Đằng sau những bức tranh giả - niềm tin được đặt ở đâu?

Hà Thu| 04/08/2016 18:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giá trị của bức tranh không chỉ nằm ở những con số mà còn được thể hiện bằng niềm tin của công chúng dành cho hội họa.

15/17 bức trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh bước đầu được khẳng định là tranh giả, 2 bức còn lại là tranh thật nhưng lại bị đề tên người khác. Tác giả của một trong hai bức tranh được cho là thật này đã lên tiếng và khẳng định sẽ đi đến cùng để làm rõ sự việc.

Tranh giả trôi nổi, thật-giả khó phân

Được biết, Triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” do nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đứng ra tổ chức gồm 17 tác phẩm của các danh họa nổi tiếng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh từ ngày 10 đến hết ngày 21/7/2016.

17 tác phẩm này được ông Vũ Xuân Chung mua từ ông Jean François Hubert (một chuyên gia thẩm định tranh Việt Nam) tại sàn đấu giá Christie’s Hong Kong. Mỗi bức tranh ông Chung mua đều có giấy xác nhận của ông J. F. Hubert.

Tuy nhiên, ngay sau đó nhiều người, trong đó có các nhà chuyên môn, các họa sĩ cho rằng những bức tranh được trưng bày không phải là nguyên gốc. Theo đánh giá ban đầu, 15/17 bức tranh là giả, 2 bức còn lại được cho là thật nhưng lại đề tên người khác. Một trong hai tác giả của hai bức tranh đã lên tiếng và khẳng định sẽ đi đến cùng để “làm ra ngô ra khoai”.

Đằng sau những bức tranh giả - niềm tin được đặt ở đâu?

Bức tranh "Trừu tượng", họa sĩ Thành Chương khẳng định do mình vẽ từ những năm 1970-1971 được ký tên họa sĩ Tạ Tỵ trong triển lãm

Điều khiến nhiều người lo ngại nhất ở đây chính là việc Sở Văn hóa TP Hồ Chí Minh cấp phép, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh lại là nơi diễn ra triển lãm, một bảo tàng chuyên ngành của Nhà nước, có uy tín hàng đầu. Điều này cho thấy, chuyện thật - giả đã trở thành vấn nạn, ngay cả những chuyên gia, người quản lý cũng khó phân định.

Còn nhớ, trong một lần tổ chức đấu giá dành riêng cho nghệ thuật Đông Nam Á tại Singapore vào năm 2007, mặc dù có một đội ngũ chuyên gia thẩm định giỏi, am tường hội họa, kinh nghiệm đầy mình, họ vẫn bị "qua mặt" khi để lọt rất nhiều tranh "dởm", tranh nhái theo tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Sự việc này cũng đã gây rúng động giới hội họa một thời gian dài.

Hơn nữa, bản thân các tác phẩm hội họa không phải là độc bản và các họa sĩ thậm chí còn không nhớ được hết những nét vẽ của mình. Trong khi đó, người ta chỉ cần phác thảo vài đường nét gần như tranh thật, họ đã có một tác phẩm “copy” nguyên gốc. Chưa kể hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, họ đã chép và bán ra bao nhiêu bức tranh từ tác phẩm của những họa sĩ bậc thầy như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn đến những họa sĩ hàng đầu hiện nay như Nguyễn Thanh Bình, Đào Hải Phong, Thành Chương...

Hiện nay, có cả một con phố ở Hà Nội chuyên bày bán những bức tranh giả, tranh được sao chép hay nhái lại các bức họa nổi tiếng. Thậm chí hài hước hơn khi ở Hội An, nơi được tôn vinh là “Di sản văn hóa thế giới” cũng đã trở thành nơi bán nhiều tranh chép, tranh giả không thua kém gì Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Các cửa hàng tranh giả, sao chép tranh bề thế mọc lên hàng ngày càng nhiều, tọa lạc ở mặt tiền, công khai sao chép tranh ở các đường phố lớn, khu trung tâm.

Chuyện thật - giả cũng không còn là câu chuyện riêng của giới hội họa mà là vấn nạn chung trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Trong cả lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, và ngay cả trong hoạt động báo chí, đạo nhái, sao chép ý tưởng, làm giả…đã và đang làm nhức nhối dư luận xã hội.

Ở lĩnh vực âm nhạc, hẳn nhiều người không quên scandal đạo nhạc nhái của Sơn Tùng M-TP. Những bản hit đình đám, gây bão trong cộng đồng của Sơn Tùng M-TP như Em của ngày hôm qua, Nắng ấm xa dần,  Chắc ai đó sẽ về…và bản hit mới ra mắt hôm 3/8 có tựa đề Chúng ta không thuộc về nhau đều bị tố đạo nhạc, đạo ý tưởng.

Ở lĩnh vực hoạt động báo chí, một lĩnh vực mà hai chữ trung thực được đặt lên hàng đầu cũng xảy ra tình trạng dàn dựng, chỉnh sửa và cắt ghép cho đúng kịch bản, khiến dư luận hoang mang và vô cùng bức xúc. Có thể kể ra đây phóng sự “Cây chổi quét rau” của VTV, do ê-kip chương trình đã cố tình dàn dựng việc người dân cầm chổi quét cả ruộng rau để đánh lừa người tiêu dùng là rau sạch. Đến khi vụ việc được phanh phui, uy tín của VTV bị giảm sút, trong khi đó niềm tin của khán giả dành cho VTV đã bị “sứt mẻ” khá nhiều. Người ta khó có thể chấp nhận một Đài quốc gia lại có thể dàn dựng nội dung thông tin, gây hoang mang dư luận như thế. Hay như gần đây, nhà báo Lê Bình và cộng sự của mình ở BTV bị tố dàn dựng cảnh quay thực địa khi làm phóng sự ở Syria.

