Điệu dân ca trên sóng đá biên thùy

Nguyễn Trung Thành| 20/02/2018 11:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong đời sống văn hóa của người Cơ Tu trên dải Trường Sơn, vũ điệu Tâng tung da dá, hay còn gọi “Vũ điệu dâng trời” là nghệ thuật diễn xướng nổi trội và được nhiều người yêu thích.

Từ bao đời nay, người Cơ Tu múa Tâng tung da dá như một cách để kết nối giữa thế giới thực tại với vũ trụ, tổ tiên, ông bà và các vị thần.

Màn múa này chưa dứt thì vũ khúc kia lại tấu lên, cứ thế bữa tiệc âm nhạc kéo dài ra mãi. Để rồi lòng khách thượng sơn cứ thế mà theo “bước đá, bước mây”, để tiếng chiêng, tiếng trống đưa đường mà về với mỗi nếp sàn ấm áp trên sóng đá quê hương.

Đề cao tính cộng đồng

Theo ước tính, trên toàn dãy Trường Sơn hiện nay có khoảng trên 20 sắc dân sinh sống với nhiều hệ ngôn ngữ khác nhau, tập trung trong hai hệ chính là Mã lai - Pa Đoal và Môn - Khơ me. Có thể nói, Trường Sơn là nơi nương tựa an toàn cho các bộ tộc thiên di đến từ hải đảo hoặc đất liền. Chính những sắc dân này đã tạo nên những nếp sống và nền văn hóa hết sức đặc thù và đa dạng. Có thể kể ra đây biết bao điệu dân ca, dân vũ làm say đắm lòng người, từ người Pa Cô sống trên địa bàn biên giới các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế với tiếng đàn Talư và bài A Dà lúc tha thiết nhớ thương, lúc trách hờn. Đến những bài Păn tưi (lẻ loi) da diết kể về nỗi buồn của chàng trai vượt núi băng sông tìm bạn yêu nhưng người ấy đã bị chàng trai khác giành mất. Tất cả những làn điệu đó khi vang lên đều khiến cho người nghe xao xuyến.

Điệu dân ca trên sóng đá biên thùy

Thiếu nữ Cơ Tu trong điệu Tâng tung da dá    

Nhưng có lẽ, khi nói về bản sắc văn hóa của các tộc người sống trên dải Trường Sơn thì không thể không nhắc đến người Jẻ-T’riêng và Cơ Tu ở xứ trầm hương Quảng Nam. Văn hóa tộc người Cơ Tu không chỉ đa dạng và phong phú mà còn tiềm ẩn trong đó biết bao triết lí nhân sinh quan của con người đã quen sống khoáng đạt giữa núi rừng. Ngoài các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, mừng nhà mới hay cưới hỏi, người Cơ Tu còn nổi tiếng với các làn điệu P’rá pr’ma, têng bh’noóch, tr’a (nói lý - hát lý truyền thống)...

Già làng Cơlâu Nâm ở thôn Pơr-ning, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, tâm sự: “Nói lý - hát lý là cả một quá trình rèn luyện, trải nghiệm, học tập, tích lũy những cái hay cái đẹp trong cuộc sống hàng ngày, từ mối quan hệ giữa con người với nhau, đến thiên nhiên, địa lợi sinh cảnh quanh vùng. Từ đó giải quyết những tình huống khó nhằm đạt được hiệu quả cao giữa các cá thể”. Già Nâm cũng phân tích thêm rằng, điệu hát này là hình thức ứng khẩu sử dụng vào mục đích sinh hoạt văn hóa văn nghệ trong đời sống người Cơ Tu. Nói lý hát lý không nhất thiết là phải dùng triết lý để phân tích một sự việc hiện tượng, mà dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa ví cái này hiểu nghĩa cái kia. Vì thế nói lý hát lý luôn kích thích người nghe, giúp đối phương hiểu sâu công việc và đồng cảm với nhau.

