Gameshow truyền hình như “nồi lẩu thẩm cẩm” kém hấp dẫn

Hà Thu| 15/07/2017 14:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gameshow truyền hình giống như một món ăn hấp dẫn đối với khán giả. Nhưng càng về sau, “món ăn” này càng đuối. Người xem còn “đã” thì đã ngao ngán bởi sự nhạt nhẽo, lên gân, thậm chí là nhảm nhí đủ các thứ được bày ra như “một nồi lẩu thập cẩm” kém ngon.

Nói về số lượng gameshow trên truyền hình thì khỏi phải nói, nhưng nói về màu sắc riêng mà khán giả nhớ lại thiếu. Nói thiếu bởi cứ nhìn vào một vài chương trình được đánh giá là hot như Vietnam’s Next Top Model, The Face Vietnam, Vietnam Idol, The Voice Vietnam, The Voice Kids, Thách thức danh hài, Giọng ải giọng ai…thì người ta dễ dàng nhận ra, sự giao thoa giữa các chương trình, hao hao giống nhau, chưa nói đến việc thí sinh đi thi cũng “nhảy” từ cuộc thi này sang cuộc thi khác, thí sinh mới thì chưa nổi bật mà chủ yếu là các thí sinh đã quen mặt, quen sóng truyền hình.

Mặc dù biết, tiêu chí của mỗi chương trình là không giống nhau, nhưng khó tìm thấy một chương trình nào làm cho khán giả hào hứng như ở thời điểm ban đầu, khi mà mọi thứ vừa mới đầu. Khó có ai phủ nhận, Vietnam’s Next Top Model, Vietnam Idol, The Voice,…đều là các chương trình “đinh” vào mỗi tối cuối tuần, được nhiều khán giả hồi hộp theo dõi. Mỗi một tập phát sóng của các chương trình này, rating quảng cáo lúc nào cũng cao, lượt người xem có thể lên tới hàng triệu…

Gameshow truyền hình như “nồi lẩu thẩm cẩm” kém hấp dẫn

Chung kết The Face 2016 bị chỉ trích vì dàn dựng từ nhiều gameshow khác, không có điểm nhấn

Nhưng “thời oanh liệt ấy” còn đâu? Một The Face nổi đình nổi đám ở năm đầu tiên ra mắt với những cái tên hot như Hồ Ngọc Hà, Lan Khuê, Phạm Hương cuối cùng vẫn không thể “cứu” vì những tính toán của nhà sản xuất. Còn nhớ mùa đầu tiên của The Face, sau hàng loạt những tập phát sóng gây sốt cho khán giả, thì đêm Chung kết lại gây thất vọng bất nhiêu khi trở thành “nồi lẩu thập cẩm” từ nhiều gameshow khác, như Next's Top Model, Hoa hậu Việt Nam và Bước nhảy Hoàn vũ...mà món nào cũng “chẳng tới”.

Chia sẻ về gameshow truyền hình hiện nay, Khánh Thi cho biết cô không ngại tham gia nếu nhận được lời mời. Tuy nhiên, cô chỉ chọn lựa những gameshow phù hợp với mình. Khánh Thi cho biết cô không hào  hứng lắm khi tham gia làm giám khảo bởi gameshow hiện giờ như "nồi lẩu thập cẩm". Khánh Thi muốn xuất hiện ở những chương trình giúp cô được ghi nhận về chuyên môn.

Gameshow truyền hình như “nồi lẩu thẩm cẩm” kém hấp dẫn

Nữ hoàng dancesport Khánh Thi

Một người khác vốn rất quan tâm tới các chương trình truyền hình cũng có quan điểm như thế này: “Sẽ rất đáng buồn nếu truyền hình Việt giống như nồi lẩu thập cẩm, nơi bày biện những gameshow có xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới. Giá trị Việt cần được khẳng định và lan tỏa trong những chương trình do chính người Việt xây dựng và sản xuất”.

Danh hài Trường Giang từng từ chối nhận show vì “chương trình gì mà như một cái nồi lẩu thập cẩm, tôi đã thốt lên như thế với quản lý của mình. Tiền bạc không quan trọng nhưng Trường Giang sẽ không tham gia những show như nồi lẩu thế này”.

