Đến hẹn lại lên, đợt phong tăng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), nghệ sĩ nhân dân (NSND) năm 2018 lại đầy những “lời ong tiếng ve” về việc ai “đỗ”, ai trượt, gây ra nhiều chuyện bi hài về chủ đề này.

Câu chuyện lẽ ra không có gì đáng bàn nếu như mọi chuyện diễn ra minh bạch và công bằng. Nhưng lắt léo ở chỗ là rất nhiều nghệ sĩ hiển hiện trong lòng công chúng với những đóng góp không phải bàn cãi, nhưng lại bị đánh trượt vì không có đủ số huy chương và thành tích theo quy định. Hơn thế nữa, một số trường hợp còn bị “trượt vỏ chuối” vì không đạt đủ số phiếu bầu, hoặc thừa thành tích và huy chương nhưng “quên” không khai trong hồ sơ.

Vấn đề mấu chốt gây ra sự bất công, trăn trở phải chăng là quy định cứng nhắc về số huy chương vàng, bạc... mà các nghệ sĩ phải giành được. Nhưng không phải thế, vì một số nghệ sĩ vẫn được đặc cách phong nghệ sĩ ưu tú hoặc nghệ sĩ nhân dân khi đã “nhắm mắt xuôi tay”, hoặc điển hình như trường hợp của “danh hài” Hoài Linh, anh  được đặc cách phong NSƯT dù chưa đạt đủ số huy chương trong các kỳ hội diễn và liên hoan.

Lại lùm xùm... danh hiệu

Danh hài Hoài Linh từng được đặc cách phong danh hiệu NSƯT

Viết như thế để cho chúng ta thấy, danh hiệu được một tổ chức hay cá nhân nào đó trao tặng không phải là cái quan trọng nhất đối với người nghệ sĩ. Mà danh hiệu lớn nhất, đáng trân trọng nhất chính là sức sống của họ trong lòng nhân dân. Dù chỉ là danh hiệu khán giả tự phong cho những đóng góp của họ nhưng để có được danh hiệu tự phong đó, người nghệ sĩ phải đổ mồ hôi và xương máu thực sự. Ví dụ như, Nghệ sĩ Xuân Hinh  được đa số người dân trong nghề đánh giá là quá xứng đáng, để lại dấu ấn số 1 với các vai hề chèo trong lòng công chúng nhưng vẫn trượt danh hiệu NSND. Nhưng chính Xuân Hinh từng nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ đến chuyện đi xin hay được mất danh hiệu mà chỉ vui khi tên tuổi mình còn sống trong lòng công chúng. Khán giả hay giới chuyên môn trao cho tôi danh hiệu nào, tôi sẽ nhận danh hiệu đó”. Còn theo NSƯT Chí Trung: “Quà thì nên đúng lúc, đúng chỗ!”. Anh chia sẻ: “Phải nói là từ trước đến giờ tôi cũng không mấy tin tưởng vào việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho lắm vì cả tiêu chí lẫn quy trình xét duyệt đều vẻ như không được thuyết phục cho lắm. Có người chẳng được Nhà nước phong tặng danh hiệu, nhưng chỗ đứng của họ trong lòng khán giả thì không ai là không nhìn thấy; có người lại được ưu tiên xét tặng, đôi khi cả vì những yếu tố “duy cảm” như: Phụ nữ, đột tử…

Trước đây, khi khán giả nghe đến các danh hiệu NSƯT, NSND thì nghệ sĩ được phong danh hiệu đó gần như ai cũng biết, ai cũng cảm phục và yêu mến. Sự nghi nhận về danh hiệu của các nghệ sĩ thời đó không chỉ ở huy chương, thành tích, vai diễn mà còn cả sự hi sinh nghề nghiệp, sự cống hiến cho khán giả trong mọi hoàn cảnh: thiếu thốn, chiến tranh, đói nghèo.... Bây giờ, không chỉ “bội thực” các loại hình nghệ thuật, giải trí mà còn liên tục xuất hiện những cơn “mưa” danh hiệu “hão”. Những danh hiệu dễ dãi không chỉ gây bức xúc cho dư luận mà còn khiến tâm lý những người làm nghề chân chính, cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm.

Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần phải xem lại các tiêu chí cũng như quy trình xét duyệt khá cứng nhắc và rắc rối - những điều kiện khiến cho việc vinh danh những nghệ sĩ chân chính thực sự gặp quá nhiều rào cản.

Với các nghệ sĩ, danh hiệu mà họ thấy ý nghĩa nhất chính là danh hiệu trong lòng nhân dân. Nên chăng, cùng với những danh hiệu NSƯT, NSND mà Nhà nước ban tặng thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có những đặc cách, hoặc tổ chức một danh hiệu để nhân dân bình chọn cho những nghệ sĩ mà họ yêu mến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lại lùm xùm... danh hiệu