Song, trong đời sống văn hóa của Cơ Tu, độc đáo nhất phải kể đến lễ hội dân ca dân vũ tân’tung, da’dă (tâng tung da dá), hay còn gọi là “Vũ điệu dâng trời”. Đây là điệu múa đặc trưng của người Cơ Tu mang tính tập thể rất cao, là sự kết hợp giữa nam và nữ, giữa âm thanh cồng chiêng cùng với tiếng “hú” vang xa, cao vút như nốt nhấn âm làm mạnh mẽ thêm cho ngôn ngữ múa. Có thể nói tâng tung da dá là một điệu múa đẹp, vui nhộn, thu hút nhiều người tham gia.

Khát vọng vươn lên

Chính vì ưu điểm là đề cao tính cộng đồng như thế nên trong rất nhiều điệu múa, người Cơ Tu thích nhất là Tâng tung da dá. Bởi nó là một trong số ít những làn điệu ca dân vũ hòa trộn cho thấy sự đoàn kết, một lòng của đàn ông, thanh niên với đàn bà và thiếu nữ Cơ Tu. Trong không gian bao la của núi rừng, vòng tròn nam nữ thanh niên di chuyển nhịp nhàng sinh động cùng với âm thanh cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống khác luôn ngân dài tan vào vũ trụ như một lời cầu nguyện người Cơ Tu gửi tới đấng thần linh và tổ tiên. Họ tin rằng thần đất, thần sông, thần suối cho họ cái ăn và Giàng nghĩa là trời cho họ cái nghĩ, cái tin vào sức mạnh để vượt qua, sống mạnh mẽ với nắng gió và núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Điệu dân ca trên sóng đá biên thùy

Cồng chiêng rền vang trong Tâng tung da dá  

Già Bh’ling Hạnh ở thôn Công Dồn, xã Zuôich, huyện Nam Giang, Quảng Nam, cho biết, “Vũ điệu dâng trời” gắn bó mật thiết với cộng đồng, xuất hiện trong nhiều sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội lớn của người Cơ Tu như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà Gươl, và nó được trao truyền từ đời này sang đời khác. Không một người Cơ Tu nào ở Quảng Nam, Đà Nẵng hay Thừa Thiên Huế xa lạ với điệu múa này. Họ trân trọng và ý thức việc gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình.

Theo quan niệm của người Cơ Tu thì tâng tung là điệu múa của đàn ông, con trai, còn da dá là điệu múa của đàn bà con gái. Trong những lần sinh hoạt dân ca dân vũ, tất cả cùng múa và nhịp bước trong cùng một vòng tròn, ngược theo kim đồng hồ, sôi động, rộn ràng trên nền tiếng trống, cồng chiêng vang vọng núi rừng bao la hùng vĩ. Bên cạnh đó, tâng tung còn được hiểu là vươn lên cao, sôi động hơn, mạnh mẽ hơn và vững chãi hơn. Nó thể hiện hiện khát vọng chinh phục vũ trụ, muốn vươn lên tầm cao mới, mong cuộc sống tốt đẹp hơn của mỗi con người.

Với ý nghĩa như vậy, tâng tung da dá là điệu múa nhộn nhịp, sôi động nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ và hùng dũng, mang đậm bản sắc của tộc người Cơ Tu nơi rừng thẳm. Khi trình diễn “Vũ điệu dâng trời”, đàn ông Cơ Tu mặc khố, choàng một áo dệt bằng thổ cẩm, chân đi trần, tay nắm chắc cây khiên, cây giáo hoặc nắm chắc tay bạn bên cạnh tung đôi tay lên vừa bước vừa hú một cách tự tin và hùng dũng, thể hiện sức mạnh trai tráng của mình. Còn nữ giới thì mặc váy thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn, vai trần, cổ đeo vòng cườm. Khi múa đôi mắt của người phụ nữ nhìn thẳng, miệng luôn tủm tỉm cười, chân đi đất nhón gót xoay tròn ngược chiều kim đồng hồ, động tác múa uyển chuyển, nhẹ nhàng và quyến rũ.

