Hai làng nghề mới toanh tham gia Festival làng nghề truyền thống 2017

Hà Thu| 07/02/2017 07:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù mới tham gia Festival nghề truyền thống Huế, nhưng cả làng gốm Mỹ Thiện, và làng dệt đũi, tơ tằm ở xã Nam Cao đều có những sản phẩm độc đáo, đặc trưng của từng vùng miền.

Festival nghề truyền thống Huế 2017 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" diễn ra từ ngày 28/4 đến ngày 2/5/2017, là nơi quy tụ tinh hoa từ những làng nghề, cơ sở nghề nổi tiếng trong cả nước.

Đến thời điểm này, đã có 41 cơ sở nghề, làng nghề truyền thống Huế và 20 cơ sở nghề, làng nghề tiêu biểu, đặc sắc trong cả nước đăng ký tham gia.

Bên cạnh những làng nghề nổi tiếng tiếp tục đồng hành cùng Festival nghề truyền thống Huế 2017 như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng mộc Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Dệt lanh thổ cẩm truyền thống Hà Giang, Đậu bạc làng Định Công (Hà Nội), làng dệt lụa Hội An, làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp - Ninh Thuận, một số làng nghề mới đã đăng ký tham gia Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VII như làng dệt đũi, tơ tằm xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình và gốm Mỹ Thiện (Quảng Ngãi).

Ban Tổ chức Festival Chuyên đề Huế 2017 đặc biệt giới thiệu hai làng nghề truyền thống mới đăng ký tham gia là làng dệt đũi, tơ tằm ở xã Nam Cao và làng gốm Mỹ Thiện. Đây là hai làng nghề có những sản phẩm độc đáo, đặc trưng của từng vùng miền trong cả nước. Mặc dù đây là lần đầu tiên các làng nghề truyền thống này tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2017 nhưng những sản phẩm các làng nghề đem đến phô diễn, trưng bày tại Festival 2017 hứa hẹn mang lại cho du khách và công chúng những cảm xúc khó quên.

Gốm Mỹ Thiện với lịch sử hơn 200 năm

Làng gốm Mỹ Thiện tọa lạc tại thôn Mỹ Thiên (nay là tổ dân phố 2, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Đây là một trong những làng gốm cổ nổi tiếng một thời ở miền Trung Việt Nam. Nghệ nhân của làng gốm này đã từng sản xuất đồ ngự dụng tinh xảo cho Chúa Nguyễn, được khen và ban sắc phong. Theo bản Tông đồ ghi các phả hệ, hiện đang treo ở nhà Từ đường thờ Tổ nghề gốm Mỹ Thiện Châu Ổ, làng gốm này có thể được “khai sinh” từ khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Người khai mở làng gốm ở đây là ông Phạm Công Đắc và ông Nguyễn Công Ất, quê Thanh Hóa vào Quảng Ngãi lập nghiệp.

Hai làng nghề mới toanh tham gia Festival làng nghề truyền thống 2017

Ngược dòng lịch sử, theo “Quảng Ngãi tỉnh chí” (1933), toàn tỉnh lúc này có các lò gốm ở Đông Thành, Đại Lộc (Sơn Tịnh), Thạnh Hiếu, Chí Trung (Đức Phổ), Bồ Đề (Mộ Đức), trong đó Mỹ Thiện là nổi tiếng nhất. Vậy mà hơn 200 năm trước đã có sự giao thoa văn hóa Việt-Chăm thể hiện qua các hiện vật sành, gốm tại lò gốm cổ Tịnh Châu, để rồi sau đó đã góp phần tạo nên phong cách độc đáo của dòng gốm Mỹ Thiện nổi tiếng khắp miền Trung Việt Nam. Đây quả là sự hóa thân kỳ diệu, như ngầm chứa câu trả lời về cội nguồn của dòng gốm Mỹ Thiện có thể còn lùi xa hơn nữa so với niên đại phỏng chừng theo văn tự và bia ký hiện có về gốm Mỹ Thiện Châu Ổ qua dòng chảy thời gian.

Qua khảo sát các di tích khảo cổ và lịch sử ở Quảng Ngãi, cũng như vùng Kon Tum, có thể thấy rằng càng về sau, nhất là nửa sau thế kỷ XIX, hiện vật cũng như các mảnh của lò gốm Châu Ổ đã tồn tại phổ biến và đều khắp. Nhờ nằm ở vị trí thuận tiện, sản phẩm gốm Mỹ Thiện khi xuất lò được vận chuyển đi các nơi dễ dàng.

Có thời sản phẩm gốm Mỹ Thiện qua cửa biển Sa Cần đã ra tới Đồng Hới, Đông Hà, Vinh…vào đến Bình Định, Khánh Hòa, đến tận các tỉnh miền Nam, sang cả Lào và Campuchia. Hoặc theo đường bộ, đường sông ngược lên miền núi xa xôi. Nhiều ché rượu cần xuất xứ từ lò gốm Mỹ Thiện Châu Ổ nay vẫn còn là một phần tài sản quý giá của các dân tộc ít người vùng Tây Nguyên.

