Đặc sắc lễ hội giữa lưng trời

Nam Hoàng| 24/08/2017 08:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Quốc khánh 2/9, cộng đồng các dân tộc trên khắp dải rừng tây Bắc lại nô nức đổ về cao nguyên Mộc Châu, Sơn La để tham dự một trong những lễ hội lớn nhất trong năm - Lễ hội mừng Tết Độc lập.

Tưng bừng tiệc núi

Theo một số người già ở Mộc Châu kể lại thì Tết Độc lập của người Mông ra đời từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Để ghi nhớ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng bào đã lấy ngày mồng 2/9 hàng năm để tổ chức lễ hội, ăn mừng. Lễ hội đó, tưng bừng náo nức chả khác gì ngày tết, cũng vì thế, cái tên Tết Độc lập ra đời. Mới đầu, tết thường được tổ chức ở các thôn bản, về sau, do Mộc Châu là cao nguyên, có mặt bằng lớn, lại gần chợ, dễ giao lưu nên nhiều người đã tự tìm về đây để ăn mừng. Ban đầu, lễ hội thu hút chủ yếu là người Mông, sau các dân tộc khác như Thái, Mường, Tày, Nùng, Dao... cũng hào hứng tham gia. Dần dà, “thị trấn nằm giữa lưng trời” này đã trở thành nơi tụ hội của các dân tộc khắp vùng Tây Bắc mỗi dịp Quốc khánh 2/9, là nơi diễn ra phiên chợ tình lớn nhất trong năm.

Đặc sắc lễ hội giữa lưng trời

Tiếng khèn gọi bạn

Xưa kia, người Mông thường sống du canh du cư trên những ngọn núi cao, địa bàn cư trú trải rộng nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trường Sơn. Sống phiêu du là vậy nhưng từ mấy chục năm qua, phiên chợ tình vào dịp đầu tháng 9 vẫn không thay đổi. Đến hẹn lại lên, chợ tình lại họp như một thông lệ. Vài tháng trước khi diễn ra phiên chợ, các cô gái tuổi 15-17 đã chuẩn bị những bộ váy áo đẹp nhất. Các chàng trai thì luyện những điệu khèn hay nhất để thể hiện tình yêu trong đêm diễn ra chợ tình. Bây giờ trai Mông biết chơi khèn đã ít đi nhiều nhưng tất cả đều phải thể hiện được một tài lẻ gì đó trước khi nghĩ đến chuyện chiếm được trái tim của cô gái.

Đặc sắc lễ hội giữa lưng trời

71 tuổi, bà Vàng Thị Phia vẫn tìm đến chợ tình gặp bạn

Cũng vì những nét quyến rũ rất riêng biệt ấy mà theo năm tháng, chợ tình Châu Mộc ngày một thêm đông. Từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có hàng nghìn người Mông ở khắp các tỉnh vùng Tây Bắc đến dự. Sang những năm gần đây, lại thêm người Mông ở “Cao - Bắc - Lạng”, Thanh Hóa, Nghệ An và cả người Mông bên nước bạn Lào cũng về vui Tết với người Mông Mộc Châu. Các dân tộc anh em như Dao, Kinh, Khơ Mú, Mường, Thái ở các bản lân cận cũng kéo về thị trấn Mộc Châu để chung vui.

Nếu như chợ tình Khau Vai (Hà Giang) và chợ tình Sapa (Lào Cai) đã trở quen thuộc thì chợ tình Mộc Châu vẫn còn khá nguyên sơ. Cụ Sùng Thị May (78 tuổi), một người từng “ăn”50 cái Tết Độc lập và đã tham dự cũng ngần ấy phiên chợ tình Mộc Châu, kể: “Từ bé, tôi đã thấy đồng bào mình họp chợ tình ở đây rồi. Khi tôi lớn lên, khu chợ tình vẫn nguyên như vậy. Mỗi dịp chợ tình họp, tôi lại thấy rộn ràng. Dù không còn trẻ nữa, nhưng tôi vẫn phải xuống chợ để gặp bạn bè, dù chỉ để uống với nhau vài chén rượu”.