Cũng theo già làng Bh’ling Hạnh thì da dá theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều, mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là nhớ ơn đất trời, trung thành với người, kính trên nhường dưới. Trong điệu da dá, động tác múa phải uyển chuyển toát lên sự đằm thắm, chung thủy và không bị khuất phục. Thế nên điệu múa này chỉ dành cho “phái đẹp”. Bởi người Cơ Tu quan niệm rằng phụ nữ vốn thùy mị, thương chồng yêu con, núi rừng quê hương, biết hy sinh vì sự sinh tồn, phát triển của dòng tộc.

Có một nguyên tắc khi trình diễn tâng tung da dá là sau khi giàn trống chiêng vang lên “ting toàng… ting toàng… tư tư.. tư tư… từng.. từng…”, bao giờ người con gái cũng bước ra múa trước, hết lượt con gái mới đến lượt con trai nối tiếp. Nếu người đông một vòng chật thì tạo thành hai vòng tròn cùng nhảy múa một lúc. Điệu múa tâng tung da dá sắp xếp đi trước là nữ, đi sau là nam; vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam. Phải chăng, chính điều này nói lên rằng tộc người Cơ Tu giành cho đàn bà con gái sự “ưu tiên” hơn cả. Ngay trong gia đình khi hai vợ chồng đi làm, trên đường ra nương rẫy, người vợ vẫn luôn là người đi trước.

“Cả nam giới và phụ nữ khi múa di chuyển theo vòng tròn, chậm và ngược kim đồng hồ, theo nhịp điệu cồng chiêng và tiếng trống thập thình, nhịp nhàng trên đôi chân và nhẹ nhàng quay thân mình theo chiều thuận kim đồng hồ. Khi trống chiêng bắt đầu nổi lên, con gái bước ra múa trước, sau đó con trai mới bước ra và nối tiếp vào. Nếu đã xếp đủ một vòng tròn mà vẫn còn dư người múa thì họ lại tạo thêm một vòng tròn khác, nhưng bao giờ cũng theo nguyên tắc nữ đi trước, nam đi sau; vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam”, già Bh’ling Hạnh chia sẻ.

Sống dậy “vũ khúc của rừng”

Nhưng, cũng giống như hết thảy các loại hình dân ca dân vũ khác, tâng tung da dá cũng có những thời điểm đứng trước nguy cơ bị mai một. Đứng trước thực trạng đó, những năm gần đây, chính quyền, ngành văn hoá các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc phục dựng nhà Gươl và mời các nghệ nhân truyền dạy “vũ điệu dâng trời”.

Già làng Bh’ling Hạnh, hồ hởi: “Đối với người Cơ Tu, tâng tung da dá đã ngấm vào máu thịt. Trong bất cứ một lễ hội nào của chúng tôi, không thể thiếu được “Vũ điệu dâng trời”. Tuy điệu múa này rất khó, nhưng từ người già và trẻ con ở đây đều biết, đó là nhờ người già biết dạy dỗ, trao truyền cho con cháu. Vì muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống để sau này không mai một thất lạc đi, thì khó thế nào cũng phải học thôi. Bởi, nếu sau này thế hệ người già chết đi, thì ít ra vẫn còn thế hệ trẻ kế thừa. Người Cơ Tu không thể không còn tâng tung da dá...”.

Cũng chính vì sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cũng như của cộng đồng người Cơ Tu sống trên dải Trường Sơn, nên giờ đây tâng tung da dá đang có dấu hiệu hồi sinh. Nhất là cách đây ít lâu, Hội đồng Di sản quốc gia đã công nhận Tâng tung da dá của người Cơ Tu tại Quảng Nam là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điều đó không chỉ có ý nghĩa, là niềm tự hào đối với tất cả người dân xứ trầm hương, mà nó còn tiếp thêm sức mạnh to lớn cho người Cơ Tu trong hành trình khôi phục và gìn giữ những nét đẹp văn hóa từ thượng cổ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điệu dân ca trên sóng đá biên thùy