Gốm Mỹ Thiện được sản xuất thủ công với kỹ thuật bàn xoay. Nguyên liệu làm gốm là đất sét được lọc kỹ tạp chất. Người thợ vuốt đất trên bàn xoay để tạo dáng cho sản phẩm (gọi là xương gốm). Sau khi sản phẩm tạo dáng xong, người thợ dùng dao hoặc cật tre gọt đều cho da gốm thêm nhẵn. Để trang trí sản phẩm, người thợ gốm lên những hoa văn đắp nổi các hình rồng, phụng, trúc, sóc, chim, thú, hoa, nhũ đinh…sau đó, tạo cắt chân và đem ra phơi khô rồi đưa vào lò nung. Thời gian nung thông thường là ba ngày.

Kỹ thuật tráng men gốm Mỹ Thiện phải nung qua 2 lửa. Lần nung thứ nhất để tạo cho xương gốm chắc. Lần thứ 2 sản phẩm gốm được nhúng men rồi cho vào lò nung. Khi nung ở nhiệt độ khác nhau sẽ tạo nên sự thay đổi về màu sắc cho mỗi sản phẩm. Đôi khi có những sản phẩm hỏa biến trở thành độc bản thật hấp dẫn, vì hiện nay vẫn còn nung bằng củi theo truyền thồng nên không khống chế được nhiệt độ sản phẩm ra lò, nghệ nhân không thể làm được sản phẩm thứ hai giống y như thế.

Sắc màu nâu, tím đậm ngả sang xanh vàng, thẳm sâu, huyền bí, đầy quyến rũ của men gốm Mỹ Thiện Châu Ổ trên các loại sản phẩm này đã thể hiện đặc sắc cá tính địa phương, khiến người xem liên tưởng đến màu sắc của những hiện vật gốm trang trí trên tường và nóc của các tháp Chăm trong vùng miền Trung Việt Nam.

Còn nhớ chuyến đi của Hoa hậu Ngọc Hân cùng các nhà thiết kế trẻ hồi tháng 11 năm ngoái tới làng gốm cổ 500 tuổi Phước Tích và làng gốm Mỹ Thiện (Quảng Ngãi). Hoa hậu Việt Nam 2010, Ngọc Hân cho biết đó là chuyến đi nhiều ý nghĩa và mang lại nhiều trải nghiệm đối với những nhà thiết kế trẻ như cô.

Hai làng nghề mới toanh tham gia Festival làng nghề truyền thống 2017

Hoa  hậu Ngọc Hân cùng các nhà thiết kế được trải nghiệm cùng các nghệ nhân của làng gốm Mỹ Thiện

“Đến Phước Tích, Mỹ Thiện đúng những ngày mưa bão, chứng kiến sự vất vả, lam lũ của người dân ở mảnh đất này, đời sống vất vả là thế, nhưng họ vẫn bám trụ, vẫn say nghề, chỉ cần nhìn cái cách họ lựa chọn từng thớ đất, cẩn thận nhào nặn, chăm chú tỉ mẩn từng chi tiết, tôi cảm nhận được tình yêu họ dành cho nghề này lớn lắm, và chúng tôi, những NTK cũng mong làm được điều gì đó để giúp sức cho họ, những con người dành trọn cả đời tâm huyết với vốn quý của cha ông”- Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ.

Nghề dệt đũi, tơ tằm của "vựa luá" miền Bắc

Hai làng nghề mới toanh tham gia Festival làng nghề truyền thống 2017

Là một tỉnh nằm ở đồng bằng ven biển phía Nam châu thổ sông Hồng, Thái Bình được biết đến không chỉ là "vựa lúa" của miền bắc Việt Nam mà còn là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển từ nhiều đời nay. Trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm, nghề và làng nghề đã tồn tại và phát triển ở Thái Bình như một phầnkhông thể tách rời lịch sử mỗi làng quê, thôn xóm của vùng đất này. Làng nghề dệt đũi Nam Cao là một trong những làng như thế.

Theo các tài liệu lịch sử, ngay từ thế kỷ thứ nhất nghề dệt đã sớm xuất hiện ở Thái Bình, trước khi có sự xuất hiện và phát triển của các nghề rèn, đúc hay đan lát mây tre… Nghề dệt đũi vốn là nghề truyền thống của làng Cao Bạt - một trong hai làng của Nam Cao. Chưa ai biết được nghề đũi có tự bao giờ, nhưng theo các cụ già thì đã rất lâu rồi những tấm đũi truyền thống được nhuộm màu xanh màu đỏ là một vật dụng trang trí thắt lưng rất quen thuộc cho các bà, các chị ở thị thành.

Ðiều mà khách hàng quan tâm nhất đến các sản phẩm đũi của Nam Cao có lẽ chính bởi tính dân tộc, tính nghệ thuật cổ truyền dân gian của chúng. Ðó là những sản phẩm không phải sản xuất dây chuyền hàng loạt mà là hàng được làm thủ công đòi hỏi sự công phu cần mẫn của người nghệ nhân, mỗi một sản phẩm là cả một quá trình sản xuất đi từ nguyên liệu tự nhiên kết hợp với óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người Nam Cao. Để có được những tấm đũi mềm mại với những gam màu đất, nâu đỏ, tím tía… đó là cả những ngày lao động rất vất vả để từ những mảnh kén tằm, những gốc đũi tưởng chừng như chỉ còn là phế thải lại được những người thợ ở Nam Cao biến thành những tấm vải có giá trị thông qua rất nhiều công đoạn từ tẩy chuội, xe sợi, nhuộm màu…

VIDEO

Làng dệt đũi, tơ tằm ở xã Nam Cao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai làng nghề mới toanh tham gia Festival làng nghề truyền thống 2017