Luận về hình tượng Trư Bát Giới trong “Tây du ký”

Ý Thơ| 07/02/2019 17:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong “Tây du ký”, Trư Bát Giới có hình thù gớm ghiếc, tham ăn, nhác làm, là một nhân vật điển hình cho dục vọng.

Vậy nhưng, trải qua những biến cố thăng trầm của cuộc đời, con người dường như biết cảm thông hơn, bao dung hơn với Bát Giới. Cùng với đó là sự giác ngộ về bản thân, bởi xét cho cùng, những rắc rối, những thói xấu của Bát Giới thực chất cũng là rắc rối của con người sống ở cõi Ta Bà. 

1. “Tây du ký” - bộ phim truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc, được chuyển thể từ tác phẩm kinh điển cùng tên của tác giả Ngô Thừa Ân, với những hình tượng nhân vật như Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng đã trở thành tượng đài bất hủ gắn liền với tuổi thơ mỗi người. Trên chặng đường thỉnh kinh đầy gian khổ, 4 thầy trò Đường Tam Tạng đã trải qua 81 kiếp  nạn, với rất nhiều những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn.

Thuở ấu thơ, ai cũng một lần ước mơ được hóa thành Tề Thiên Đại Thánh - Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông biến hóa, vung cây thiết bảng nạm vàng trừ ác diệt tà. Và nếu ở trường, lớp có tổ chức diễn kịch về bốn thầy trò Đường Tăng, chắc có lẽ chẳng một đứa bé nào tự muốn nhận vai Trư Bát Giới vừa béo ị, xấu xí, lại còn phàm ăn tục uống, mê gái. Trong tiểu thuyết, Trư Bát Giới mang hình hài của một quái vật “nửa lợn, nửa người”, được đặc tả trong bốn câu thơ dưới đây. 

“Bèo cám bê bết quanh mồm

Tai như chiếc quạt, mắt tròn vàng hoe

Răng nanh nhọn hoắt gớm ghê!

Mõm dài há ngoác đỏ khè đến kinh”.

Trư Bát Giới là vậy, hình thù gớm ghiếc, tham ăn, nhác làm, lại thường ganh tị với Tôn Ngộ Không, nhưng thật thà, thương người quá đến mức…đáng ghét khi không phân biệt được đúng sai, đâu là người, đâu là quái. Đôi khi, chính bởi cái sự “tốt bụng” của Bát Giới nhiều lần làm thầy trò Đường Tăng khốn khổ.

Cho đến khi chiếc bút thời gian vẽ đầy những vệt xạm, vết xước lên cơ thể, trải qua những biến cố thăng trầm của cuộc đời, con người dường như biết cảm thông hơn, bao dung hơn với Bát Giới. Cùng với đó là sự giác ngộ về bản thân, bởi xét cho cùng, những rắc rối, những thói xấu của Bát Giới thực chất cũng là rắc rối của con người sống ở cõi Ta Bà. 

Luận về hình tượng Trư Bát Giới trong “Tây du ký”

Nhân vật Trư Bát Giới trong phim Tây Du Ký

2. Tác giả Ngô Thừa Ân khi sáng tạo ra 4 học trò của Đường Tam Tạng (là một nhân vật có thật) đã khéo léo lồng vào đó hình ảnh tâm thức một con người. 5 thầy trò tượng trưng cho 5 thuộc tính của tâm hồn: Đường Tăng tiêu biểu cho vị tha, nhân ái; Ngộ Không đại diện cho sức mạnh, trí tuệ; Sa Tăng thể hiện tính nhẫn nại; Tiểu Bạch Long cần cù, còn Trư Bát Giới điển hình cho dục vọng - sự ham muốn dành cho chính bản thân mình.

Bát Giới còn có một tên gọi khác là Trư Ngộ Năng do Quan Thế Âm Bồ Tát đặt cho, nghĩa là: “Con lợn (tái sinh) nhận ra, ngộ ra khả năng của mình”. Sở dĩ Quan Thế Âm Bồ Tát đặt cái tên này cho Bát Giới nhằm để ám chỉ việc Bát Giới luôn tự đánh giá mình quá cao (vốn xuất thân là Thiên Bồng Nguyên Soái) mà quên mất mình mang một hình hài kinh khủng. Còn khi trở thành đồ đệ của Đường Tăng, được Sư phụ đặt tên là Bát Giới với ý nghĩa là “Tám ranh giới bị kiềm chế” để nhắc nhở Bát Giới phải luôn biết tu sửa mình.