Mới đây, Tòa án Paris (Pháp) đã phán quyết, nhà làm phim Pháp Luc Besson phải trả cho John Carpenter - "bậc thầy phim rùng rợn" Hollywood, hơn 450.000 EURO (hơn 500.000 USD) vì đạo ý tưởng trong bộ phim kinh điển Escape from New York (1981) của  Carpenter.

Vì đâu nên nỗi?

Dân làm tranh giả thường đi theo nguyên tắc: Cái gì "hot", cái gì thị trường cần thì sẽ vẽ giả bằng mọi cách, bất chấp pháp luật, bất chấp đạo đức, miễn là có lợi nhuận.

Bản thân giá trị thật của các bức tranh của bộ tứ huyền thoại “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) và các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng như Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ…đều khiến nhiều người buôn tranh muốn sở hữu. Trong khi đó, nhu cầu chơi tranh của công chúng ngày càng lớn.

Theo ý kiến cá nhân của họa sĩ Trần Khánh Chương, cuộc sống ngày càng phát triển, quá trình thương mại hóa diễn ra nhanh chóng khiến cho những giá trị văn hóa truyền thống vì thế cũng bị kéo theo. Thật, giả bị lẫn lỗn, khó phân định.

Hơn nữa, việc xuất hiện tranh giả, tranh nhái có khi bắt nguồn từ chính các họa sĩ. Trong đó, có người nhân bản tranh của mình để bán, có người vì bức vẽ đầu tiên chưa vừa ý một chi tiết hay một nét màu nên vẽ lại, khiến thị trường có hai bức tranh giống nhau…Có những tác phẩm hội họa lại không phải là “độc bản” cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó phân định thật giả và tranh giả vì thế ngang nhiên trôi nổi trên thị trường.

Vấn đề đăng ký bản quyền tác giả, tác phẩm trong giới hội họa cũng là vấn đề đáng bàn đằng sau vụ 15/17 bức tranh được cho là giả này. Về khách quan, việc đăng ký bản quyền tác giả tác phẩm đối với giới hội họa có nhiều bất cập. Trong khi các loại hình khác như âm nhạc, điện ảnh hay văn học… đều có các đơn vị bảo hộ tác quyền với những căn cứ định lượng thì ở mảng mỹ thuật lại bị bỏ trống.

“Họa sĩ có thể đăng ký bản quyền tác giả tác phẩm khi chỉ có một hay vài tác phẩm, có nghĩa là số lượng tác phẩm ít. Nhưng đối với những họa sĩ mà số lượng tác phẩm nhiều hơn thì việc đăng ký khá là bất cập, không thuận tiện” - họa sĩ Phạm An Hải cho biết.

Còn về chủ quan, bản thân những người làm nghệ thuật nói chung và các họa sĩ nói riêng, việc đăng ký bản quyền vẫn chưa được chú trọng.

Quản lý còn lỏng lẻo, quy trình xin cấp phép triển lãm tranh còn chưa chặt chẽ cũng là một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng này. Vì thế mà luật pháp bị thách thức, những giá trị tốt đẹp của một đời sống văn minh bị vấy bẩn. Nhưng có một điều còn tệ hại hơn nữa là những tranh chép, tranh giả ngày càng ngang nhiên, công khai hơn, thách thức tất cả mọi người, không những làm mất giá trị thật của bức tranh mà còn làm mất niềm tin của người yêu tranh, giới nghệ sỹ.

Đằng sau những bức tranh giả - niềm tin được đặt ở đâu?

Bức Ngựa của cố danh họa Nguyễn Tư Nghiêm trong triển lãm. 

Niềm tin đặt ở đâu?

Giá trị của bức tranh không chỉ nằm ở con số mà quan trọng nhất chính là niềm tin của công chúng đặt ở trong đó. Đến một bảo tàng uy tín của Nhà nước cũng để cho tranh giả lọt vào thì liệu rằng trên thị trường tranh đang lộn xộn ngoài kia, người dân sẽ phải tin như thế nào về chất lượng của hội họa Việt Nam.

Nếu như cả 17 bức tranh kia không bị phát giác thì liệu những người trực tiếp giả mạo tranh, làm tranh giả và những người có liên quan sẽ tiếp tục để lại hậu quả như thế nào? Nhưng chắc chắn, niềm tin của công chúng dành cho hội họa sẽ không được nguyên vẹn.

Không chỉ công chúng bị mất niềm tin, ngay cả dân trong nghề cũng mất niềm tin khi những “đứa con tinh thần” của mình bị mạo danh, trôi nổi trên thị trường mà không có sự kiểm soát chặt chẽ.

Dân trong nghề và công chúng đang rất mong đợi một cái kết rạch ròi, sòng phẳng về 17 bức tranh trong Triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”. Đây cũng là mong muốn của những người yêu tranh, mê tranh và bản thân giới họa sĩ về một nền hội họa minh bạch, trong sạch hơn để lấy lại niềm tin nơi công chúng.

Nghị định 131/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính quyền tác giả, quyền liên quan quy định:

Điều 18: Với hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm của thể phạt tiền từ 15.000.000 - 35.000.000đ với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Biện pháp khắc phục: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 19: Hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm: Phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000đ đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm.

- Điều 171a Bộ luật Hình sự quy định hình phạt đối với hành vi sao chép, phân phối với quy mô thương mại với khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 400.000.000 - 1.000.000.000đ, hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đằng sau những bức tranh giả - niềm tin được đặt ở đâu?