Cụ May kể, khi xưa, cuộc sống còn nghèo, mọi người đến chợ phải đi bộ hoặc đi ngựa mất cả ngày trời, đêm không về kịp phải ngủ lại. Bây giờ thì khác, phương tiện đi lại chính của đồng bào là xe máy. Đường đông như trẩy hội. Có những chàng trai đến gần chợ thì dừng xe để thay bộ cánh mới theo kiểu dân tộc cổ truyền. Họ mang theo cả radio cassette đi tìm bạn, mở băng ghi âm những bài hát mà bạn mình ưa thích, bạn nghe được sẽ tự tìm đến. Rồi hai người dắt nhau đi trò chuyện, họ lại mở máy, ghi âm tiếng nói, lời ca hoặc điệu khèn của nhau. Họ trao băng ghi âm cho nhau để mỗi khi nhớ bạn lại mở ra nghe giọng nói thân thương.

Trong “rừng người” chen vai, người ta bắt gặp cả những khuôn mặt ngơ ngác của những cô bé 13, 14 tuổi lần đầu xuống chợ. Cánh con trai chầu chực ở tiệm uốn tóc để rẽ ngôi, gọt rửa, xịt keo. Sau đó, họ rủ cánh con gái đi ăn phở rồi đi chụp ảnh và chờ bọc răng vàng. Đó là những lệ bộ cần thiết. Ai cũng đẹp, cũng vui. Cánh thanh niên bắt đầu trêu chọc “kéo” nhau, “kéo” tuột cả nùn tóc giả mà các cô gái vẫn tươi cười, bởi hôm nay là ngày hạnh phúc của tuổi trẻ. Những bàn tay nắm tay, những ánh mắt đắm đuối, những cử chỉ vuốt ve...

Say đắm chợ tình

Tết Độc lập thường kéo dài từ ngày 30-31/8 đến 2/9, nhưng đông vui nhất là đêm 1/9 cho đến rạng sáng 2/9. Những ngày diễn ra lễ hội, trên dọc Quốc lộ số 6 vắt qua dốc Cun, đèo Thung Khe, qua cao nguyên Mộc Châu, đèo Pha Đin...,đều rực rỡ sắc màu thổ cẩm đẹp đến mê hoặc lòng người. Dòng người đổ về Mộc Châu tưởng như “Dòng sông hoa” bất tận. Từ em bé miệng còn hơi sữa đến những ông già, bà lão tóc bạc da mồi đều chộn rộn bước chân, niềm vui sáng trên từng khuôn mặt. Họ đến hội để ngắm, để nhìn, để kết giao tình tự. Họ uống rượu, vui vẻ hát ca, tìm bạn cũ, làm quen bạn mới, không phân biệt khoảng cách về địa lý, phong tục, vùng miền, những mối tình giao hảo mãi vượt lên và vươn dài mãi.

Thường thì ngay từ sáng 1/9, đoàn người đã đổ về khiến thị trấn Mộc Châu chật như nêm. Người ta chào hỏi nhau, uống với nhau vài chén rượu, chia nhau bát thắng cố. Khi màn đêm buông xuống, khi hơi lạnh se se từ các khe núi tràn xuống vướng vít con người và cảnh vật, không gian được dành lại cho phiên chợ tình lớn nhất trong năm. Tiếng sáo, tiếng khèn bắt đầu vang vọng, đó là lúc những nam thanh, nữ tú bắt đầu màn múa hát, kết bạn, giao duyên. Ẩn sâu bên trong phiên chợ giữa lưng chừng mây trắng là những mối tình của các chàng trai, cô gái dân tộc thiểu số. Đối với những đôi trai gái người Mông, đây là một dịp lý tưởng để hò hẹn, tìm kiếm bạn đời. Những cặp đôi nào ưng thuận sẽ tự tách riêng rồi tìm đến một chỗ vắng vẻ để tâm sự, hẹn hò, đính ước. Có nhiều đôi bạn trẻ dù ở cách xa nhau cả trăm cây số, gặp nhau ở chợ tình, nảy sinh tình cảm rồi nên vợ thành chồng.

Từ nhiều năm nay, trong mỗi phiên chợ tình, người ta được nghe rất nhiều câu chuyện về tình yêu đôi lứa hết sức ly kỳ và cảm động. Có những người đã nên vợ thành chồng, có những mối tình dang dở, không dẫn đến hôn nhân, nhưng người ta vẫn giữ mối quan hệ bạn bè. Giờ, đến chợ tình, họ gặp lại nhau, gửi cho nhau lời thăm hỏi động viên trên bước đường đời. Cũng chính vì những dang dở ấy mà mỗi phiên chợ tình, người ta đều nghe được những tiếng đàn môi và những lời hát đối đầy da diết và khắc khoải.