Ham muốn - Dục vọng của con người, tóm lại cũng là chuyện thường tình ở đời. Thế nhưng, nếu vì cái ham muốn ấy, cái dục vọng ấy mà con người sẵn sàng làm những điều trái luân thường đạo lý, sẵn sàng trộm cắp của người làm của mình, sẵn sàng dùng quyền lực của mình để bắt người khác phải tuân theo ý mình dù người ấy không muốn… thì ấy lại là ham muốn - dục vọng thấp hèn.    

3. Sư phụ đặt tên cho Bát Giới với ý nghĩa “8 ranh giới bị kiềm chế”, theo đạo Phật bao gồm: Không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm ngồi giường quá lâu. Tuy nhiên, theo dõi quá trình phát triển tính cách của nhân vật này từ tiểu thuyết đến phim, nhiều người đã rút ra những ý nghĩa riêng xung quanh cái tên Bát Giới - 8 ranh giới bị kiềm chế. Điển hình đó là: Giới tham ăn, giới háo sắc, giới tham của, giới ghen ghét, đố kỵ người tài, giới sợ khổ, sợ khó và giới tham công lao.

Xét về Giới tham ăn, có lẽ không ai tham ăn như… Trư Bát Giới. Chính vì   tham ăn nên trên đường đi lấy kinh, Bát Giới đã gặp rất nhiều phiền toái, vô cùng nguy hiểm. Nếu không có sự ngăn cản, trợ giúp của Tôn Ngộ Không thì Trư Bát Giới sớm đã trở thành “món ngon” trong miệng bầy yêu quái.

Và cũng bởi sự tham ăn của Bát Giới mà cả đến cuối cuộc hành trình đến Tây Thiên thỉnh kinh, khi tất cả các nhân vật chính, những đồ đệ khác của Đường Tam Tạng đều được phong làm Phật hoặc La Hán, riêng Bát Giới chỉ được phong là “Tịnh đàn sứ giả” với phần thưởng là công việc “lau dọn bàn thờ”, nơi mà Lão Trư có thể ăn thỏa thích những hoa quả thừa trên bàn thờ.

Giới háo sắc cũng là một trong những giới luật mà Bát Giới phạm phải. Và cũng bởi háo sắc nên Bát Giới mới bị đày xuống trần gian, mất luôn chức Thiên Bồng Nguyên Soái oai phong lẫm liệt trên thiên đình. Khi bắt đầu bước trên hành trình đến Tây Thiên lấy kinh, Trư Bát Giới hễ nhìn thấy gái đẹp là lập tức mọi người “tìm không ra” nữa, không còn phân biệt được người hay yêu quái nên đã nhiều lần bị nguy hiểm, và thậm chí còn khiến chính sư phụ của mình bị yêu quái bắt đi.  

Trên đường đi lấy kinh, mỗi khi gặp yêu quái ngăn trở, ngay cả Tôn Ngộ Không cũng không có kế thì Trư Bát Giới luôn áng chừng phần của cải của mình trong đoàn và nhớ kỹ rồi sau đó… Có lẽ, nhiều người hâm mộ bộ phim Tây du ký còn nhớ như in câu nói của Bát Giới mỗi khi có chuyện: “Sa sư đệ, chắc Sư phụ đã bị yêu quái ăn thịt mất rồi, chúng ta chia hành lý ra thôi…”. Đây chính là Giới tham của của Bát Giới.

Chưa hết, Bát Giới còn phạm phải Giới ghen ghét, đố kỵ người tài, mà “đối thủ” điển hình chính là Tôn Ngộ Không. Trư Bát Giới luôn là người châm ngòi ly gián, ngấm ngầm đả kích Tôn Ngộ Không. Đường Tăng trong lòng ít nhiều cũng hiểu rõ, Ngộ Không và Ngộ Tĩnh nhiều lần tố giác, khiển trách đúng lúc mới khiến cho “âm mưu” của Trư Bát Giới lần lượt thất bại. Dần dần, Trư Bát Giới đã vượt qua được khuyết điểm “lợi cho địch, hại cho bản thân” này, khiến cho bản thân mình hoàn toàn dung nhập, hỗ trợ sư huynh, sư đệ hoàn thành sứ mệnh.

Bát Giới còn phạm phải Giới nói dối, lừa gạt, không ít lần nói dối sư phụ Đường Tăng, Tôn Ngộ Không. Đứng trước hành vi không tốt này, Ngộ Không đã nhiều lần sử dụng phép biến hóa của mình để kịp thời vạch trần và uốn nắn cho Trư Bát Giới. Điều này dần dần giúp Trư Bát Giới vứt bỏ “giả” mà theo “thật”, không bao giờ làm giả nữa.