Có thể thấy, việc lạm phát các gameshow như hiện nay trong khi số lượng nghệ sĩ thực sự có khả năng lại có hạn dẫn tới tình trạng các nghệ sĩ chạy sô hết chương trình này tới chương trình khác. Quanh đi quẩn lại ở phía Nam có các nghệ sĩ Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương, Thúy Nga, Trường Giang, Hiếu Hiền... Ở miền Bắc cũng không nhiều hơn mấy tên tuổi quen thuộc như Tự Long, Công Lý, Xuân Bắc, Quang Thắng, Vân Dung...

Mới đây giữa ồn ào phát ngôn của nhạc sĩ Vinh Sử về nghệ sĩ Hoài Linh là không biết gì về Bolero, "ông vua nhạc sến" cũng đã có những chia sẻ trên sóng truyền hình về “nồi lẩu thập cẩm” mang tên các gameshow truyền hình hiện nay. Theo nhạc sĩ Vinh Sử, nhiều nhà sản xuất do chạy theo yếu tố thương mại mà bất chấp tất cả để làm chương trình, câu khách và nhiều chương trình như “nồi lẩu thập cẩm”.

Thực tế cho thấy, chỉ với một cuộc thi âm nhạc, tìm kiếm giọng hát hay đã mấy format hao hao, thời trang cũng vậy, còn chương trình hài thì khỏi phải nói. Đành rằng tiêu chí mỗi gameshow khác nhau nhưng cái người ta dễ nhìn thấy nhất chính là dàn thí sinh và ban giám khảo “chai mặt” trên sóng truyền hình. Chưa kể việc nhà sản xuất dàn dựng, tạo ra kịch tính để câu view, hút khán giả bằng cả scandal, kịch dramma…

Gameshow truyền hình như “nồi lẩu thẩm cẩm” kém hấp dẫn

Hương Tràm đăng quang Giọng hát Việt mùa đầu tiên

Còn nhớ, chương trình Giọng hát Việt mùa đầu tiên, khán giả gần như "quay cuồng" với vòng "Đối đầu" thì đến mùa thứ hai (năm 2013) đã gần như "hụt hơi", khán giả kém mặn mà, lượng rating giảm đáng kể. Chưa kể khi kết thúc, ấn tượng về sự thiếu công bằng trong việc chọn “Giọng hát Việt” tài năng nhất vẫn còn ám ảnh khán giả. Có lẽ tính đến thời điểm này, chỉ còn duy nhất chương trình "Gương mặt thân quen" mang yếu tố hài hước, vui nhộn và có ý nghĩa nhân văn là được khán giả trông đợi.

Sự dễ dãi, thiếu tính độc đáo, riêng biệt, sự chỉn chu...  từ nội dung cho đến kịch bản chương trình từ các nhà sản xuất đã khiến mọi thứ trở nên “thập cẩm” đủ món nhưng lại kém ngon, kém hấp dẫn. Chưa kể, một vài gameshow có  nội dung na ná nhau như: "Sao Mai", "Sao Mai điểm hẹn", "Tiếng hát truyền hình" hay "Giọng hát Việt", "Việt Nam Idol"...  Ngay như chương trình "Vietnam’s Got talent" được kỳ vọng là vậy mà khán giả cũng bắt đầu hết kiên nhẫn để theo dõi, tài năng thí sinh chưa nổi bật, ban giám khảo chưa thực sự thuyết phục cũng như "lẩu thập cẩm" tài năng từ múa, hát, xiếc... đã khiến chương trình rơi vào tình trạng "xem cũng được, không cũng chẳng sao". Hay như chương trình "Giọng hát Việt - The voice" cũng vậy, khán giả đang có cảm giác chương trình này rơi vào cảnh "chợ chiều". Rõ ràng mùa thứ hai thí sinh chưa có tài năng nổi bật, MC non tay nghề hay huấn luyện viên quá nghiêm túc, không biết bày chiêu trò để khuấy động sân khấu là những lý do khiến "Giọng hát Việt- The Voice" giảm nhiệt.

Đã đến lúc cần có sự chấn chỉnh, thanh lọc những chương trình giải trí nhảm nhí. Với khán giả, hãy là những người xem truyền hình văn minh, nói "không" với gameshow nhảm nhí. Kinh tế, xã hội phát triển, nhu cầu văn hóa giải trí của con người tăng cao nhưng nếu để đến mức quá tải thì khán giả rất dễ lại mắc chứng "bội thực" và đương nhiên, chương trình sẽ mất đi ý nghĩa vốn có mà chỉ chạy theo lợi nhuận và cùng với đó là việc cho ra đời với những tài năng còn quá non kém cho làng giải trí Việt.


 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gameshow truyền hình như “nồi lẩu thẩm cẩm” kém hấp dẫn