Có nhiều người đã lên ông, lên bà nhưng năm nào cũng mong ngóng đến ngày này để đến chợ bởi có những câu chuyện tình, dù qua bao mùa ngô trổ bắp, mùa lúa trĩu bông mà vẫn chưa nguôi se sắt. Họ đợi mong đến phiên chợ, để gặp lại “người xưa”, để hàn huyên chuyện cũ. Thế nên, ở phiên chợ tình Mộc Châu này, không ít gia đình khi đến chợ thì bố đi đường bố, mẹ đi đường mẹ, con trai, con gái lớn đi lối riêng của mình. Họ hẹn nhau đến sáng thì đợi ở một điểm nào đó rồi cùng về bản, tuyệt nhiên không hỏi đêm qua gặp ai, ở đâu, làm gì...

Bản tình ca của núi

Giàng A Khớ từng tìm thấy được tình yêu của mình chính tại phiên chợ này khi anh mới 18 tuổi, tức là đã hơn 10 năm trước. Khi ấy, Khớ đã lặn lội gần trăm km đường núi hiểm trở từ Điện Biên về Mộc Châu để đến chợ tình. Lần đó, Khớ quen và đem lòng thương mến cô gái có tên là Say, nhà ở Loóng Luông. Tưởng rồi sẽ nên vợ thành chồng, thế nhưng duyên số bắt hai người hai ngả, từ đó mỗi phiên chợ, dù bận dù không, dù đã có vợ và “con đàn con lũ”, Khớ đều sắp xếp thời gian để tìm đến chợ tình mong gặp “người xưa”.

“Mình là người đã có vợ rồi, và nó chắc cũng đã có chồng. Mình chỉ muốn gặp để xem nó sống có vui không thôi, xem nó có hạnh phúc như mình không thôi. Nếu nó cũng vui, cũng sướng như mình thì mình cũng vui mà. Vợ mình cũng biết là mình xuống đây tìm người yêu cũ, nhưng nó cũng chả nói gì đâu, nó chỉ bảo đi thì nhớ đường mà về thôi...”, Khớ tâm sự. Và, cuối cùng niềm mong mỏi gặp lại “người xưa” của Khớ cũng được đền đáp. Trong phiên chợ tình diễn ra vào năm 2015, anh đã gặp lại Say năm xưa....

Không chỉ những người như Khớ, như Say mới mong đến chợ tình, mà ngay cả những cụ ông, cụ bà cũng gánh tuổi tác của mình lên Mộc Châu vào những ngày này. Họ đến, cốt chỉ để tìm gặp lại bạn xưa, như trường hợp của cụ Vàng Thị Phia (71 tuổi, ở Quỳnh Nhai) và cụ Giàng A Hự (73 tuổi, ở Sốp Cộp). Xưa kia, hai cụ cũng từng “phải duyên” nhau ở chợ tình này, nhưng ngặt vì ngăn núi cách sông mà không nên vợ, thành chồng. Thế là từ đó hai cụ đành hẹn nhau khi nào rảnh thì đến phiên chợ, cùng ngồi nhìn mây, nhìn người, ôn lại chuyện xưa. Những đuôi mắt đã trĩu màu thời gian ấy cứ lặng lẽ nhìn theo dòng người xuống chợ. Họ chẳng có gì để bán mua, càng chẳng phải có nhu cầu thưởng thức món ngon, nhưng năm nào cũng vậy, khi đám trẻ rục rịch chuẩn bị cho chợ phiên thì họ cũng phải đi. Cụ Phia bảo: “Tôi sẽ đi, tới chừng nào cái đầu gối lỏng ra, không gạt được mây, không vượt được dốc mới thôi...”.

Thế mới thấy được Tết Độc lập, chợ tình Mộc Châu nó gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người vùng cao như thế nào. “Văn hóa chợ tình” – Bản tình ca của núi ấy nó giống như một dòng chảy len lỏi qua những nếp nhà sàn thô mộc, từ đời này sang đời khác. Cứ thế, những tiếng khèn, câu hát, những chén rượu mềm môi, bát thắng cố đượm mùi núi rừng ở cái phiên chợ giữa mây xanh ấy như muốn níu chân người. Thế nhưng, cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc. Hội tan chợ vãn, đồng bào rậm rịch rủ nhau về. Những bịn rịn, luyến lưu vẫn còn đượm trong từng ánh mắt, trong từng cái nắm tay thật chặt và trong từng lời ước hẹn. Tất cả tạm chia tay, nhưng những kỷ niệm sâu nặng về tình yêu, tình anh em, bạn bè sẽ còn mãi trong tâm hồn mỗi người dân miền sơn cước.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc lễ hội giữa lưng trời