Một trong 8 giới luật mà Trư Bát Giới đã phạm và vượt qua còn có Giới ham ngủ. Trong tập phim “Ba lần đánh Bạch cốt tinh”, khi Tôn Ngộ Không bị sư phụ đuổi đi, Trư Bát Giới vì tham ngủ nên đã làm hại Đường Tăng bị yêu quái bắt vào huyệt động. Không những thế, nhiều lần trên đường đi xin đồ ăn, Trư Bát Giới lại trốn ở trong rừng cây mà ngủ ngon lành. Điều thú vị là mỗi khi bắt gặp Bát Giới ngủ, Ngộ Không lại biến thành những con côn trùng nhỏ để trêu cợt và cảnh giới; hoặc Ngộ Không sẽ tự mình làm trước, giúp Trư Bát Giới nhìn thấy mà làm theo. Cứ như vậy, khiến cho Trư Bát Giới xấu hổ, không dám lười biếng nữa.

Trên đường đi lấy kinh, núi cao, nước sâu lại có vô vàn khổ nạn giữa đường. Mỗi khi gặp khó khăn, khổ nạn, Trư Bát Giới lại dễ dàng đòi rút lui, nửa đường bỏ cuộc. Đây chính là Giới sợ khó, sợ khổ mà Bát Giới đã phạm và đã vượt qua sau này. Những lúc như vậy, Đường Tăng, Ngộ Không và Sa Tăng đều có những lời nói động viên, khích lệ Trư Bát Giới cố gắng vượt qua khó khăn. Cuối cùng, Trư Bát Giới cũng cam tâm tình nguyện hết lòng cho sứ mệnh của mình và hoàn toàn thoát ra khỏi cảm xúc sợ hãi ấy.

Còn giới luật cuối cùng mà Bát Giới cũng phạm phải và vượt qua ấy là Giới tham công lao. Trư Bát Giới có công phu không cao, mỗi lần gặp yêu quái thì thực sự rất ít khi giao chiến mà thường thường là chạy trốn, nhiều nhất cũng là “vừa đánh vừa lui”. Thế nhưng, Bát Giới lại có tính tham công lao, luôn lấy công của người khác làm công của mình để “tâu” lên sư phụ nhằm tranh công. Với tính xấu này, Tôn Ngộ Không không hề ghét bỏ mà còn dần giúp đỡ để Bát Giới từ bỏ. Cuối cùng, nhờ sự kiên nhẫn giúp đỡ của Đường Tăng và sư huynh, sư đệ mà cuối cùng Trư Bát Giới cũng vượt qua được khuyết điểm này.

4. Hình tượng Trư Bát Giới đã làm sinh động thêm cho tiểu thuyết “Tây du ký”, làm cho tác phẩm thêm phần hài hước và lôi cuốn. Tính chân thực của nhân vật cũng đã góp phần làm cho tác phẩm gần gũi hơn với cuộc sống. Có thể nói, Trư Bát Giới chính là gạch nối khiến cho tiểu thuyết tưởng như giả tưởng mà lại tràn đầy hình ảnh chân thực, sống động.

Nhân vật Trư Bát Giới xuất hiện trong tác phẩm của Ngô Thừa Ân là nhân vật chuyên chở rất nhiều dụng ý của tác giả. Cho đến cuối cùng dù cho có bao nhiêu tính xấu, bao nhiêu lỗi lầm thì Trư Bát Giới vẫn luôn được Ngô Thừa Ân khắc họa như một hình tượng của cái thiện. Chính vì vậy mà những độc giả của cuốn tiểu thuyết Tây du ký và các khán giả của bộ phim truyền hình cùng tên không hề ghét bỏ nhân vật mà trái lại, thêm phần yêu quý Trư Bát Giới.

Xin được mượn lời diễn viên Mã Đức Hoa - nổi tiếng với vai diễn Trư Bát Giới trong Tây du ký - về những điều ông cảm ngộ được sau khi đóng bộ phim kinh điển này. “Sau khi trải qua 81 kiếp nạn và lấy được chân kinh, sư phụ tôi thành Phật, Hầu ca thành Phật, Sa sư đệ mặc dù không thành Phật, nhưng cũng thành La Hán, vậy tại sao chỉ có Lão Trư tôi vẫn là hành giả? Từ điều này tôi ngộ ra rằng Đường Tăng đại diện cho tinh thần, Ngộ Không đại diện cho sức mạnh, Sa Tăng đại diện cho sự cần mẫn, nhẫn nại, chỉ có Trư Bát Giới là đại diện cho dục vọng. Tức là con người không bao giờ có thể loại bỏ được dục vọng của mình.

Vậy nên sau khi đóng Trư Bát Giới, tôi luôn tự nhủ với bản thân rằng bất kể trong công việc hay trong cuộc sống đều nhất định phải kìm xuống dục vọng của mình, như vậy cuộc sống mới tốt đẹp được”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luận về hình tượng Trư Bát Giới trong “Tây du ký”