học sinh, nhân dịp đầu xuân năm mới, cũng bày tỏ sự biết ơn, trân trọng đối với thầy cô, những người đã dìu dắt con em họ nên người…

Với tinh thần đề cao nghề giáo, người dân Việt Nam vẫn luôn quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (một chữ cùng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Và hàng năm khi Tết đến, Xuân về, mỗi người lại trở về với gia đình, cũng là trở về với những người thầy cô đã dạy dỗ mình nên người. Theo đó truyền thống đạo lí tốt đẹp “Mùng ba tết Thầy” sẽ mãi là dòng chảy không ngừng trong đời sống tinh thần của người Việt.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Mùng ba tết Thầy", nét đẹp trong đời sống của người Việt